Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa |
Sinh năm 1976 ở Lệ Thủy, Quảng Bình, tuổi thơ của Võ Trọng Nghĩa không còn phải chứng kiến bom đạn của chiến tranh nhưng vẫn bị cái nghèo đeo đuổi.
Là con út trong một gia đình 7 người con, thường ngày vừa ngồi trên lưng chăn bò vừa học bài; thức khuya, dậy sớm để gánh mạ ra đồng hay đánh xe bò chở củi… nhưng Nghĩa vẫn ham học và học giỏi.
Đỗ một lúc 3 trường đại học, Nghĩa chọn Kiến trúc Hà Nội vì đó là ước mơ từ lâu của anh. Năm 1996 Nghĩa lên đường sang Nhật Bản học khoa Kiến trúc trường Đại học Công nghiệp Nagoya, Tokyo. Học giỏi, được nhiều giải thưởng nên Nghĩa trích một phần học bổng trao cho sinh viên khó khăn trường Kiến trúc Hà Nội.
Bộ sưu tập thành tích của Nghĩa trên xứ Phù Tang khá đồ sộ và toàn là nhất: Giải thưởng Vàng cuộc thi thiết kế nhà Trưng bày của tập đoàn Suzuki (1999), giải thưởng đồ án kiến trúc xuất sắc nhất trường ĐH Công nghiệp Nagoya (2000 – 2001), giải thưởng luận án tốt nghiệp xuất sắc nhất trường và Giải thưởng lớn Kiến trúc sinh viên do Hội Kiến trúc sư Nhật Bản vùng Toukai bình chọn (2002), giải thưởng luận văn đặc biệt của Hội kiến trúc sư Rotayry (2003), giải thưởng luận văn xuất sắc nhất trường ĐH Tokyo (2004) cùng nhiều đồ án kiến trúc được trưng bày, triển lãm tại Nhật.
Vừa học, Nghĩa vừa làm thêm (không ăn lương) tại những văn phòng KTS nổi tiếng. Năm 2003, một họa sĩ Nhật nhờ Nghĩa thiết kế một gallery tại thành phố Kanazawa (miền Trung nước Nhật, nơi nổi tiếng có nhiều nhà gỗ cổ - PV) với yêu cầu mang tính truyền thống, mới lạ và độc đáo. Nghĩa nảy ra ý định xây dựng căn nhà độc đáo trên chính xứ sở nhà gỗ của vùng này. Anh dự định làm căn nhà gỗ 5 tầng đầu tiên trên đất Nhật và trên toàn thế giới.
Theo Luật Kiến trúc Nhật Bản, các nhà gỗ chỉ được dựng cao không quá 3 tầng và phải đảm bảo được các yêu cầu tối thiểu khi xảy ra động đất và hoả hoạn: cháy một giờ không sập và sau 3 tiếng phải tự tắt. Bao đêm ngồi suy tư, tính toán và loay hoay với cây bút chì bên bản vẽ. Chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu Nghĩa: Dùng phương pháp lõi bút chì sẽ giải quyết được yêu cầu khắt khe của kiến trúc Nhật. Lõi sắt nằm trong cột gỗ sẽ giúp nhà gỗ dựng cao mà không sập và cũng giúp dẫn nhiệt tốt đảm bảo yêu cầu về cháy.
Sau 3 năm 6 tháng thiết kế, chứng minh, thuyết phục, ngày 14/3/2005 căn nhà gỗ “độc nhất vô nhị ” cao 15 mét với mái bê tông đặt trên các cột gỗ lõi sắt vuông vắn 20cm x 20cm bắt đầu khởi công và sẽ hoàn thành vào đúng ngày 31/8/2005.
