Cô bé khiếm thị và giải thưởng quốc tế

Cô bé khiếm thị và giải thưởng quốc tế
TP - Mỗi lần nghe các bạn tập văn nghệ, Cúc phải kìm nén để những giọt nước mắt chảy ngược vào tim. Và rồi, chữ nổi Braille đã làm thay đổi cuộc đời của chị em Cúc...
Cô bé khiếm thị và giải thưởng quốc tế ảnh 1
Niềm hạnh phúc của Cúc ở mái nhà chung

Đó là câu chuyện dài, như là cổ tích giữa đại ngàn Trường Sơn của hai chị em cô bé khiếm thị mồ côi cả cha lẫn mẹ người dân tộc Pakô Hồ Thị Cúc ở bản A Máy xã A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Ước mơ cháy bỏng được đến trường

Một ngày chót đông năm 1993, Cúc cất tiếng khóc chào đời. Nhưng thật không may, cô bé lại bị mù bẩm sinh. Dưới mái nhà sàn nghèo ở bản A Máy, dẫu chưa một lần thấy mặt cha mẹ nhưng chị em Cúc cũng đã có những tháng ngày hạnh phúc bên mái ấm gia đình.

Sáu năm trước, một căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi người cha thân yêu lẫn người mẹ hiền thục tảo tần, để lại trên đời hai đứa trẻ mồ côi mù lòa. Cúc lên 9, còn em trai Hồ Văn Kim mới non 2 tuổi. Tuổi thơ bất hạnh của hai chị em Cúc cứ thế trôi qua trong sự đùm bọc yêu thương của bà con bản làng.

Thấy hai đứa trẻ mù côi cút, gia đình ông Hồ Văn Khưm cùng bản đã nhận về nuôi. Từ ngày ấy, lần thứ hai trong đời, chị em Cúc sớm tối được gọi hai tiếng mẹ cha. Nhà cha mẹ nuôi Cúc cũng nghèo, nghèo nhất nhì ở bản A Máy này.

Hai nương ngô, một nương lúa trên đồi vừa đủ miếng ăn cho cả gia đình. Mỗi đận lúa ngô được mùa, bà Hồ Thị Mới-mẹ nuôi Cúc mới gùi ra chợ bán kiếm tiền sắm chiếc áo mới cho các con. Cái tuổi thơ ngây của hai chị em Cúc lúc nào cũng nghĩ mọi người như mình, nhìn mặt người là màu đen, tất cả đều màu đen.

Đến một ngày, chợt nghe các bạn trong bản í ới rủ nhau đi học, Cúc thầm tủi: “Sao mình không được đi học nhỉ? Chẳng lẽ ba mẹ nuôi không thương mình?”. “Con muốn đi học như các bạn mẹ ơi!”, ngày ngày Cúc giục mẹ.

Nhưng chẳng hiểu sao, mỗi lần vòi được đi học như các bạn thì cả cha mẹ nuôi Cúc thở dài, im lặng. Rồi tới một hôm, cha mẹ nuôi an ủi: “Hai chị em con đều mù cả nên không thể đi học như các bạn được”.

Từ lúc ấy, Cúc mới nhận ra một điều là hai chị em Cúc “không bình thường”, Cúc thực sự vẫn không thể hình dung được mình khác gì với mọi người ? “Mù” là như thế nào mà không đi học được? Đi học như các bạn trở thành khát khao cháy bỏng trong tâm hồn cô bé mù lòa này... 

Thế rồi trong một dịp vào bản công tác, các bác ở Hội Người mù huyện Hướng Hóa tình cờ gặp chị em Cúc. Cảm động trước ước mơ của một cháu bé mù lòa, Hội quyết định đưa hai chị em về tỉnh học. Và do hơn em Kim 6 tuổi nên Cúc được đi học trước.

Cúc được đưa về Hội Người mù tỉnh Quảng Trị ở thị xã Đông Hà. Đó là năm 2003. Được các cô dìu dắt, sự gần gũi của bạn bè giúp Cúc dần quen với cuộc sống tập thể, em được học lớp phục hồi chức năng, được học chữ. Điều Cúc hằng ao ước bấy lâu rồi một ngày cũng thành hiện thực với em.

Sau một năm về Tỉnh Hội, em được vào lớp 1 tiền hòa nhập. Niềm vui của cô bé cũng được nhân lên nhiều lần khi em được đi mổ mắt, dẫu không nhìn rõ song giờ đây ít nhất Cúc cũng phân biệt được mọi người xung quanh.

Cái chữ mà Cúc học là những chấm nhỏ li ti, rồi cái bút (dùi), cái bảng, con cắm, bảng cắm (dụng cụ để viết chữ Braille)... dần trở nên quen thuộc với em. Ngày nối ngày, ngoài buổi học chữ trên lớp, Cúc luôn “bám” các bạn và cô giáo để trau dồi thêm vốn tiếng Việt của mình.

Được đi học vốn là niềm đam mê từ lúc chưa đến trường nên em học rất chăm chỉ, và chỉ sau một thời gian ngắn em trở thành một trong những học sinh khá của lớp.

Học xong các lớp tiền hòa nhập, Cúc được chuyển vào trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành để học chung với những bạn sáng mắt. Có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với Cúc, phương pháp dạy của cô giáo cũng hoàn toàn mới lạ với em.

Vẫn biết là khó nhưng Cúc không còn cách lựa chọn nào khác hơn là phải cố gắng thật nhiều trong học tập. Không nhìn rõ những gì cô giáo viết trên bảng nên Cúc chỉ tập trung để nghe và cố nhớ những gì cô giáo giảng, chỗ nào không nghe rõ thì giờ ra chơi hỏi lại cô giáo.

Đối với những bài kiểm tra hay bài thi của Cúc, nhà trường đều có cách chấm điểm riêng: Khi Cúc làm xong bài, em sẽ đọc to bài của mình cũng như cách giải và đáp số của bài toán cho cô giáo nghe sau đó chấm điểm.

Vậy là đã 6 năm Cúc gắn bó với Hội Người mù Quảng Trị. Giờ em đã bước vào lớp 6. Những chấm nhỏ li ti bỡ ngỡ xa lạ ngày nào giờ đây đã trở nên thân quen với Cúc, nơi để em có thể gửi gắm những ước mơ của mình vào tương lai.

Em mất đôi mắt nhưng vẫn còn một trái tim!

Được lớn lên cùng các bạn khuyết tật về mắt, hàng ngày được học chữ từ những chấm nhỏ li ti, hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác liên tiếp đến với cô bé Pakô này. Những chấm nhỏ li ti tưởng như vô tri vô giác lại có thể tạo thành chữ để em học hàng ngày.

Người giáo viên tận tình dạy em những buổi đầu hòa nhập cũng bị mù như Cúc. Mỗi lần được cô ân cần chăm sóc dạy bảo, Cúc thầm nghĩ, cô giáo chính là cô tiên trong câu chuyện cổ tích mà mẹ em từng kể. Và cũng từ ngày đó, giấc mơ làm cô giáo dạy chữ cho những em có cùng cảnh ngộ bắt đầu hình thành và dần lớn lên trong em.

“Cứ nghĩ đến được làm cô giáo, em thích lắm! Cô giáo bảo học thật giỏi thì mới làm được cô giáo nên em phải cố gắng học thật giỏi”, Cúc tâm sự.

Giờ đây, cùng các bạn đồng tật, chị em Cúc đã được nhìn thấy ánh sáng, một thứ ánh sáng diệu kỳ từ trong trái tim, một thứ ánh sáng mà chữ Braille đem lại.

Hai năm trước, em ruột của Cúc là Hồ Văn Kim cũng được về đây học chữ (em đang học lớp 2 tiền hòa nhập), chị em đoàn tụ là niềm vui vô bờ của Cúc. Cuộc sống của chị em Cúc thật tươi đẹp bởi những tháng ngày vui vẻ học tập, được sống dưới mái nhà chung là “Lớp học tình thương của Hội Người mù tỉnh Quảng Trị”.

Hơn thế nữa, ước mơ cháy bỏng ngày nào của Cúc giờ đang được chắp thêm đôi cánh để bay cao hơn, xa hơn. Em được học tập vui chơi với các bạn sáng mắt, đó là những ngôi trường có lẽ là rộng lắm vì đã mấy lần Cúc được cô giáo chủ nhiệm dẫn đi dạo mỏi nhừ cả chân. Những người mà trước đây xa lạ với em thì giờ đây trở nên gần gũi, thân quen, luôn vỗ về, động viên em như những người thân yêu ruột thịt.

Dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Luis Braille-người phát minh ra chữ nổi dành riêng cho người mù, Hội Người mù Thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã phát động cuộc thi viết chữ Braille Onkyo lần thứ 6, Cúc mạnh dạn viết bài dự thi và vinh dự đạt giải Nhì thế giới.

Ngày biết tin Cúc “trúng giải to”, cả mái nhà chung vui như đêm hội Trung thu. Riêng Cúc thì quá bất ngờ. Em bảo, “nghe có cuộc thi dành riêng cho những người mù như mình nên em mạnh dạn tham gia, em chỉ viết về những điều có thực của cuộc đời em, những gì mà chữ Braille đã và sẽ mang lại với em nhưng không ngờ đạt giải, em vui quá!”.

“Cuộc sống thật đẹp biết bao phải không những người đồng tật của tôi! Bởi tôi nghĩ rằng cái đẹp của người khuyết tật nói chung, và của người mù nói riêng nằm ở sự nỗ lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh và thể hiện trong chiều sâu tâm hồn. Khi biết biến điểm yếu thành điểm mạnh, chúng ta sẽ tìm ra hạnh phúc, tìm ra ánh sáng...Tôi mất đi đôi mắt nhưng vẫn còn một trái tim!”. Trong bài tham dự cuộc thi của mình, Cúc đã viết như vậy.

“Trước đây, khi chưa được học cái chữ, xung quanh em ngày cũng như đêm, rặt một màu đen. Giờ được học cái chữ rồi, em có thể cảm nhận được sự tươi đẹp của cuộc sống, em sẽ trở thành cô giáo để đem ánh sáng đến với những người mù như em”. Nghe Cúc tâm sự, chúng tôi thấy gương mặt em ửng hồng, nhựa tràn hạnh phúc...

MỚI - NÓNG
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
TPO - Vài năm lại đây, Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Việt đã chọn cỗ chay thay vì mâm cỗ mặn truyền thống, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa dinh dưỡng, thanh lọc cơ thể đồng thời tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người băn khoăn liệu cúng chay có trái với văn hoá tâm linh người Việt và làm giảm đi sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, gia tiên?