Xuyên Việt bằng... xe lắc

Xuyên Việt bằng... xe lắc
Dù hai chân bị tật phải di chuyển bằng xe lắc, một thanh niên ở xã miền núi Ninh Hải (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) vẫn nung nấu quyết tâm đi từ Bắc vào Nam. Sau hai tháng rưỡi rong ruổi, anh đã đến Nam Trung bộ.

>Những cô gái Việt khiến hàng triệu người nể phục

Tháng 4-2012, xin gia đình 3,5 triệu đồng, Toàn cùng một người bà con xuống Hà Nội mua chiếc xe lắc để việc đi lại dễ dàng hơn. Có xe lắc, tự dưng trong đầu Toàn nảy ra ý định “điên rồ”: đi từ Bắc vào Nam để thử thách bản thân, để ngắm phong cảnh đất nước và học hỏi điều gì đó.

Chu Đức Toàn với lá cờ được tặng ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - Ảnh: Ngọc Lan
Chu Đức Toàn với lá cờ được tặng ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - Ảnh: Ngọc Lan.

Phiêu du

Không thổ lộ với bất kỳ ai, Toàn âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi “để đời”: dành dụm tiền hỗ trợ (chất độc da cam) được nhận hằng tháng, nhờ thợ hàn điều chỉnh vài chi tiết để việc lên xuống xe thuận tiện hơn, trang bị hai bên xe hai tấm bạt che mưa. Phía sau xe cũng được che bằng bạt, gắn thêm mấy cái đèn phản quang nhỏ...

Ngày 15-2 (mồng 6 tết), sau khi cho vào balô những vật dụng cần thiết, trong đó có cả kim chỉ và quyển vở để ghi nhật ký, mang theo chăn chống rét, hai miếng gỗ để di chuyển mỗi khi rời xe, Toàn chào chị gái, anh rể và nói: “Em đi chơi vài hôm rồi về”.

Trong nhật ký, anh viết: “Thứ sáu ngày 15-2-2013. Mình lên đường đi du lịch... Mình đi đến Yên Mô thì mệt quá, thế là mình vào một công ty sửa chữa máy móc bên đê nghỉ một chút nhưng lại bị cơn mưa xuân làm mình lạnh buốt. Thế là mình lại lên đường đi tiếp đến một quán nhỏ vội mua chiếc áo mưa. Ngay chiều hôm đó mình vào Tam Điệp...”.

Để chuyến đi từ Bắc vào Nam trót lọt, Toàn giữ bí mật đến phút chót. “Nếu mọi người biết, chắc chắn sẽ không cho tôi đi. Vào đến Huế, tôi mới gọi điện về báo cho chị” - anh kể với nụ cười hiền lành.

Hai người chị của Toàn giật mình khi biết đứa em khuyết tật đang chu du ở xa tít tắp. Chị Chu Thị Tâm, người sống cùng Toàn, kể: “Chúng tôi rất lo vì em bị tật, sinh hoạt rất khó khăn. Cứ ngỡ em đi chơi loanh quanh trong tỉnh rồi về, ai ngờ... Tôi khuyên em quay về nhưng em vẫn quyết tâm đi, bảo rằng đi cho biết đó biết đây. Tôi chẳng thể làm gì hơn là ngày ngày gọi điện, dặn em đi từ từ, cẩn thận, khó khăn thì nhờ người ta giúp đỡ”.

Trên đường thiên lý

Với chiếc xe lắc, Chu Đức Toàn rong ruổi đường dài. Đói thì ăn cơm bình dân ở quán ven đường, tối đến tìm một ngôi chùa hoặc nhà dân nào đó xin ngủ nhờ qua đêm. Có nhiều người nhiệt tình giúp đỡ.

Toàn kể: “Biết tôi đang đi từ Bắc vào Nam, một số chủ quán không tính tiền cơm. Đến Huế, trong khi tôi hỏi thăm tìm chỗ ngủ nhờ thì gặp một người đàn ông đang đi bách bộ. Chú ấy đưa tôi về nhà cho ngủ nhờ. Sáng hôm sau, vợ chú ấy còn cho tôi một ít thuốc tây để mang theo phòng khi bị cảm. Cô chú ấy rất tốt với tôi. Đến Quảng Nam, tôi được một gia đình ngư dân ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn cho ngủ nhờ. Hôm sau, gia đình đó nhận tôi làm con nuôi. Má nuôi tôi tên Nguyễn Thị Hồng. Giờ tôi có bốn đứa em là con của bà má này...”.

Không thể vượt qua đèo dốc cao bằng xe lắc, Toàn phải nhờ xe tải chở hộ qua đèo. Chuyện nhờ vả này làm Toàn cảm thấy “hơi xấu hổ một chút”.

