>> GS Ngô Bảo Châu qua con mắt thầy và đồng nghiệp
>> Niềm tự hào mang tên Ngô Bảo Châu
Ngô Bảo Châu và người thân trong gia đình - Nguồn: Tư liệu (Thanh Niên). |
Cuộc đời như mảnh ghép hình học
Blog của anh thể hiện khá rõ về một con người Ngô Bảo Châu ngoài toán học. Trên blog “Thích học toán” của mình, anh viết: “Cuộc đời mỗi người là một đa tạp, với nhiều mảnh chồng lấn lên nhau”.
Khi có người hỏi anh: “Tại sao lại chọn con đường trở thành nhà toán học mà không phải là một nhà gì đó?”. Anh trả lời: “Vì đã trót một lần yêu hình”. Và anh lý giải: “Học hình bạn sẽ biết thế nào là đa tạp. Cuộc đời mỗi người là một đa tạp. Mảnh ở phố Hàng Bài, mảnh ở New Jersey, mảnh quàng khăn đỏ, mảnh ở ngoại ô Paris, mảnh bú tí mẹ, mảnh rưng rưng cảm động cầm tay bạn gái lần đầu tiên, mảnh bịt mũi thay tã cho con... Mỗi mảnh có một hệ quy chiếu riêng của nó. Các mảnh của cuộc đời chồng lấn lên nhau. Ít ai hiểu ra rằng ai cũng có ngần ấy mảnh của cuộc đời, có khác nhau là khác ở chỗ dán chúng lại với nhau như thế nào. Các đa tạp cũng thế”.
Những “mảnh” của Ngô Bảo Châu sẽ sáng rõ hơn qua con mắt của những người thân.
Tuy là cậu con trai duy nhất nhưng cha mẹ anh không hề cưng chiều Bảo Châu. Theo lời kể của mẹ anh, PGS Dược học Trần Lưu Vân Hiền, Bảo Châu thường xuyên rửa bát, giặt quần áo cũng như giúp mẹ làm thêm để tăng thu nhập và cũng bị phạt nếu mắc lỗi. Giống như nhiều học sinh ham học khác, Bảo Châu không bao giờ để bố, mẹ nhắc nhở việc học bài.
Trên thực tế PGS Hiền chỉ thường xuyên giục con... ngủ sớm để bảo vệ sức khỏe. Trong ký ức của mẹ anh, cậu bé Châu của thời học phổ thông thường thủ thỉ với mẹ: “Có đồng nào mẹ cứ mua sách toán cho con”!
Trong một lần trò chuyện với PV Thanh Niên, GS-TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, một trong những người mà anh Châu khẳng định có ảnh hưởng lớn tới niềm đam mê toán học của anh, cho rằng điều may mắn nhất ở Bảo Châu là có được người bố và người mẹ tuyệt vời.
Bố anh không bao giờ bằng lòng với thành tích của con. Dù đã chọn được trường tốt, ông luôn hướng cho con tới trường tốt hơn. Dù đã được học với các thầy giỏi nhất, ông vẫn tìm cho con một vài “huấn luyện viên” riêng - kể cả người vô danh.
Đến khi anh nổi tiếng thế giới với Giải thưởng Clay (năm 2004) và được phong Giáo sư của Pháp khi mới 32 tuổi, ông vẫn chưa toại nguyện. Ông chính là người gieo niềm tin vươn tới đỉnh cao mới cho con mình.
Mẹ anh luôn dịu dàng, nhẹ nhàng động viên anh vượt qua khó nhọc để trở lại trạng thái cân bằng sau những lần vật lộn với các ý tưởng, công thức toán học. GS Hoa nói thêm: “Khi nói chuyện với bà, tôi có cảm giác anh luôn ở trong vòng tay của mẹ, cho dù khoảng cách hai mẹ con là hàng chục ngàn cây số”.
GS Ngô Bảo Châu cùng 2 con gái tại California - Mỹ. Nguồn: Tư liệu (Thanh Niên). |
Chỉ mong con cái có cuộc sống bình thường
Trên blog của anh còn có những mục không khô khan như người ta thường nghĩ về toán học và những nhà nghiên cứu toán học. Đó là khi nhấp chuột vào mục “Thơ” để đọc những câu thơ không đầu, không cuối do anh viết hoặc những bài thơ mà anh thích thú dịch của một nhà thơ nước ngoài...
