Xét xử nhóm đối tượng làm giả hồ sơ mở thẻ tín dụng, chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lợi dụng chương trình "đổi thẻ lấy thẻ", cựu nhân viên ngân hàng cấu kết với đồng phạm làm giả hồ sơ khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ của ba ngân hàng.

Sơ hở từ chương trình 'Đổi thẻ lấy thẻ'

Ngày 31/3, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Ngô Thị Ngọc Lan (29 tuổi, nghề nghiệp tự do) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Cùng hầu toà còn có cùng 9 người khác.

Theo cáo trạng, xuất phát từ mối quan hệ quen biết nhau, đầu 2019, Phạm Thị Hảo (34 tuổi, cựu nhân viên ngân hàng TNHH MTV ANZ, có địa chỉ tại số 19, phố Duy Tân, Cầu Giấy) biết một số ngân hàng có chương trình “đổi thẻ lấy thẻ” với mục đích đẩy mạnh việc phát hành thẻ tín dụng trên cơ sở khách hàng đã có thẻ tín dụng của bất kỳ ngân hàng nào, mà không cần thẩm tra xác minh và chứng minh thu nhập.

Lợi dụng sơ hở của chương trình, Hảo bàn với Lan làm giả hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng.

Theo đó, cả hai thống nhất Lan có trách nhiệm lấy thông tin khách hàng có đủ điều kiện được cấp, đổi thẻ tín dụng và lấy bản sao CMND, Sổ hộ khẩu (SHK), Thẻ tín dụng, Bảo hiểm y tế...của những người này rồi chuyển cho Hảo.

Còn Hảo có trách nhiệm tìm người đóng giả khách hàng ký hồ sơ; người làm giả giấy tờ và người làm trong lĩnh vực ngân hàng tư vấn lập hồ sơ để đủ điều kiện được cấp thẻ tín dụng, chuẩn bị sim điện thoại phục vụ việc nhân viên ngân hàng gọi hỏi kiểm tra thông tin, thuê máy POS quẹt thẻ tín dụng rút tiền.

Sau khi bàn bạc, Lan tìm và cung cấp cho Hảo thông tin của 4 khách hàng, gồm: Lê Thị Như Hằng; Vũ Phương Anh; Phan Tuyết Hạnh và Nguyễn Kim Bình...

Trong khi đó, Hảo cũng tìm được người đi ký hợp đồng tín dụng là Phạm Thị Thanh Nga (39 tuổi, ở quận Hà Đông), Nguyễn Thị Hương Giang (46 tuổi, ở tỉnh Bắc Ninh) và đối tượng tên Hương (khoảng 30 tuổi, chưa xác định được nhân thân). Hảo thỏa thuận với ba người trên nếu thẻ tín dụng được phát hành thì người đứng tên thẻ tín dụng sẽ hưởng 3 – 5 triệu đồng/thẻ. Do đó, cả ba đồng ý giúp Hảo.

Để thực hiện, Nga và Hương đã cung cấp ảnh chân dung cho Hảo làm CMND giả. Đối với Giang, Hảo có ảnh chân dung từ trước do quen biết đã lâu. Sau đó, Hảo gọi điện cho Nguyễn Trọng Nam (48 tuổi, trú quận Bắc Từ Liêm) nhờ Nam tìm thuê người làm giả CMND và SHK.

Nam nhận lời, thuê đối tượng Hùng (chưa xác định nhân thân) làm giả 1 CMND và 1 SHK giả với giá 8 triệu đồng rồi báo lại với Hảo giá 10 triệu đồng. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định, Hảo khai đã chuyển toàn bộ thông tin của 4 bộ hồ sơ của: Lê Thị Như Hằng (có ảnh của Giang); Vũ Phương Anh (ảnh của đối tượng Hương); Phan Tuyết Hạnh (ảnh của Nga); Nguyễn Kim Bình (ảnh của Giang).