Sau gần hai tháng rưỡi kể từ ngày rời quê hương Ninh Bình, Chu Đức Toàn đến Bình Định. Anh tham quan Bảo tàng Quang Trung và một số thắng cảnh trên đất võ, sau đó lưu lại chùa Long Phước (huyện Tuy Phước) hơn mười ngày chờ giấy xác nhận của địa phương do chị gửi vào. Trong giấy, phó chủ tịch UBND xã Ninh Hải Bùi Xuân Thủy xác nhận Chu Đức Toàn đang hưởng chế độ dành cho người nhiễm chất độc hóa học loại 1 và đang vắng mặt tại địa phương. Đây được xem là giấy tờ tùy thân duy nhất của Toàn, vì anh chưa làm chứng minh nhân dân.

Đi từ mùa xuân, giờ nắng hè đã chói gắt. Nhật ký mỗi ngày một đầy thêm vì đi đến đâu, gặp ai, được ai giúp đỡ Toàn cũng ghi vào. Album ảnh mỗi ngày một phong phú, và trên chiếc xe lắc có thêm một số kỷ vật do những người yêu mến tặng Toàn. Đó là những lá cờ Tổ quốc do hai người, một ở Quảng Ngãi, một ở Phú Yên tặng, là quyển sổ mới toanh do một người ở Bình Định trao, là cây đèn pin của một thanh niên ở Phú Yên tặng để Toàn vượt qua những đoạn đường tối khi chưa tìm được một ngôi chùa hoặc nhà dân xin ngủ nhờ.

Chưa từng đi đâu xa, Toàn bảo điều thú vị trong hành trình hai tháng rưỡi qua là được ngắm nhìn phong cảnh đất nước, từ miền Bắc đến miền Trung. Anh thổ lộ: “Đi đến đâu tôi cũng thấy ấn tượng, mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng. Nam Đàn quê Bác có vẻ đẹp trầm mặc, còn quê hương của vua Quang Trung cũng có vẻ đẹp riêng của đất võ... Đi qua miền Trung, tôi không thấy dài dằng dặc như nhiều người vẫn nói vì đến địa phương nào mình cũng nán lại, thăm thú phong cảnh, tiếp xúc với người dân nơi đây. Tôi thấy người miền Trung rất tình cảm”.

Đường thì xa, những vòng quay của chiếc xe lắc thì quá chậm rãi, thế nhưng Toàn không chút sốt ruột, cũng không chán nản trước bao vất vả. “Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Dự định của tôi là đi đến Cà Mau, sau đó về TP.HCM, tìm một ngôi chùa xin ở nhờ một thời gian, học hỏi điều gì đó rồi mới quay về”.

* Nghệ nhân đất nung LÊ ĐỨC HẠ (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam): “Vợ tôi tình cờ gặp Toàn lúc cậu ấy đang tìm nơi ngủ nhờ, bèn đưa cậu ấy về nhà. Khi biết Toàn đi từ Ninh Bình vô, tôi rất bất ngờ. Tôi ngưỡng mộ và học được nhiều điều ở Toàn”.

* Anh NGUYỄN ĐẶNG MINH (phường 1, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên): “Lúc đầu tôi không tin anh Toàn có thể đi từ Ninh Bình vô đây. Tôi nghĩ người bình thường còn chưa đi được huống chi là anh ấy. Sau khi hai anh em nói chuyện, tôi thấy phục Toàn thiệt. Nếu mình như Toàn, chắc gì mình đã làm được như vậy”.

Một ngày đầu tháng 4-1981, bà Chu Thị Thiềng ở xóm Đại Thắng (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) vượt cạn, song niềm vui có được đứa con trai nhanh chóng chìm trong nỗi đau. Con trai bà mặt mũi khôi ngô nhưng đôi chân bị teo lại do di chứng chất độc da cam của chồng bà - ông Chu Đức Thạc.

Cậu bé có đôi chân tật nguyền được đặt tên là Chu Đức Toàn, lớn lên trong vất vả xót xa của bố mẹ khi mọi nỗ lực chữa bệnh cho con đều không có kết quả. Khi Toàn mới vừa lên 5, bố qua đời vì tai nạn giao thông, Toàn sống trong tình thương của mẹ và hai chị.

Không thể đi lại, không thể tới trường nên mãi đến năm 13 tuổi Toàn mới bập bõm biết đọc, nguệch ngoạc viết được chữ nhờ người em họ chỉ giúp. Đến năm 2008, mẹ Toàn lại bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống.

Có chân mà như không, Toàn di chuyển bằng hai miếng gỗ nhỏ rất vất vả, vì cánh tay trái của anh cũng yếu, chỉ có cánh tay phải bình thường. Bằng hai tay, Toàn xoay xở trong các sinh hoạt cá nhân, cố gắng không làm phiền đến những người xung quanh.

Theo Phương Trà
Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG