Chị Nguyễn Thị Huệ |
“Mình chỉ muốn làm gì đó cho dân bản mình bớt khổ, đời sống ngày càng được cải thiện, không còn cái đói, không còn lạc hậu và mù chữ nữa... Chỉ có vậy mình mới đáp ứng được nguyện vọng của dân bản” - Lời tâm huyết được nói bằng cả ánh mắt cương nghị của chị.
Chống chọi với sạt lở thiên tai bằng trái tim của Đoàn
Chúng tôi tìm chị đúng vào những ngày xã Trà Tập đang bị bao vây với bên ngoài bởi sạt lở, sình lầy, và là một trong những xã bị cô lập sâu nhất của huyện miền núi Nam Trà My.
Đường lên thôn, bản đã gian nan xuyên rừng băng suối mất 3 tiếng đồng hồ mới di chuyển được 2 km, tuy nhiên tìm gặp được chị cũng không phải là dễ.
Bởi phần lớn thời gian của nữ chủ tịch xã lúc này là lội đường, vượt rừng đi thăm hỏi, đôn đốc bà con đang trong tình trạng cô lập, thiếu đói. Dáng người nhỏ nhắn của cô gái dân tộc Ca Dong như một đốm trắng giữa đỏ ngầu bùn đất núi rừng.
Gạt dòng nước mưa đang chảy trên khuôn mặt, chị Huệ nói với giọng đầy sốt ruột: “2 tấn lương thực dự trữ đã cấp phát cho bà con, nhưng cả xã có 405 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu, vẫn chẳng thấm vào đâu. Tất cả đều đang đối diện với cảnh thiếu lương thực, thực phẩm. Hơn nữa, những ngày mưa lũ vừa qua đã khiến toàn bộ lúa, hoa màu trên các nương rẫy chưa kịp thu hoạch đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Đành vận động bà con san sẻ đùm bọc lẫn nhau, cộng thêm củ sắn, nắm rau rừng ăn độn...”.
Ngừng một lát, chị Huệ nói tiếp: “Chúng tôi cũng biết hiện nay tỉnh, huyện đang tập trung cứu đói cho những xã ở xa hơn, thiếu đói hơn. Tuy nhiên, lực lượng thanh niên xung kích của các bản làng hiện cũng đã sẵn sàng, hễ có lệnh là cắt rừng đi vận tải lương thực...”.
Bà Hồ Thị Miên (thôn 2), cho biết: “Những ngày mưa lớn kéo dài vừa dứt, chị ấy lại lăn xả vào những điểm sình lầy, sạt lở trực tiếp động viên bà con thôn bản, nhắc nhở các hộ dân kè, chống để phòng chống sạt lở có thể đe dọa đến tính mạng và tài sản”.
Đúng là chất “Đoàn” trong cô gái Ca Dong 27 tuổi này vẫn đang quyết liệt, mạnh mẽ đương đầu với sự dữ dằn khốc liệt của thiên tai.
Năm 2000, Huệ được bầu làm Bí thư Đoàn xã Trà Tập khi chưa đầy 19 tuổi. Không chỉ đoàn viên mà cả người dân địa phương ai nấy cũng thầm cảm phục cô gái tự tin và năng động.
Anh giao liên xã Bùi Văn Ảnh thừa nhận: “4 năm chị Huệ là Bí thư đoàn xã, công tác đoàn của xã lúc nào cũng sôi nổi và luôn đứng nhất trên địa bàn huyện. Là phụ nữ nhưng chị không nề hà công việc khiến các đoàn viên vốn trước đây rất chểnh mảng đoàn, hội đã chuyển biến tích cực tham gia. Cái chính là chị đã tạo được sức hút với các đoàn viên”.
Năm 2004, Nguyễn Thị Huệ được bầu vào chức chủ tịch xã khi mới 23 tuổi. “Cái mà mình học được từ đoàn chính là sự nhiệt tình, xông pha, không sợ khó, sợ khổ. Có như vậy mới bám trụ được với núi rừng, với sự khó khăn của người dân, để cảm thông và chung tay cùng với mọi người”- Huệ tâm niệm.
Từ chị cả của 10 đứa em đến lãnh đạo của buôn làng
Nguyễn Thị Huệ không chỉ “nổi tiếng” là nữ chủ tịch xã có tuổi đời trẻ nhất mà còn được người dân nhắc đến như tấm gương vượt khó, giàu nghị lực.
Nhà có đến 13 người, Huệ là chị cả nên sớm gánh vác một phần trách nhiệm với bố mẹ, chung tay lo cho 10 em. Tuổi thơ với Huệ là những tháng ngày dầm dề nắng mưa ngoài nương rẫy, những ngày hè chăn trâu, cắt cỏ.
Sau những giờ học, Huệ lại tất tả lo toan công việc gia đình, thay mẹ chăm các em nhỏ, rồi lo đồng áng để bố mẹ lên nương rẫy, vào rừng kiếm củ sắn, củ khoai về độn cơm chống đói.
Những đứa em của Huệ lần lượt theo nhau cắp sách đến trường cũng là lúc bữa ăn gia đình đạm bạc từng ngày theo “tỷ lệ” ít cơm, nhiều khoai sắn. Cái nghèo, cái khổ cứ vây hãm gia đình Huệ như vòng quay không dứt.
Mọi chuyện tưởng chừng sụp đổ sau cái ngày định mệnh - bố chị, ông Nguyễn Đức Xuân đột ngột ra đi vì tai biến mạch máu não, khi Huệ mới vừa lên 16 tuổi.
Gánh nặng gia đình đổ ập lên trên vai người mẹ khắc khổ. Con đường đến trường của Huệ vốn đã hẹp nay càng thêm đóng chặt. Nhìn mẹ già cơ cực cùng những đứa em trong cảnh nheo nhóc, đói khổ, chị không đành lòng tiếp tục nên quyết định dừng ngang lớp 7.
Từ ngày không còn in những bước chân quen thuộc đến trường, chẳng có quả đồi, chẳng có dòng sông, khe suối nào của xã, cô bé Huệ ngày ấy lại không tìm đến để phụ mẹ kiếm bó củi, con cá.
Ngoài ra, Huệ còn lân la đến các thôn bản, tìm việc làm thêm, phụ chăm sóc nương rẫy cho những người khá giả... Bao nhiêu công việc, chị chẳng nhớ nổi trong 3 năm trời nghỉ học đó.
Học để làm gương
“Phải dừng ngang việc học lớp 7 với mình thật là đau khổ. Dân bản mình tỷ lệ mù chữ, thất học còn cao nên mình luôn mong muốn học hơn nữa để có kiến thức giúp mọi người”.
Khi được bầu là Bí thư đoàn xã, Huệ vừa tất bật tìm cách khơi dậy hoạt động của đoàn vừa cắp sách đến trường để học bổ túc tại Trường nội trú của huyện.
Từ năm 2002 đến nay, Huệ học thêm “ca ba” trường Trung cấp chính trị quản lý hành chính, thanh vận... Ngay cả đến khi là chủ tịch xã, chị vẫn tiếp tục cắp sách đến trường.
Để vừa đảm việc xã, vừa lo việc học, nữ chủ tịch phải sắp xếp lịch làm việc thật chặt chẽ, và thường xuyên khi phải làm việc cả ban đêm. “Tuổi tác có phải là trở ngại với chị không khi dân bản thường coi trọng già làng, những người lớn tuổi?”, chúng tôi hỏi.
Vẫn giọng nói rắn rỏi, chị tâm sự “Cái chính là làm hết sức mình, nhiệt tình, đã hứa với dân thì phải làm cho đúng, cho được. Cứ thế thì dù nhỏ tuổi hay làm gì người dân vẫn nghe theo mình mà”.
“Khi chị Huệ lên làm chủ tịch xã, chúng tôi không khỏi ái ngại vì tuổi đời còn quá trẻ - Ông Nguyễn Văn Điền, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nhận định - Tuy nhiên, với những thành tích từ công tác Đoàn, hội và đặc biệt qua 4 năm làm chủ tịch xã, chị Huệ đã khẳng định được mình trong các công việc quan trọng.
Cụ thể: quản lý, bồi dưỡng tốt đội ngũ cán bộ vốn trước đây khá lỏng lẻo; đảm bảo được chỉ đạo sản xuất; có sự phối hợp tham mưu tốt và nhất là giải quyết được vấn đề an ninh, chính trị vốn khá nhiều phức tạp trên địa bàn. Chị Huệ còn làm tốt vai trò của một huyện ủy viên, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện ...”.
Hiện tại 10 đứa em trong gia đình cũng theo gương chị cả, phấn đấu học tập. Em kế Nguyễn Đức Tuấn học lớp 12, Nguyễn Văn Nguyên lớp 11, Nguyễn Thị Hoạt lớp 10 của trường nội trú huyện...
Từ những tấm gương ấy, dân bản đã noi theo, chú trọng động viên con em đi học, nên tỷ lệ học sinh bỏ học trong xã đã giảm hẳn.