“Xóm than” xã Ea Bar khoảng 10 năm về trước đêm ngày khói lửa bập bùng, từ xa hàng chục cây số cũng có thể thấy những cột khói đen kịt, cao ngút. Còn bây giờ, dẫn chúng tôi tham quan làng bánh tráng, ông Trần Ngọc Mỹ - Chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn kể: Nhiều năm trước, tình trạng phá rừng lấy củi làm than phổ biến đến mức không kiểm soát được.
Lúc đó tôi làm trưởng thôn 6 nên kiểm lâm huyện bảo tôi lập danh sách những người làm than và khi nào “thấy ai chở gỗ, chở củi thì cứ bắt”. Tôi hỏi : “Lỡ họ đốt nhà tôi thì sao? Chỉ tại thiếu đất sản xuất nên nông dân phải làm liều chứ ai muốn vậy đâu?”.
Để người dân chịu bỏ nghề làm than là vấn đề không đơn giản. May sao trong xóm có nhiều người gốc Bình Định quê hương nghề bánh tráng đem chuyện nghề ở quê ra bàn bạc và thống nhất tại cuộc họp thôn.
Ông Mỹ khấp khởi mừng, tích cực lập đề án gửi địa phương và Trung tâm khuyến công - Sở Công thương xin nhà nước hỗ trợ để bà con có vốn chuyển đổi nghề. Từ 20 hộ tập tráng bánh ban đầu, đến nay toàn xã đã có gần 200 hộ làm bánh tráng, thoát nghèo nhờ thu nhập khá cao.
Sau khi chuyển nghề từ “đen” thành “trắng”, vợ chồng chị Trần Thị Kim Huệ ở thôn 5 đã có thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng từ làm bánh tráng.
Nói về nghề than, anh Lương Văn Mười, thôn 5 xã Ea Bar không khỏi rùng mình: Làm than tổn thọ lắm, ngày nào cũng hít khói bụi đêm về thở không nổi. Giờ tráng bánh mỗi ngày nhà tôi tiêu thụ hết khoảng 70 kg gạo, có tháng thu nhập tới 12 triệu đồng.
Tháng 10-2011, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ký quyết định công nhận làng nghề đầu tiên của tỉnh là làng nghề bánh tráng cho các thôn 5, 6 và 7 xã Ea Bar.
Để nghề bánh tráng bền vững hơn, ông Mỹ đã đến từng hộ dân vận động cam kết theo nghề, nếu hộ nào vi phạm thì sẽ bị thu hồi vốn hỗ trợ. Đồng thời cùng bà con cam kết làm bánh tráng chất lượng và vì môi trường, thay chất đốt là củi bằng mùn cưa hoặc trấu.