GS Lê Tuấn Hoa cũng “bật mí” rằng thời đi học Châu không chỉ giỏi toán mà còn rất giỏi văn. Bản thân anh cũng tâm sự hồi xưa anh thích nhà thơ Quang Dũng. Nhà văn thì anh thích Thomas Mann với J.M.Coetzee. Và nếu có một điều ước về năng khiếu bẩm sinh thì anh sẽ ước mình có năng khiếu về... âm nhạc!
Thú vị không kém là mục “Tơ lòng” để: “ai có hỉ nộ ái ố gì với toán học đều có quyền gửi tâm sự của mình đến” để được gỡ rối. Một người tự xưng là phụ huynh của học sinh ghét học toán lân la vào hỏi: “Ghét học toán có thể chấp nhận được không? Chấp nhận đến đâu - nói một cách khác, bất đắc dĩ phải học toán thì học đến đâu là được rồi?”. Người “gỡ rối tơ lòng” Ngô Bảo Châu trả lời: “Chuyện có học sinh ghét học toán là chuyện bình thường, ai cũng thích học toán cả thì mới đáng lo... Tôi nghĩ chị cũng đồng ý với tôi là cuộc sống có bao nhiêu là ngả, cho cả người ghét và người thích học toán”. Ngay cả với 3 cô con gái yêu của mình, anh cũng tâm sự “không áp đặt gì cả. Anh chỉ kỳ vọng là chúng có một cuộc sống bình thường, hạnh phúc... Anh không kỳ vọng chúng phải làm gì vĩ đại cả”.
Một ngày của Ngô Bảo Châu
Trong tất cả những tâm sự, anh không hề đao to búa lớn, nhưng dễ dàng nhận thấy Bảo Châu không coi tiền bạc và tiếng tăm là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời. Anh chỉ muốn có một cuộc sống bình thường, giản dị và được làm công việc yêu thích.
Anh quan niệm: Có cuộc sống nội tâm trong sáng là cái quan trọng. Đấy là một trong những cái mà lúc nào anh cũng muốn dạy cho trẻ con, tức là cách quan hệ xử sự với người khác, rồi là thái độ đối với của cải vật chất như thế nào.
Qua lời kể của PGS Hiền, Châu nói với mẹ rằng, nếu kiếm được nhiều tiền hơn mức cần thiết, anh sẽ sử dụng phần dôi dư vào hoạt động từ thiện, chẳng hạn như giúp đỡ trẻ em nghèo, mồ côi hoặc tật nguyền tại Việt Nam.
Một ngày bình thường của anh, theo tâm sự với nhà văn Phan Việt: “Sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị cho các cháu đi học đến khoảng 8 giờ rưỡi thì anh bắt đầu làm việc. Đầu tiên là có e-mail anh phải trả lời thì trả lời cho xong.
Buổi sáng là lúc đầu óc sáng sủa nhất thì anh ngồi làm những thứ mà phải suy nghĩ nhiều nhất; ăn trưa xong đến chiều thì nếu có hẹn gặp người nào thì anh hẹn gặp nói chuyện buổi chiều. Đến cuối giờ làm việc thì anh trả lời nốt e-mail phải trả lời; sau rồi chiều tối anh về nhà; cho trẻ con học, xong nếu còn đủ minh mẫn thì anh ngồi nghĩ tiếp hoặc anh đọc sách, rồi đi ngủ”.
Ngô Bảo Châu lập gia đình khi còn khá trẻ, mới 22 tuổi. Vợ anh (một người bạn học từ thời còn ở trường THCS Trưng Vương), chị Nguyễn Bảo Thanh theo chồng sang Pháp và hiện nay cả gia đình sống tại Viện Nghiên cứu Princeton của Mỹ, nơi anh làm việc.
Họ đã có 3 cô con gái xinh xắn, con gái lớn là Ngô Thanh Hiên 15 tuổi, thứ 2 là Ngô Thanh Nguyên 10 tuổi và em út là Ngô Hiền An 7 tuổi. Mỗi một đứa con ra đời, anh đều gửi về ông bà nội chăm sóc, đến tuổi đi học, anh lại đón các cháu sang để đoàn tụ với gia đình. Các cháu vẫn nói thạo tiếng Việt, mùa hè năm nào cũng trở về Hà Nội sống với ông bà nội.
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên