Ông Lơ O Hòa – Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, cho biết: Toàn xã có trên 900 hộ với gần 3.000 nhân khẩu. Diện tích trồng lúa ít, kinh tế chủ yếu dựa vào cây mì và cây keo. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%.
Do số hộ dân trên địa bàn xã chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, còn thiếu đất sản xuất và trình độ học vấn thấp thêm thiên tai, hạn hán thường xuyên xảy ra nên thu nhập của người dân thấp, cơ bản không đảm bảo cuộc sống thường ngày, chưa có khả năng thoát nghèo bền vững.
“Có một số người dân, thậm chí cán bộ đảng viên vẫn muốn ở trong danh sách hộ nghèo để được hưởng các chế độ hỗ trợ, trong khi thực tế kinh tế đã khá giả".
Hộ ông Đinh Văn Thọ (53 tuổi, làng Hà Văn Trên) là một trong những hộ dân tiên phong xin tự nguyện rút khỏi danh sách hộ nghèo. Ông có 6 người con, 5 người đã lập gia đình và ra ở riêng. Cô con gái út hiện đang đi học một trường cao đẳng, xa nhà, mỗi tháng phải chu cấp hơn 1 triệu đồng. Nhà trồng 10 sào mì (sắn), 3 sào lúa và một vài sào keo.
Thời gian rảnh ông tranh thủ nuôi vài con heo rừng, bò để cải thiện thêm thu nhập. Bình quân thu nhập gia đình ông là 20 triệu đồng/ năm. “Thu nhập gia đình tôi không cao nhưng cứ chăm chỉ làm việc cũng đủ ăn rồi, không khó như trước nên nhường cho hộ khác.
Hơn nữa cũng đi trước làm gương cho một số hộ tương đối khá giả nhưng vẫn không muốn ra khỏi hộ nghèo”. Ông Thọ vốn là Bí thư làng Hà Văn Trên nên cũng theo dõi sát sao đời sống của người dân. Theo ông, sở dĩ còn một vài hộ trong làng tuy kinh tế đã khá giả nhưng muốn ở lại hộ nghèo do con cái đang trong độ tuổi đi học.
Vợ chồng anh Đinh Văn Hà và chị Đinh Thị Vai (32 tuổi) mới đây cũng xin được rút khỏi danh sách hộ nghèo. Hộ anh có 4 người, trong đó hai con nhỏ, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Trước kia kinh tế khó khăn được xã tạo điều kiện hỗ trợ, nay vợ chồng đã có vườn keo, kết hợp trồng mì, lúa nên kinh tế đã khá hơn. Đợt thu hoạch keo vừa rồi hiệu quả nên vợ chồng sắm được ti vi, quạt điện, và xây sửa lại nhà.