5 giờ chiều, hành lang Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô khá đông thanh thiếu niên. Những chiếc ba lô to uỵch được chất thành từng đống lớn. Nào quần jean, áo pull, nào mũ, giầy, khăn bịt đầu, bao tay, và cả một chiếc đài đĩa "tổ chảng"... Đó chính là "đồ nghề" của dân Hip-hop vỉa hè.
Chiều nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, dù mùa đông hay mùa hè, cứ tầm giờ ấy, ở nơi ấy, người ta vẫn thấy những con người ấy tưng bừng uốn éo theo nhịp nhạc.
Trên hành lang lát đá rộng rãi, chỗ này nhóm New Waves đang "ke" (chống một tay xuống đất, nâng người lên). Cạnh đó, nhóm Halley đang chăm chú với những động tác style, power và combo đầy kỹ thuật. Một thành viên nhóm Zero đang hướng dẫn cậu học trò trồng chuối và các động tác cơ bản. Ô cuối cùng dành cho những người mới tập...
"Lãnh địa ở đây được phân chia rõ ràng như vậy sao?", tôi hỏi. Phạm Minh Hoàng (trưởng nhóm Halley) vui vẻ: "thực ra thì cũng chẳng phải phân chia. Nhóm nào tập thì cứ đến đó đặt đồ. Lâu rồi thành quen thôi anh ạ. Chẳng bao giờ có chuyện tranh giành cả".
Không giáo trình, không thầy dạy, những chàng trai này đến với Hip - hop bằng niềm đam mê |
Quần jean, chiếc mũ lưỡi trai lúp xúp, trông Hoàng trẻ hơn so với cái tuổi 19. Hoàng biết đến Hip - hop một cách tình cờ qua mạng Internet. Tự sắm đồ nghề, tự học "mót" qua đĩa, băng, tự đến sảnh Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô luyện tập.
Tại đây, Hoàng gặp Thành, cũng là dân mê Hip - hop, hai chàng trai hợp cùng 6 "ngọn gió đam mê" khác kết thành nhóm Halley. Sau gần 2 năm sát cánh bên nhau tập luyện ở sân vận động... vỉa hè, Halley hiện được đánh giá là một trong những nhóm nhảy có phong cách nhất. Với tài design của "thủ lĩnh" Minh Hoàng, nhóm còn lập hẳn riêng một trang web (Halleycrew.com) để giao lưu Hip - hop với các bạn trẻ.
Cũng mang trong mình ngọn gió của niềm đam mê Hip - hop, Nguyễn Hoàng Nam phải dành trọn số tiền nhịn ăn sáng đúng 42 ngày để mua cho được chiếc quần ống thụng mà xin mẹ đến khản cổ cũng chẳng được. Mẹ cho tiền mua con xe Nhật xịn đi học, cậu vờ mua nhầm xe Tàu. Số tiền dư ra cho nốt vào chiếc áo và đôi giày "chiến".
Còn Nguyễn Thuỳ Hương, cô gái 18 tuổi, nhà Giảng Võ, từng thức trắng đêm để tự chế cho mình một chiếc đệm cổ tay nhằm thực hiện cho bằng được động tác ngựa tay quay. Hương kể: “Nhìn tụi nó tập được còn mình thì không, ức lắm. Lúc đầu tập không có đệm, tay bầm tím, về nhà mẹ la quá. Thế nên đành phải thức đêm may cho xong cái đồ tự chế... ”.
Chỉ vào cánh tay Hương với một vết sẹo chưa lành, Hằng, bạn Hương cho biết: “Hôm trước nó liều đổ cái rầm xuống đòi quay thử, chẳng ngờ sai khớp sưng vù, phải bó bột. Về nhà lại còn phải giấu, chẳng dám kêu, suốt ngày chỉ ở trong phòng”.
Với dân hip hop, niềm vui lớn nhất là khi tập được một động tác khó. Nguyễn Đức Minh, thành viên nhóm Zero bảo: “Hồi mới tập được động tác "cắt kéo" sướng quá khoe ầm cả bọn. Đến nỗi đêm về sướng quá, ngủ mơ thấy hét ầm nhà, chân tay đập loạn xạ. Bố mẹ thấy thế tưởng bị khùng, may mà chưa cấm đi tập.
Cộng đồng hip hop
13 năm trước, khi Hip - hop mới vào Hà Nội, những người đi bước đầu tiên mặc đồ lập dị ngay lập tức bị coi như những kẻ không bình thường. Nguyễn Viết Thành, thành viên kỳ cựu nhóm Big Toe nhớ lại: “Hồi đó, hầu hết chỉ là dân nhảy rap chuyển sang, người tập hip hop thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Toàn tự tập chứ làm gì có người hướng dẫn như bây giờ”.
Cùng với sự bùng nổ của Internet, thông tin về hip hop trên thế giới cũng được dân hop cập nhật thường xuyên. Đặc biệt, mỗi khi có một vài SV du học trở về là ngay lập tức sẽ có những băng đĩa xịn (mà không phải đồ sao chép, download từ trên mạng) để tập luyện.
Biểu diễn động tác freestyle |
Trên thực tế, số người tập luyện Hip - hop ở Hà Nội đã lên tới hàng ngàn. Nơi đông đúc nhất vẫn là Cung Văn hoá, nhà trẻ Hoa Sen gần khu Giảng Võ…từ những cá nhân tự phát, họ đã tự thành lập nhóm, tự tổ chức thi đấu. Dần dần đã hình thành một "cộng đồng" Hip - hop chốn vỉa hè.
Khi hỏi về nguyên nhân vì sao khiến họ đam mê "hop" đến vậy, đa số những fan đều trả lời: những động tác của Hip - hop không hề gò bó, nó vẫn có những yêu cầu kỹ thuật chung nhưng trong cũng chứa đựng đầy chất ngẫu hứng, sáng tạo và thật sự thoải mái”.
Sự mạnh mẽ, trẻ trung của Hip - hop đã "hớp hồn" họ. Vì vậy, dù thường xuyên bị bảo vệ đuổi khi tập luyện, công an đuổi khi đang thi đấu, dù không may sai tay, sái khớp... nhưng ngọn lửa của niềm đam mê ấy vẫn hừng hực cháy trong những chàng trai trẻ.
Những người tập luyện thường xuyên trao đổi kỹ thuật với nhau qua những cuộc thi "cây nhà lá vườn". Với họ, những đợt "hội quân" so tài đều là những lần xôn xao giới Hip - hop. Mỗi khi có một thành viên Hip - hop ở Sài Gòn, Hải Phòng... ra Hà Nội, ngay lập tức sẽ có những cuộc trình diễn hết sức thú vị ngay tại công viên hay trên sảnh một khách sạn lớn.
Ngoài "cộng đồng" Hip - hop đang chiều chiều say sưa luyện tập chốn vỉa hè, hiện nay, cộng đồng Hip - hop trên mạng cũng cực kỳ sôi động. Những diễn đàn như worldofhiphop.de, viethiphop.com, vnbboy.net … và nhiều trang web Hip - hop khác đang thu hút được thế hệ @. Kèm theo nó là thời trang hip hop cũng xuất hiện đúng lúc đáp ứng nhu cầu giới trẻ.
10 tuổi đã nghiền Hip - hop | Minh Hoàng (nhóm Halley): Nổi nhạc lên! |
Những chàng trai đam mê Hip - hop | Chiều nào họ cũng tập ở sân vận động... vỉa hè |
"Đại bản doanh" của nhóm BigToe | Hip - hop đâu cứ phải... mày râu |