Đường 20 cùng với hàng trăm tuyến đường khác đã tạo nên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, là nơi chứng kiến biết bao sự hy sinh anh dũng và những câu chuyện thật kỳ lạ khiến những người hôm nay phải ngạc nhiên, khâm phục. Như chuyện về những người lái xe Trường Sơn, nhưng không phải đàn ông như chúng ta vẫn nghĩ. “Ký Ức Vui Vẻ” mùa 3 tập 5 đã mang đến câu chuyện cảm động về những nữ chiến sĩ lái xe dưới làn bom đạn.
“Đây không phải lần đầu tiên Lại Văn Sâm được tiếp xúc với nhiều người từng tham gia những cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng với những người lái xe nữ như các bà thì đây là lần đầu tiên”, Lại Văn Sâm bày tỏ sự ngưỡng mộ.
Trung đội nữ Lái xe Trường Sơn đã đi vào huyền thoại chiến đấu từ năm 1968 đến năm 1971. Họ xung phong chọn nghề vì lúc bấy giờ rất hiếm lái xe, tự thấy bản thân là người có sức khỏe nên tình nguyện lên đường hành quân. Các thành viên trong trung đội khi ấy còn chưa đầy 18 tuổi, họ học vỏn vẹn trong 45 ngày rồi nhận xe lái.
Trên tuyến đường khói lửa đầy mưa bom bão đạn, thật may mắn vì không một nữ lái xe nào hi sinh trong chiến trường.
Tại sân khấu, bà Bùi Thị Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) khiến hội trường xúc động khi ngâm bài thơ mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết tặng trung đội có tên: Tặng em cô bộ đội lái xe: “Em là cô bộ đội lái xe/ Giặc đuổi bắn bộn bề lửa cháy/ Cái buồng lái là buồng con gái/ Vãn cành hoa mềm mại cài ngang…”
Bà Vũ Thị Kim Dung kể, đặc thù đơn vị toàn nữ, không có ai là nam, từ lái xe, thợ điện, thợ máy, thợ gầm. “Chị nào tay lái cứng thì một mình một xe, chị nào yếu hơn thì hai người một xe, chúng tôi chạy 3 ngày một chuyến, cứ chờ bộ đội vào lại đón thương binh ra”, bà Dung cho hay.
Những ký ức Trường Sơn ùa về nhớ đến việc gian khổ nhất: “Thùng xăng 200 lít, chúng tôi hút bằng mồm đổ vào các xe, có người phải cấp cứu vì nuốt cả xăng. Gãy răng vì thay lốp, vặn nhíp ở trong gầm xe”.
Sau hòa bình, cũng bởi từng làm việc nguy hiểm mà sức khỏe của các nữ chiến sĩ phần lớn là bệnh tật, đau ốm. Trung đội của bà có 1/3 là thương binh, may mắn không có ai hy sinh, có những người hiện giờ vẫn xây dựng được gia đình, sống một mình đơn côi. Bản thân bà Dung, được làm vợ nhưng không thể làm mẹ.
Nghe câu chuyện, với tư cách một người lính, nghệ sĩ Tự Long thể hiện sự tôn trọng, xúc động chạy lên sân khấu ôm từng người.
Thay mặt chương trình, Lại Văn Sâm gửi lời cảm ơn tới những nữ chiến sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân, hạnh phúc của bản thân cho đất nước.