Kể về việc làm ngôi nhà này, Nghĩa tâm sự: “Quả là em đã “làm khổ” nhiều người như các giáo sư Nagamura, Kirino. Họ đã giúp em rất nhiệt tình. Căn nhà toạ lạc trên diện tích 330 m2, cái khó là chỉ được phép xây dựng 3 tầng nhưng mình làm đến 5 tầng. Sắp tới, em muốn xây dựng ở Việt Nam không phải là nhà gỗ 5 tầng mà là 11 tầng…”.
Căn nhà gỗ ấy được báo chí Nhật đánh giá là “Công trình đầu tiên trên thế giới, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của nhà gỗ trên thế giới những năm tiếp theo”. Để có nó, riêng Nghĩa cũng đã tiêu hết 7 triệu yên Nhật (khoảng trên 1 tỷ đồng Việt Nam).
Không chỉ xây dựng những căn nhà nổi tiếng trên đất Nhật, từ lâu Nghĩa đã ấp ủ về những căn nhà đậm nét dân dã trên chính đất Việt. Năm 2004 về Việt Nam làm đề tài luận văn thạc sĩ “ảnh hưởng của hình thức mái nhà truyền thống ở Hội An đến việc thông gió”, Nghĩa đã lang thang đi dọc phố cổ Hội An để nghiên cứu kiến trúc và đo gió.
Theo Nghĩa “gió lướt trên các mái nhà nhỏ, chạm vào đỉnh mái và tách ra làm nhiều phần: một phần lên trên còn đa phần xuống dưới, gặp ngay mái nhà hứng sẵn… thế là cả khu phố cổ mát rượi gió trời”. Hôm bảo vệ luận văn, Nghĩa mang đến một mô hình phố cổ Hội An thu nhỏ và gió được mô tả bằng nước đá khô. Giải thưởng luận văn xuất sắc nhất trường ĐH Tokyo là một giải thưởng đầu tiên được trao cho một sinh viên nước ngoài là Nghĩa.
Cũng trong năm 2004, Nghĩa đã khiến giới kiến trúc Việt Nam ngạc nhiên, thú vị với một quán cà phê mang phong cách mới. Đó là quán cà phê 113 ở đường Hùng Vương, TX Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được hoàn thành chỉ bằng gạch thô, mái tranh, một tầng nhưng ngốn hết… 1,4 tỷ đồng.
Quán là một không gian tuyệt vời giữa kiến trúc cổ truyền và hiện đại bằng những vật liệu thô sơ thuần tuý Việt Nam. Chúng tôi đã đến quán cà phê ấy vào một buổi trưa của mùa hè. Giữa trưa, quán cà phê như được treo trên mặt một tấm kính bằng nước dù không dùng quạt vẫn lồng lộng gió và mát rượi.
Hiện nay Võ Trọng Nghĩa vẫn sống độc thân và mỗi khi về Việt Nam lại trèo lên ở trên căn gác xép nhỏ xíu trên góc đường Trương Định và Kỳ Đồng (Q3, TP. Hồ Chí Minh). Tôi biết, Nghĩa vẫn còn trăn trở rất nhiều với vùng quê đầy nắng gió của mình.
Nhiều lời mời Nghĩa ở lại trên đất Nhật nhưng anh chưa nhận. Chàng trai Việt Nam làm rạng danh người Việt trên đất Nhật vẫn đang tiếp tục chứng minh tài năng của mình trên cả hai vùng đất Việt Nam và Nhật Bản qua những chuyến đi nửa tháng bên này, nửa tháng bên kia như thế…
Đăng Giới
Ngày 24/3, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã vinh dự được nhận giải thưởng cao nhất của trường Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản) năm học 2004 – 2005. Đây là giải thưởng có uy tín được trao thường niên cho những sinh viên, nghiên cứu sinh có thành tích xuất sắc nhất trong nghiên cứu khoa học. Võ Trọng Nghĩa đã vượt qua rất nhiều ứng cử viên được đề xuất từ các khoa để trở thành người nước ngoài duy nhất trong số 9 người được chọn trao giải thưởng năm nay. Tính đến nay, Võ Trọng Nghĩa cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng này. |