Xóa độc quyền xuất bản SGK: Phải sửa Luật GD!

Xóa độc quyền xuất bản SGK: Phải sửa Luật GD!
TP - Tiền phong  trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan xung quanh kiến nghị chấm dứt độc quyền xuất bản hoặc phải giảm giá bán sách giáo khoa của NXB Giáo dục
Xóa độc quyền xuất bản SGK: Phải sửa Luật GD! ảnh 1

Xóa bỏ độc quyền xuất bản SGK là một xu hướng tiến bộ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chiều qua (11/4), trao đổi với Tiền phong, bà Tâm Đan nói: Khi Nhà xuất bản (NXB) xuất bản cuốn sách nào thì phải chịu trách nhiệm biên tập cuốn sách đó. Như vậy việc chấm dứt  độc quyền xuất bản sách giáo khoa (SGK) không thể thực hiện bằng cách thực hiện 1 bộ SGK cho phép nhiều tổ chức khác nhau cùng in.

Muốn “giải mã” vấn đề này thì phải sửa Luật Giáo dục để cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK do nhiều nhà xuất bản khác nhau tổ chức thực hiện.

Không phải đợi đến khi có kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi mới nói đến việc xóa độc quyền xuất bản SGK.

Từ năm 2005, khi Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Giáo dục, Ủy ban Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng đã đề nghị Quốc hội phương án một chương trình có nhiều SGK, do nhiều NXB viết, tuy nhiên cuối cùng Quốc hội không thông qua phương án đó, mà Quốc hội chỉ thông qua phương án đối với giáo dục phổ thông chỉ có 1 SGK.

Như vậy, bây giờ muốn chống độc quyền, muốn cho nhiều nhà xuất bản viết SGK, thì rõ ràng là 1 chương trình có thể được có tới 2,3 bộ SGK, thế thì phải sửa Luật Giáo dục.

Rõ ràng việc độc quyền xuất bản SGK của NXB Giáo dục không tạo ra sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giữa các nhóm tác giả biên soạn, thưa bà?

Khi Quốc hội không thông qua phương án của Ủy ban Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng, chúng tôi nghĩ rằng về mặt tâm lý có thể các đại biểu cảm thấy hình như học chung 1 bộ SGK, thì người dân ở địa phương mình được học như người dân nơi khác.

Thực tế, nếu tiếp cận từ bản chất giáo dục thì vấn đề hoàn toàn khác, vì giáo dục có đối tượng rất rộng rãi và bản chất giáo dục là phải đáp ứng đúng đối tượng. Nước ta có nhiều vùng miền khác nhau, mức phát triển khác nhau, như vậy phải đa dạng SGK để áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, hơn nữa khi xóa độc quyền xuất bản SGK sẽ huy động được trí tuệ rộng lớn của xã hội.   

Thanh tra Chính phủ phát hiện trong nhiều năm qua NXB giáo dục đã có rất nhiều lợi nhuận từ xuất bản SGK, và kiến nghị giảm giá bán SGK vì cho rằng giá bán SGK tuy rẻ 5 - 7 lần so với giá bán các loại sách khác nhưng thực tế người mua đã phải mua đắt hơn khá nhiều so với giá thành cuốn sách?

Xóa độc quyền xuất bản SGK: Phải sửa Luật GD! ảnh 2
Bà Trần Thị Tâm Đan

Tôi đồng ý với kiến nghị nêu trên. Thực ra để giảm giá bán SGK thì dễ thôi, chỉ cần quy định lại tỷ lệ lợi nhuận trong việc xuất bản SGK sao cho thấp hơn hiện nay.

Giá bán SGK hiện nay do Bộ GD&ĐT xây dựng và Bộ Tài chính phê duyệt. Mặc dù đã có quy định để mức lãi rất thấp đối với việc xuất bản SGK, tuy nhiên do số lượng xuất bản nhiều, nên lợi nhuận NXB Giáo dục có được vẫn là rất lớn. Vì vậy không loại trừ trường hợp dù giảm giá bán SGK nhưng NXB Giáo dục vẫn cứ có nhiều lợi nhuận.

Và nếu cứ theo lợi nhuận đó để xây dựng quỹ lương, thì quỹ lương của NXB Giáo dục sẽ cao hơn nhiều đơn vị sự nghiệp khác. Trong khi chưa sửa được Luật Giáo dục để xoá độc quyền xuất bản SGK, theo tôi Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục nên báo cáo với Chính phủ, để quy định tỷ lệ lợi nhuận của NXB Giáo dục dành cho quỹ lương ở mức nhất định thôi, số lợi nhuận còn lại NXB Giáo dục phải dùng để hỗ trợ trang thiết bị cho các trường.

Ví dụ NXB Giáo dục có thể đầu tư xây dựng tủ SGK cho các trường mà không dùng đến ngân sách, nghĩa là phải dùng lợi nhuận có được để giải quyết khó khăn về trang thiết bị cho những trường học còn khó khăn.

Xin cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG