Từ cô chủ nhỏ ở xã vùng sâu
Tốt nghiệp Quản trị kinh doanh, sau 3 năm làm thuê tích lũy kinh nghiệm, năm 2016 Nguyễn Thị Thu Phương về quê lập nghiệp ngay trên mảnh vườn nhà mình. Tại đó, bố cô đã tiên phong trồng mắc ca giữa vùng chuyên canh cà phê ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng.
Thương nông dân bán mắc ca thô giá rẻ, Phương xin bố mẹ vay giúp 400 triệu đồng để mua nguyên liệu, máy dập hạt, máy sấy, máy hút chân không, nhờ thợ cơ khí gia công lại cho phù hợp yêu cầu, rồi mày mò chế biến. Những mẻ hàng đầu tiên bị hôi dầu, ế ẩm, lỗ vốn hơn 70 triệu đồng. Cô kiên trì thử nghiệm, rốt cục chốt được công thức chế biến, đóng gói hút chân không hạt mắc ca sấy, hương vị tươi ngon, giá lại rẻ hơn hẳn mắc ca ngoại nhập. Năm 2017 cô bán được 25 tấn mắc ca thành phẩm, lãi 450 triệu đồng. Năm 2018 lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Phương đoạt giải Nhất với đề án “Sản xuất và kinh doanh hạt mắc ca”.
Tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam 2019, Phương kêu gọi nhà đầu tư góp vốn. Nghe cô gái đến từ một xã vùng sâu Tây Nguyên điềm tĩnh trả lời mạch lạc mọi chất vấn hóc búa, Shark Nguyễn Ngọc Thủy đã quyết định mua 36% cổ phần công ty Damaca Nguyên Phương do cô làm giám đốc với giá 5 tỷ đồng. Phương dùng khoản tiền này mua sắm thiết bị, dựng thêm kho lạnh, hướng tới mục tiêu 20 tỷ đồng doanh thu trong năm tới.
“Cả trăm quốc gia tiêu thụ, mà chỉ 30 nước trồng được mắc ca, đó là lợi thế quê hương. Tôi sẽ sản xuất những mặt hàng giá trị cao hơn từ mắc ca, như sữa, bột dinh dưỡng, dầu mắc ca, là loại hàng được ngành mỹ phẩm tiêu thụ mạnh. Ký kết với chính quyền các huyện về việc hỗ trợ giống, kỹ thuật cho nông dân, tôi có đủ nguồn nguyên liệu để tăng công suất chế biến”- Thu Phương tự tin chia sẻ.
Tới chàng rể yêu thích ca cao
Hoàng Danh Hữu với sôcôla Miss Ede
Các nước giàu đều tiêu thụ mạnh sôcôla, dù không trồng được cacao. Ở nước ta, cây cacao do các chủ đồn điền người Pháp du nhập từ hàng trăm năm trước, sinh trưởng dễ dàng nhưng những năm gần đây diện tích lại thu hẹp dần, do hạt cacao khó chế biến, trái cacao dễ nhiễm nấm bệnh mà đầu ra cũng bấp bênh.
Tốt nghiệp Đại học kinh tế, Trương Ngọc Quang có vị trí thuận lợi trong một công ty nước ngoài ở TPHCM, nhưng “tiếng gọi quê hương” vẫn níu anh về xã Ea Na, huyện Krông Ana, làm giám đốc cơ sở sản xuất sôcôla do bố vợ anh giao lại. Quang say mê hoàn thiện quy trình và công nghệ chế biến cho công ty Cacao Nam Trường Sơn, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ chuyên gia của những tập đoàn sở hữu thương hiệu sôcôla hàng đầu, là Booth Smith Food Technology-Anh, và Barry Callebaut-Bỉ.
Dày công gây dựng vùng nguyên liệu ở 2 huyện Eakar và Krông Ana, Trương Ngọc Quang muốn nâng thu nhập thêm 20% cho người trồng, và sản xuất cacao hữu cơ cho thị trường cao cấp. Mới đây, cacao Nam Trường Sơn được Bộ Công Thương vinh danh là “Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia” năm 2019.
... Và cậu chủ nhãn hàng Miss Ede
“Chế biến sâu để nâng cao giá trị” từ lâu đã là lời kêu gọi khẩn thiết, bởi hàng thô giá rẻ vẫn chiếm tỉ lệ quá lớn trong hàng chục triệu tấn nông sản Việt xuất khẩu mỗi năm.
Đó là điều ám ảnh Hoàng Danh Hữu (SN 1990), người đã và đang làm giám đốc kinh doanh chi nhánh cho một tập đoàn đa ngành của Mỹ. Anh gõ rất nhiều cánh cửa để đan kết mạng lưới nông sản sạch. Một chiều đầu tháng 9/2019, anh tổ chức lễ ra mắt nhãn hiệu Miss Ede tại Buôn Ma Thuột, ký kết hợp tác hiệu quả với các doanh nhân trẻ cùng chí hướng. “Tây Nguyên có nhiều lợi thế làm được các mặt hàng cao cấp tươi ngon, nhưng lâu nay vẫn phải bán với giá rẻ khiến người lao động thiệt thòi. Chúng ta sẽ chứng minh tình yêu nước của người khởi nghiệp trẻ, bằng cách làm thương hiệu hoàn toàn khác biệt cho Miss Ede, và Ede Farm”- Hoàng Danh Hữu nói.
Miss Ede - nhãn hiệu dành cho các mặt hàng chế biến từ nông sản sạch Đắk Lắk, bắt đầu từ cà phê bột và sôcôla. Trong đó, nguồn sôcôla được đặt gia công từ Cty Nam Trường Sơn, nguồn cà phê bột từ Simexco Daklak- “Ông lớn” top 3 quốc gia về cà phê nhân xuất khẩu. Bốn chàng trai của chuỗi liên kết Miss Ede, ngoài Hoàng Danh Hữu-CEO nhãn hàng, Trương Ngọc Quang-Giám đốc Cty cacao Nam Trường Sơn, còn có anh Lê Đức Huy- Phó tổng giám đốc Simexco Daklak và anh Cao Hoàng Phát-CEO chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm ở phố biển Nha Trang.
Anh Lê Đức Huy - Phó tổng giám đốc Simexco Daklak cho biết: Tin tưởng sự am hiểu và tâm huyết của Hoàng Danh Hữu về thương trường, thương hiệu, thương mại, Simexco đã ký kết hợp tác sản xuất dòng cà phê Miss Ede đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất, từ quy trình canh tác, sản xuất tới khâu chế biến, rang xay, đóng gói.
Chuỗi cửa hàng Ede Farm do anh Hữu gây dựng tới nay đã thu hút 350 mặt hàng nông sản sạch từ nông dân Tây Nguyên, trong đó có Mắc ca Nguyên Phương, Cốm Nghệ Huvahi, Tinh dầu Bmec…và cả bộ sản phẩm cao cấp của đối tác lớn như Trung Nguyên Legend.
Ngay trong tháng 9/2019, cà phê và sôcôla Miss Ede đã được lãnh đạo tỉnh chọn làm quà đặc sản quảng bá kinh tế, văn hóa Đắk Lắk tại Hoa Kỳ. Du khách dễ dàng mua được các sản phẩm này tại 16 cửa hàng đặc sản, bách hóa tiện lợi ở Nha Trang. Từ tháng 10 trở đi, những hộp quà Miss Ede độc đáo, ý nghĩa được dành vị trí trang trọng tại các phòng chờ thương gia, quầy dịch vụ các sân bay, siêu thị, trung tâm thương mại nhiều tỉnh thành, và cửa hàng miễn thuế tại cửa khẩu biên giới.
Thu nhập cao vẫn ở nhà thuê để dồn vốn khởi nghiệp, Hoàng Danh Hữu cam kết: “Bằng cả trái tim nồng nàn yêu nước, chúng tôi bảo đảm thu mua nguyên liệu sạch cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường, xây dựng thêm các thương hiệu cao cấp, kinh doanh bảo đảm uy tín và đóng thuế đầy đủ”. Còn người viết bài này vừa được thấy các mẫu hàng mới của Miss Ede, bao bì một mặt in đậm bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; mặt kia là hình ảnh các thành phố nổi tiếng về du lịch ba miền, ý nghĩa vô cùng khi du khách mua làm quà mang đi khắp thế giới ...
H.T.N.