Những gì mà con người đã và đang hướng tới đã tạo nên động lực cho sự phát triển của y học nhân loại trong nhiều thế kỷ qua.
Con người sẽ sống thọ hơn. Ảnh minh họa. |
Cùng với đó, sự phát triển của nền y học hiện đại với những thành tựu đã và đang đạt được cũng hứa hẹn mang lại vô vàn những ứng dụng, đồng thời tạo ra cho thế giới ngày càng nhiều những điều kỳ diệu, mới mẻ.
Tuổi thọ lên tới 150 tuổi - sẽ không còn là chuyện hiếm
Sống thọ và sống khỏe mạnh là điều con người luôn hướng tới. Trong hàng nghìn năm qua, mong ước kéo dài tuổi thọ đã được thể hiện qua những nỗ lực tìm kiếm phương thuốc trường sinh. Mới đây, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc chuyên ngành y, Trường đại học New South Wales, Sydney, Australia đã mở ra cơ hội biến điều đó thành sự thật. Những viên thuốc kỳ diệu mà các nhà khoa học đang nghiên cứu có thể giúp con người kéo dài tuổi thọ, thậm chí sống tới hơn 150 tuổi sẽ không còn là chuyện lạ.
Những viên thuốc được nghiên cứu tập trung vào các tác dụng kích thích cơ chế tự hàn gắn tổn thương của các tế bào trong cơ thể. Cùng với đó, sự phát triển của phương pháp tế bào gốc sẽ có tác dụng nâng cao chất lượng sự sống của con người. GS. Peter Smith - Chủ nhiệm Khoa Y, Trường đại học New South Wales, Sydney, Australia cho biết, những em bé được sinh ra ngày nay tại Australia có nhiều cơ hội sống tới hơn 100 tuổi nhờ phương pháp giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Resveratrol - một thành phần hoá học được nghiên cứu trong những thập kỷ trước được xem là bí quyết của sự trường thọ. Tuy nhiên, loại thuốc mới mà các nhà khoa học đang nghiên cứu có thể mang lại tác dụng kéo dài tuổi thọ mạnh gấp 1.000 lần so với resveratrol đã được tìm thấy.
Liệu pháp tấm gương
Mới đây, các nhà khoa học Trường đại học California, Mỹ vừa công bố một phương pháp liệu pháp tấm gương, sử dụng các hình ảnh quang học cho phép điều trị chứng bệnh viêm khớp. Phương pháp mới đã được áp dụng cho 8 bệnh nhân mắc viêm khớp tình nguyện tại Trường đại học California. Phần lớn những bệnh nhân này bị mắc chứng viêm khớp ở cánh tay và vai. Họ đã được trị liệu bằng cách đặt cánh tay bị viêm khớp lên trước một tấm gương và quan sát cử động cánh tay của mình.
Sau đó, bác sĩ yêu cầu người bệnh thực hiện các động tác, bài tập cử động cánh tay bị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời quan sát kết quả trên tấm gương đối diện. Kết quả sau các bài tập luyện này, người bệnh giảm được đáng kể các cơn đau khớp nhờ phương pháp trị liệu độc đáo. Theo lý giải của các nhà khoa học, bản chất của bệnh khớp là các viêm nhiễm, sưng tấy bên trong các khớp xương gây ra sự đau đớn. Đôi khi sự tổn thương không chỉ nằm ở các khớp mà còn ở ngay quá trình não xử lý các tín hiệu thần kinh truyền từ khớp về não. Biểu hiện của viêm khớp bao gồm: sự đau nhức, xơ cứng khớp, khó cử động khớp, viêm nhiễm và sưng tấy.
Không có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh viêm khớp, tuy nhiên, khi thực hiện các thao tác theo liệu pháp tấm gương này, cơn đau giảm xuống vì người bệnh quan sát được cử động của chính cơ thể mình, não của bệnh nhân có thể đánh giá lại hoạt động của cánh tay bị bệnh và kiểm soát mức độ đau đớn trong ngưỡng chịu đựng. Điều quan trọng là liệu pháp tấm gương có thể giúp người bệnh viêm khớp giảm được cảm giác đau đớn.
Có thể đổi màu mắt
Theo công bố của các nhà khoa học Viện y học Stroma, California, Mỹ, màu của mắt là do yếu tố bẩm sinh, song khoa học cũng có thể tác động làm thay đổi màu mắt, chẳng hạn như làm cho màu mắt nâu của bạn trở thành màu xanh.
Bằng cách sử dụng năng lượng laser, các nhà khoa học có thể loại bỏ sắc tố nâu hoặc đốm đen trên tròng mắt và chỉ để lại các sắc tố màu xanh. Trong 2 - 3 tuần liên tục thực hiện thao tác này, màu mắt sẽ biến đổi từ đen hoặc nâu sang màu xanh một cách dễ dàng. Tuy nhiên, sau khi biến đổi theo cách này, các sắc tố màu nâu hoặc màu đen không thể phục hồi lại được nữa. Và điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải chấp nhận màu mắt xanh suốt đời sau khi tiến hành đổi màu mắt bằng năng lượng laser.
TS. Gregg Homer - tác giả công trình nghiên cứu biến đổi màu mắt đã nghiên cứu về cách làm này từ năm 2005 và đã thành công trong việc biến đổi màu mắt. Nghiên cứu này mở ra giả thuyết về việc những người mắt xanh thực chất là do sự hình thành và biến đổi từ nhiều đời trước. Năm 2008, các nhà khoa học Trường đại học Copenhagen, Đan Mạch đã phát hiện ra rằng, hầu hết những người mắt màu xanh có tổ tiên là người có mắt màu xanh do đột biến gen cách đây 10.000 năm.
Âm nhạc giúp con người có tuổi thọ cao hơn. |
Âm nhạc trong trị liệu
Ngày nay, âm nhạc được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Trong y học, liệu pháp âm nhạc cũng được coi là một liệu pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, thực chất của phương pháp này bắt nguồn từ đâu? Trả lời cho câu hỏi này, các nhà khoa học đã xác định, liệu pháp âm nhạc bắt đầu xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới thứ I. Khi đó, người ta đã phát hiện ra rằng, sau các chuyến thăm của các đoàn nghệ sĩ, nhạc sĩ, những người lính bị thương đang điều trị trong các bệnh viện dường như có một động lực đáng kể giúp họ nhanh chóng hồi phục sức khoẻ về cả thể chất và tinh thần.
Không lâu sau, các chuyên gia thần kinh học đã chỉ ra rằng, âm nhạc có tác động trực tiếp đến thể chất và tinh thần của người bệnh, giúp họ trấn an tinh thần nhanh chóng, kích thích quá trình phục hồi và tăng cường khả năng miễn dịch. Các ứng dụng của liệu pháp âm nhạc bắt đầu được chú ý và ứng dụng ngày một phổ biến. Trường đại học bang Florida, Mỹ - nơi đi đầu trong việc ứng dụng liệu pháp âm nhạc ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh đã sử dụng nhạc cổ điển giúp trẻ nhỏ ổn định nhịp tim, kích thích phát triển trí não ở trẻ.
Nghiên cứu của Trường đại học tổng hợp Harvard, Mỹ cho thấy, bệnh nhân nghe nhạc Mozart mỗi ngày có thể giữ ổn định huyết áp, làm giảm hormon stress và các vấn đề rối loạn hoạt động hệ thần kinh khác do căng thẳng.
Robot dẻo
Những ứng dụng của kỹ thuật, công nghệ cao vào lĩnh vực y học ngày càng được ghi nhận. Với sự hỗ trợ của robot trong phẫu thuật, robot hỗ trợ trị liệu… đã mang lại những bước đột phá cho ngành y học hiện đại.
Mới đây, sự có mặt của robot dẻo do nhóm các nhà khoa học Trường đại học Harvard, Mỹ nghiên cứu sẽ mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp robot đồng thời đem lại những ứng dụng mới.
Thay vì sản xuất robot từ những vật liệu truyền thống hiện nay, các nhà sản xuất robot đang hướng tới sử dụng vật liệu dẻo để chế tạo các robot trong tương lai. Những robot này sẽ có sự linh hoạt và dẻo dai hơn rất nhiều, đồng nghĩa với việc chúng có thể thực hiện những thao tác phức tạp hơn như: leo cầu thang, khiêu vũ, và chơi violon... GS. George Whitesides thuộc Trường đại học tổng hợp Harvard, Mỹ cùng các đồng nghiệp hy vọng họ sẽ tạo ra những robot dẻo có thể thực hiện các thao tác khó một cách khéo léo và dễ dàng như dạng thao tác của các ngón tay trên bàn tay. Đây là điều rất quan trọng trong phẫu thuật nếu robot được ứng dụng để thực hiện các ca phẫu thuật đơn giản trong bệnh viện.
Theo Sức Khỏe Đời Sống