Chênh lệch giới tính khiến đàn ông Trung Quốc khó lấy vợ |
Minh Minh mới được một tháng tuổi nhưng cha mẹ em đã bắt đầu ngó nghiêng, nhắm nhe tìm cho bé một cô dâu tương lai.
Những thông gia tiềm năng
Mỗi dịp tiệc tùng, lễ lạt, nhà họ Trương luôn đưa vào danh sách khách mời những bạn bè mới sinh con gái và tận dụng dịp ấy xúc tiến việc ghép đôi cho bọn trẻ.
Các chuyên gia ước tính rằng sự mất cân đối nam-nữ ở Trung Quốc sẽ khiến nhiều đàn ông không lấy được vợ trong các năm tới. Vợ chồng nhà họ Trương do vậy lo rằng sẽ khó cho Minh Minh tìm được một vị hôn thê khi cậu bé lớn lên.
"Trong thời buổi cạnh tranh này, cha mẹ phải chuẩn bị từ rất sớm: lo cho con khỏe mạnh, tìm trường tốt cho nó và bây giờ chuyện tìm vợ cũng phải thực hiện ngay từ khi con còn bé", cô Trương, 30 tuổi, một chuyên viên tài chính, người từ chối nêu tên đầy đủ, nói.
Chính sách một con của Trung Quốc và truyền thống trọng nam đã dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, dù chính quyền ngăn cấm hành vi này.
Các nhà khoa học xác định tỷ lệ nam nữ bình thường là khoảng 103-107 nam/100 nữ. Đầu những năm 1980, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 108 bé trai/100 bé gái và đến năm 2000, tỷ lệ trai/gái là 116 bé trai/100 bé gái. Ở nhiều vùng nông thôn, tỷ lệ ấy là 140 bé trai/100 bé gái.
Hệ quả là cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ có ít nhất 24 triệu đàn ông ế vợ, theo một nghiên cứu gần đây của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Ông Lý, có con trai Trương Hồng, năm nay 12 tuổi, nói đó là một tương lai đáng sợ với con ông. Ông bố 39 tuổi, nhân viên nhà nước, sống ở vùng đông bắc Trung Quốc này thở dài: "Thôi kệ, đến đâu thì đến. Rồi nó sẽ tự phải tìm vận may cho mình".
Nhà họ Trương giàu có và điều đó được coi là một lợi thế của bé Minh Minh. Mặc dù hai vợ chồng nhà họ Trương chưa "ký được biên bản ghi nhớ" nào với những thông gia tiềm năng, nhưng họ ghi nhận rằng một số gia đình có vẻ cũng quan tâm đến ý tưởng của họ.
Cô Trương nói rằng hành động của họ gần như lặp lại những tập tục từng tồn tại trong đời sống của người Trung Quốc, khi hôn nhân được cha mẹ sắp đặt cho con cái ngay từ lúc bé thơ. Nhưng cô nói: "Chúng tôi sẽ không buộc con mình phải lấy vợ ở một tầm tuổi nào đó. Chúng tôi chỉ khuyến khích nó thôi".
Sẽ nhập khẩu cô dâu?
Một bài trên tờ Nhân dân nhật báo số ra gần đây nói rằng người Trung Quốc rồi đây sẽ tìm vợ ở nước ngoài, hoặc lấy vợ trẻ hơn hay già hơn rất nhiều. Nhưng ông Lý nói: "Tôi vẫn muốn con trai tôi cưới một cô gái Trung Quốc, chênh lệch không quá 3 tuổi".
Trong khi đó, ông Chu Lượng, 39 tuổi, lại có những mối quan tâm khác về đứa con gái 13 tuổi của mình: "Tôi mừng vì con tôi có nhiều cơ hội (lựa chọn chồng) nhưng cũng e ngại về sự an toàn của nó".
Người đàn ông làm nghề xoa bóp này đang lên kế hoạch dạy võ thuật cho cô con gái để có thể tự bảo vệ mình. Điều ông Chu lo lắng là hoàn toàn có cơ sở: Trong những năm gần đây, tỷ lệ tội phạm liên quan đến phụ nữ như bắt cóc và hãm hiếp đang ngày một gia tăng.
Đã có những liên hệ hiện tượng này với việc dư thừa thanh niên dưới 20 tuổi. Tiến sỹ Therese Hesketh của Trung tâm Quốc tế về Sức khỏe và phát triển (có trụ sở tại London, Anh) nói: "Nếu trong xã hội mà tỷ lệ nam giới trẻ cao thì nguy cơ tội phạm cũng gia tăng tương ứng".
Người ta cho rằng chính vì thực trạng nói trên mà chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc hủy bỏ chính sách mỗi gia đình chỉ sinh một con, đã tồn tại 30 năm nay. Nhưng các chuyên gia dân số nói cho người dân đẻ thêm con cũng không giải quyết được tình trạng mất cân bằng giới tính.
"Vấn đề là chính quyền phải phạt nặng để ngăn chặn tình trạng phá thai khi đứa trẻ là con gái", một chuyên gia của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói. Và cô Trương thì nói: "Chúng tôi sẵn sàng tìm mọi cách để tìm vợ tương lai cho con trai để còn có cháu nối dõi tông đường".
Xuân Thủy
Theo Straits Times