Nguyễn Tiến Chính. |
Trước tình trạng cháy rừng diễn ra liên tiếp tại Sơn La, Yên Bái trong mùa hè với nguyên nhân chủ yếu là do đốt rừng, Chính nung nấu ý định tìm giải pháp hạn chế cháy rừng. “Phải nâng cao ý thức người dân, trang bị cho họ kiến thức cơ bản về phòng, chữa cháy rừng”, Chính nhận định và âm thầm viết dự án Xây dựng mô hình cộng đồng ngăn lửa bằng đường băng ý thức.
Dự án Ngăn lửa bằng đường băng ý thức chủ yếu hướng dẫn người dân kỹ thuật về canh tác nương rẫy không sử dụng lửa và sử dụng lửa có kiểm soát.
Theo Chính, thời gian đốt rẫy an toàn là buổi chiều hoặc buổi sáng lúc trời gió nhẹ. Và nên đốt lần lượt từ sườn đồi xuống chân đồi, đốt vào đầu mùa khô và cuối mùa mưa...
Dự án còn hướng dẫn kỹ thuật xây dựng và sử dụng công trình phòng cháy; kỹ thuật cơ bản chữa cháy và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống cháy rừng...
Sinh ra tại quê lúa Thái Bình, nhưng Nguyễn Tiến Chính lại nặng lòng với vùng cao. Tốt nghiệp ĐH Lâm nghiệp với tấm bằng đỏ, Chính trở thành giảng viên ĐH Tây Bắc.
Chính tích cực tham gia nghiên cứu khoa học giúp cộng đồng phòng chống thảm họa cháy rừng tại Yên Bái; trực tiếp hướng dẫn học sinh trường dân tộc nội trú Thuận Châu (Sơn La) cách nuôi nấm sò, tận dụng sản phẩm phụ của cây ngô nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Điều kiện sống và cơ hội học tập khó khăn của con em đồng bào dân tộc thiểu số thôi thúc mình tìm đến những hoạt động cộng đồng”, Chính tâm sự.
Chính đang tham gia dự án tập huấn kỹ thuật canh tác đất dốc cho các hộ gia đình dân tộc tại xã Co Mạ, Thuận Châu, Sơn La. Chính còn giúp người dân nắm bắt kỹ thuật về phát triển nông- lâm nghiệp bền vững trên đất dốc; vừa giúp cộng đồng thoát nghèo, vừa hạn chế tình trạng chặt phá rừng.