Rất nhiều người lệch lạc giới tính tìm bạn tình ở nơi này. Ảnh: Nguyễn Thanh Nam (Thanh Niên). |
Bi đát trong tình yêu
C., vốn là sinh viên trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, quê TP Mỹ Tho, Tiền Giang, cũng là một trai bao, thường xuyên đón khách ở đường Lương Nhữ Học (Q.5). Mới bước chân vào ghế giảng đường, gương mặt điển trai, lại có khả năng chơi đàn guitar cực siêu khiến không ít bạn nữ cùng lớp cùng trường theo đuổi. C. có người yêu cùng khóa.
Nhưng chưa đến một năm, hai người chia tay. Nhớ lại chuyện tình của mình, C. kể trong xót xa: “Quen nhau gần một năm, sắp sinh nhật tình yêu thì cô ấy phát hiện mình đang đứng chờ khách cũng tại chính nơi này. Mình biện đủ mọi lý do nhưng không thể che giấu sự thật là làm “nghề” này đã được hai tháng. Cô ấy bảo mình là con người bệnh hoạn nên không thể tha thứ được”.
Bi đát hơn, người yêu C. đã điện thoại báo cho gia đình C biết. Cả gia đình C. bàng hoàng, đau đớn và cố gắng không tin trong một thời gian dài. Nhưng khi nghe chính C. thú tội, ba của C. giận dữ quyết từ C. Từ đó, anh ta đâm ra buồn chán, bỏ học, đi khách nhiều hơn để kiếm tiền. “Nói thật, giờ mình cũng chẳng biết mình là ai nữa, là nam, là nữ hay là một thằng lệch lạc giới tính? Mình không biết thật! Đã hơn 2 năm làm trai bao rồi, nhìn lại mình, bản thân khác quá, bồ ạ”, C. kể.
Còn với T., từng là sinh viên trường CĐ Tài nguyên môi trường TP.HCM cũng tương tự. Sau một buổi học, lúc tan trường, một vị khách quen tình cờ gặp ngay cổng trường. Vị khách này đã có những cử chỉ suồng sã trước sự chứng kiến của những người bạn cùng lớp. Nhưng buồn nhất là ngay lúc đó bạn gái T. đến đón. Mọi chuyện vỡ lở, tình yêu chấm dứt. Bị bạn bè dị nghị, T. đã bỏ học. Anh ta cười cay đắng, bảo: “Đời thằng trai bao mà có tình yêu thì trời sập”.
Trả giá (Thanh Niên). |
3 năm, ở... 42 nhà trọ
Đi theo V.- trai bao thường đón khách ở trước cổng phụ trường THCS Hồng Bàng (đường Lương Nhữ Học, P.12, Q.5) về đến nhà trọ mà V. thuê được hơn một tuần trong một hẻm nhỏ tối tăm, đường Âu Dương Lân (Q.8). Nghe V. kể trong sự chua xót: “V. quê ở Bạc Liêu, lên đây kiếm sống 4 năm nay. Lúc đầu học nghề hớt tóc rồi bươn chải cùng nó được nửa năm, rồi đi phục vụ nhà hàng nhưng cũng chia tay sau vài tháng. Có cái nghề trai bao này là theo đến tận giờ, gần 3 năm rồi đó”.
Trong 3 năm làm trai bao, thì căn phòng V. đang ở chính là căn phòng thứ 42 và qua cả thảy 9 quận. Từ Q.Gò Vấp, Q.6, Q.4 qua các H.Nhà Bè, H.Bình Chánh..., V. đều đã sống. Khi vừa nghỉ làm phục vụ, V. ở ghép với 3 sinh viên trên đường Lý Nam Đế (Q.10). Vì khu vực hành nghề gần phòng trọ, V. đã bị người cùng phòng phát hiện và đuổi đi. V. nhớ lại: “Mấy đứa nó bảo không thể sống chung với cái đồ biến thái như mày được. Một thằng trai bao thì không có tư cách để thuê phòng ở đâu cả, nên sống ngoài đường để kiếm khách cho dễ”. “Mà không ngờ tụi nó nói đúng thật. V. đi khắp các quận để thuê phòng nhưng đều bị chủ nhà trọ đuổi sau khi ở được vài ngày. Họ không chấp nhận một thằng trai bao như mình khi ngủ ban ngày sống ban đêm”, V. nói tiếp.
Nghe câu chuyện của chính những trai bao, thì trường hợp của V. không là ngoại lệ. Q., T. hay C. – những trai bao, những nhân vật trong phóng sự này đều đã từng gặp cảnh bị chủ phòng trọ đuổi thẳng và phải chuyển phòng liên tục. Như C., cách đây một tháng, khi đang trọ ở chung cư Ngô Quyền (Q.5) đã bị hủy hợp đồng thuê phòng, bởi “ông hàng xóm nghe giọng của mình, hiểu được, báo cho chủ nhà và mình bị tống thẳng cổ”.
Sai lầm
L., một trai bao khác cũng bắt đầu câu trả lời của mình với lý do "Khi đó bố bị bệnh phải mổ tốn gần sáu chục triệu đồng, kiếm đâu ra trong một gia đình nghèo sống bám vào nương rẫy như nhà mình. Mình đành chịu đi làm cái nghề này để kiếm tiền thật nhanh, gom góp cho đủ tiền phẫu thuật cho bố". Tuy nhiên, cuối cùng L. cũng phải kể sự thật.
Tuy nhà kinh doanh nhà hàng hải sản ở Long Hải, Vũng Tàu, L. lại là con một nên cuộc sống khá đầy đủ. L. đỗ vào trường ĐH Mở TP.HCM nhưng học xong năm đầu tiên đã phải bỏ học vì mải mê lao vào những trận cá độ bóng đá.
Số tiền nợ gần 70 triệu đồng khiến L. túng quẫn bước vào đường cùng và quyết định đi làm trai bao. L. nhớ lại: "Khi đó vì kẹt quá, đành "hành nghề" này. Mỗi ngày được vài trăm, góp trả nợ dần dần".
Nhưng "lãi mẹ đẻ lãi con". Dù có đêm L. kiếm được gần cả triệu đồng sau những lần đi khách vẫn không thể trả đủ tiền lãi. Gia đình nghe tin L. bị hăm dọa phải trả nợ cho con mình. Tuy nhiên, cái nghề mà L. đã làm hơn 4 tháng vẫn tiếp tục theo đuổi cho đến tận bây giờ.
L. thừa nhận: "Mình đang cố gắng bỏ hẳn cái nghề bệnh hoạn này mà khó quá. Không đi khách thì không có tiền. Nhiều khi gác tay lên trán suy nghĩ thấy mình không còn đường lùi nữa rồi, không có cơ hội được ngồi ghế giảng đường, được lấy tấm bằng đại học như mọi bạn bè khác. Cánh cửa vào đời hẹp dần thật rồi".
Q. cũng tỏ vẻ tiếc nuối: "Nghĩ tiếc thật vì Q. đã tự phá hỏng cuộc sống của mình, nhưng giờ chẳng biết phải làm thế nào cả. Người ta có bằng này bằng nọ, có thể sống bằng đủ nghề, còn Q. đã bao năm đứng đường chờ khách thì lấy cái gì mà lận lưng để vào đời được chứ? Giờ mà bảo Q. đi học nghề hớt tóc, sửa xe máy hay đi chạy xe ôm, Q. không thể, vì Q. đã quá quen ở không rồi".
Theo Nguyễn Thanh Nam
Thanh Niên