'Dị nhân' bóng đá

Làm xiếc với trái bóng lúc nửa đêm. Ảnh: Phú Gia
Làm xiếc với trái bóng lúc nửa đêm. Ảnh: Phú Gia
TP - Thực hiện những động tác kỹ thuật ngẫu hứng, nhưng lắt léo, hoa mỹ đến mức khó tin không kém gì danh thủ Maradona, Ronaldinho… Những cao thủ của môn bóng đá nghệ thuật tại Việt Nam được giới trẻ gọi là 'dị nhân.'

'Dị nhân' bóng đá

>> Đá bóng trên máy bay
>> Vừa đá bóng vừa…nhảy Tango
>> 'Dị nhân' sút phạt

>> Xem ảnh "làm xiếc" cùng trái bóng
Bài 1 - Làm xiếc với trái bóng

Làm xiếc với trái bóng lúc nửa đêm. Ảnh: Phú Gia
Làm xiếc với trái bóng lúc nửa đêm. Ảnh: Phú Gia.

Nửa đêm, người ta vẫn còn nghe tiếng bịch bịch của trái bóng thi thoảng đập xuống nền đá phát ra từ góc sân dưới chân Tượng đài Lê -nin (đường Điện Biên Phủ, Hà Nội). Đó là nơi Thành Đạt và Ngọc Anh đang say mê luyện tập với trái bóng.

Trái bóng như bị làm phép, dính chặt vào đầu, lúc ở trên mặt, lúc chạy xuống phần mang tai, khi lại chạy vòng quanh cổ khiến người xem hoa mắt. “Đó gọi là upper, một trong 4 kỹ thuật cơ bản của bóng đá nghệ thuật. Nó yêu cầu người chơi phải khống chế, xử lý trái bóng một cách tinh tế bằng phần cơ thể từ ngực trở lên”, Ngọc Anh giải thích.

Thành Đạt và Ngọc Anh là thành viên của ATW (viết tắt của cụm từ Around The World - Vòng quanh thế giới), câu lạc bộ chơi bóng đá nghệ thuật của các bạn trẻ Hà Nội ra đời từ cuối năm 2007. Đạt là sinh viên ĐH Bách khoa, còn Ngọc Anh là sinh viên ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Sau màn giới thiệu sơ qua về bóng đá nghệ thuật đang thịnh hành trên thế giới, Ngọc Anh lại lao vào tập luyện. Thi thoảng Ngọc Anh tâng bóng lên cao, lộn ngược người trồng cây chuối, chân gập ngược ra phía sau kẹp bóng vào giữa kheo chân và đùi. Hàng loạt động tác mạnh mẽ, khéo léo nối tiếp nhau khiến người xem liên tục vỗ tay. “Đó là sự kết hợp giữa bóng đá nghệ thuật và động tác kỹ thuật của hiphop. Chúng tôi chỉ tập chay, nếu biểu diễn thật phải thêm tiết tấu và có nhạc nền”, Đạt giải thích.

Đạt và Ngọc Anh cũng là thành viên của một đội bóng đá nghệ thuật sẽ tham dự Exhibition League, giải đấu do những người yêu bóng đá nghệ thuật tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 10-2010.

Hỏi tập muộn về có bị bố mẹ than phiền, Đạt nói: “Mẹ tôi mê môn này lắm. Tôi thi đấu và biểu diễn ở đâu mẹ cũng dành thời gian đi xem. Vì thế cả nhà ủng hộ tôi dành nhiều thời gian tập để chuẩn bị cho giải đấu”.

Đôi bạn cùng luyện tập
Đôi bạn cùng luyện tập.

Chiều tối hai hôm sau, trở lại sân tập, chúng tôi gặp hàng loạt gương mặt khác của ATW say mê tập luyện. Người đang tâng bóng bằng chân, người bằng đầu, người đang dắt bóng bằng những động tác kỹ thuật lạ mắt trước sự cổ vũ liên tục của khán giả.

“ATW là tên của một động tác kỹ thuật cơ bản nhất của bóng đá nghệ thuật do danh thủ Maradona sáng tạo. Động tác này bắt đầu là tâng bóng sau đó vòng nhanh một vòng chân quanh trái bóng trong một nhịp tâng”, Lê Anh Tuấn, thủ lĩnh ATW cho biết.

“Bóng đá nghệ thuật đem lại cho tôi nhiều điều bổ ích. Ngoài việc tăng cường thể lực, nó còn giúp tôi và bạn bè rời xa các thú chơi có hại khác. Đặc biệt, tôi được quen biết nhiều người, được đi nhiều nơi biểu diễn và có cả fan hâm mộ”, Nguyễn Ngọc Phát, sinh viên, một trong những thành viên chủ chốt của ATW, chia sẻ. 

Tuấn là sinh viên năm cuối ĐH RMIT, đương kim vô địch bóng đá nghệ thuật tại Việt Nam 2009. Theo Tuấn, nhóm ATW ra đời khi hầu hết bạn trẻ Hà Nội chưa biết khái niệm về bóng đá nghệ thuật.

“Lúc đó, tôi cũng là một trong số những người mê và tự tìm hiểu tập luyện bóng đá nghệ thuật. Tôi thực sự chưa biết nó là gì. Mê clip do danh thủ Ronaldinho thực hiện nên tôi làm theo thôi. Lên mạng internet phát hiện có một số bạn trẻ ở Hà Nội cũng tập (trong đó có Hoàng Nam Trường du học ở Pháp về, trưởng nhóm ATW đầu tiên), vậy là họp nhau lại”, Tuấn kể.

Đến nay ATW có gần 40 thành viên thường xuyên tập luyện, trong đó có cả bạn nữ, học sinh tiểu học. Tuấn cho biết hiện ở Việt Nam không chỉ có ATW mà còn nhiều CLB, nhóm chơi bóng đá nghệ thuật khác đang lớn mạnh dần tại Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP HCM… Những bạn trẻ yêu môn chơi mới này đều sinh hoạt trong diễn đàn bongdanghethuat.com. Các thành viên đang lên kế hoạch phổ biến môn chơi này tới nhiều tỉnh khác.

Các dị nhân thuộc ATW khẳng định bóng đá nghệ thuật không quá khó như người ta tưởng, không kén chọn người chơi, chỉ cần đam mê, kiên trì, ai cũng có thể tham gia tập luyện được, bất kể lứa tuổi nào.

Còn nữa

Phú Gia
Clip: Trường Phong

MỚI - NÓNG