Xét xử nhóm đối tượng làm giả hồ sơ mở thẻ tín dụng, chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng ảnh 1

Nhóm bị cáo tại phiên tòa.

Chia đổi tiền chiếm đoạt

Theo Viện kiểm sát, sau khi có CMND và SHK giả do Nam cung cấp, Hảo lập 3 hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng với thông tin của Vũ Phương Anh, Lê Thị Như Hằng, Phan Tuyết Hạnh, gửi cho chị Nguyễn Thị Mai (30 tuổi, nhân viên của ngân hàng ShinhanBank) xin cấp thẻ tín dụng tại ngân hàng này.

Do ShinhanBank từ chối, chị Mai giới thiệu cho Hảo nộp hồ sơ sang ngân hàng TPBank và cho Hảo số điện thoại của chị Nhữ Thị Thiên Trang (33 tuổi, là nhân viên chăm sóc khách hàng của TPBank) để Hảo liên hệ.

Quá trình lập hồ sơ, chị Mai cho Hảo biết hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng phải ghi đầy đủ thông tin như: Nơi làm việc, mức lương, số điện thoại cơ quan... và tư vấn cho Hảo tìm hiểu thêm thông tin một số cơ quan trên mạng Internet để đưa vào hồ sơ cho phù hợp.

Ngoài chị Mai, cáo trạng cho rằng, Hảo còn nhờ một số nhân viên ngân hàng khác giúp lập hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng. Hảo thỏa thuận sẽ trích 15% giá trị thẻ tín dụng cho những người giới thiệu cho Hảo xin cấp thẻ thành công. Riêng chị Mai lấy của Hảo 10% phí dịch vụ, song Hảo đề nghị chị này tính 15% và hoàn lại riêng cho Hảo 5%.

Cùng với TPBank, Hảo còn gửi hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng tại một số ngân hàng khác như: Standard Chartered Bank; Công ty tài chính Lotte Finance Việt Nam.

Sau khi được cấp thẻ, Hảo và Lan nhờ người mang máy POS đến quẹt rút toàn bộ số tiền, chủ máy POS được hưởng 1,5% trên số tiền quẹt.

Bên cạnh làm giả hồ sơ mở thẻ tín dụng cho khách, cơ quan truy tố còn cáo buộc Hảo, Lan cấu kết với nhóm đồng phạm làm giả nhiều CMND, SHK và khai báo gian dối thông tin về nhân thân của nhiều người để làm hồ sơ vay vốn của các ngân hàng, công ty tài chính. Khi được giải ngân, nhóm của Hảo, Lan đưa những người đứng tên giả giấy tờ ra ngân hàng rút và chiếm đoạt tiền.

Kết quả điều tra xác định từ tháng 1/2019 - 6/2019, Hảo đã cùng Lan và đồng phạm làm giả 8 tài liệu của cơ quan, tổ chức để thực hiện 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đoạt của ngân hàng TPBank hai vụ, hơn 285 triệu đồng; của ngân hàng Standard Chartered Bank ba vụ, hơn 850 triệu đồng và chiếm đoạt của Công ty tài chính Lotte Finance Việt Nam hai vụ, hơn 200 triệu đồng. Số tiền chiếm đoạt sau khi trừ các chi phí, Hảo, Lan và đồng phạm chia nhau sử dụng.

Đáng chú ý, quá trình điều tra, Hảo có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần nên CQĐT tổ chức giám định. Kết quả xác định trước, trong và sau khi phạm tội, Hảo không mắc tâm thần, đủ năng lực nhận thức được hành vi. Tại thời điểm trưng cầu giám định, cơ quan tố tụng kết luận Hảo bị mắc bệnh tâm thần paranoid. Căn cứ kết quả trưng cầu, VKS ra quyết định bắt buộc đưa Hảo đi chữa bệnh. Sau đó, Công an Hà Nội tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Phan Thị Hảo.

Tòa tuyên án các bị cáo vào 8h30 ngày 5/4.

MỚI - NÓNG