Skater - Những tín đồ của thể thao mạo hiểm

Skater - Những tín đồ của thể thao mạo hiểm
Trượt ván (skateboarding) được du nhập vào Việt Nam từ năm 2000, trải qua nhiều thăng trầm, lúc rộ lên, khi lắng xuống, đến nay môn thể thao này đã bám rễ được vào giới trẻ và có được những tín đồ trung thành.

Ở công viên Lênin – đường Điện Biên Phủ, có một đội trượt ván tối nào cũng ra tập, chính vì thế được gọi là các skater Lenin Team. Họ là những tín đồ thực sự của môn thể thao mạo hiểm Skateboarding

Khánh “rừng” là một thành viên của Lenin Team, cậu tập môn thể thao này đã hơn 2 năm, từng đoạt giải nhì trong một cuộc thi đầu năm 2008. Trong dáng vẻ của cậu trai 21 tuổi này luôn thể hiện một điều gì hoang dã và không theo quy tắc…rất hợp với trượt ván một môn thê thao phóng khoáng và tự do.

Đội Lenin Team có hơn 20 thành viên, biến động tùy theo thời gian, tất cả còn rất trẻ độ tuổi cuối 8x, 9x.

Có khiếu và gan lì thì mới chơi được môn thể thao này! Đó là lời nói chắc như đinh đóng cột của Khánh. Bởi chơi trượt ván thì việc nhạy cảm với ván và giữ thăng bằng tốt lả rất quan trọng, đồng thời tai nạn là chuyện như cơm bữa.

Tùng tumi – bạn cùng đội trượt với Khánh rừng - kéo ống quần lên chỉ cho xem những vết sẹo, dấu tích của những lần “ván bay đi người hạ xuống”. Cậu kể về những cú ngã điếng người với giọng tỉnh bơ, “Phải biết cách ngã anh ạ!” Tùng vừa cười vừa đưa ra lời khuyên khi tôi có ý định đứng lên cái ván trượt.

Trong khi Khánh đang hì hụi chỉnh sửa lại các bánh xe, thì những người bạn cùng đội đang tập các động tác kỹ thuật, nào là những cú trượt dài phi xuống bậc thềm rồi bay ngươi xoay ván trên không, hay cú giậm chân điều khiển ván nhảy lên khỏi mặt đất (cú ollie).

Skater - Những tín đồ của thể thao mạo hiểm ảnh 1

“Chơi trò này khá tốn, giá cả cũng khá nặng tiền so với bọn em, một chiếc ván của Hồng Kông cũng gần triệu, chơi vài ba tháng là đã tã... Kể từ khi chơi đến giờ, mặc dù cố giữ nhưng em cũng đã thay 4 cái rồi…” Khánh rừng vừa dùng ốc vít vặn lại mấy con ốc của bánh xe vừa nói.

Môn thể thao chưa có hướng đi

Các bạn trẻ này thường lên mạng tìm kiếm các clip ghi lại các pha trượt của nước ngoài, đó là cách để họ tìm hiểu và học hỏi các kỹ thuật trượt. Theo như lời nói của họ thì có một số kỹ thuật chính và rất nhiều biến thể kèm theo. Hiện nay trượt ván được chia làm ba trường phái: Street (đường phố), Freestyle (rượt tự do) và Vert (trượt lòng máng).

Ở Hà Nội chưa có một sân tập chuyên cho trượt ván cho nên giới trượt ván mới chỉ tập theo 2 trường phái đường phố và tự do. Cũng bởi ở Việt Nam, trong con mắt của đa số thì trượt ván mới chỉ là một thú chơi của những cô cậu trẻ chưa biết làm gì.

Không có đào tạo, không sân bãi tập luyện, vài cuộc thi nho nhỏ do một số diễn đàn dành cho giới trẻ tụ tập thành viên lại đứng ra tự tổ chức chưa đủ làm thay đổi cách nhìn của xã hội với một loại hình thể thao được đưa vào dạng thể thao mạo hiểm – X Game

Ngay trong giới trượt ván, nhiều bạn trẻ mới chỉ nhìn nhận rằng mới dừng lại như một thú chơi. Thậm chí có những cậu chàng coi trượt ván như cách để thu hút sự hâm mộ của các em gái.

Khánh tâm sự trước khi chia tay: “Bọn em rất đam mê nhưng để mà tính đến một tương lai nào đó với môn này thì chưa ạ, bởi quá hiếm những cơ hội về thi đấu hay trình diễn” .

Theo Minh Hiền
VTC 

MỚI - NÓNG