Xem tranh giúp trẻ em thông minh hơn

Xem tranh giúp trẻ em thông minh hơn
TPO - Ngày càng có nhiều nhà sinh học thần kinh khẳng định việc tiếp cận thường xuyên với nghệ thuật có tác dụng tích cực tới não bộ.

Học sinh trường Moffett Elementary School (bang Los Angeles, Mỹ) phần đông là con cái gia đình nhập cư nghèo túng, trong nhiều năm luôn đứng ở vị trí hạng bét trong bảng xếp hạng các trường tiểu học địa phương.

Hàng năm chỉ đạt 417 điểm so với mức bình quân toàn quốc là 1000 điểm.

Nhưng từ năm 2001, số điểm của trường tăng dần, từ 417 năm 2000 lên 458 vào năm 200, và đến năm 2004 – 816 điểm. Từ đâu có kết quả đột biến như thế? Đó là nhờ kết quả triển khai chương trình Leonard Bernstein Center for Artful Learning at Gettysburg College.

Xem tranh giúp trẻ em thông minh hơn ảnh 1

Trung tâm Leonard Bernstein do nhà soạn nhạc nổi tiếng người Mỹ sáng lập năm 1992. Ông không chỉ là nhà soạn nhạc – tác giả bản nhạc nổi tiếng cho bộ phim “West Side Story”, mà còn là một nhạc trưởng và nhà tâm lý học. Trung tâm do ông sáng lập có nhiệm vụ trợ giúp gia tăng chất lượng giáo dục thông qua các tiết học ngoại khóa về nghệ thuật. Những kết quả đạt được tại nhiều trường phổ thông tại Mỹ nhờ chương trình Leonard Bernstein trong vòng gần 20 năm qua đã cho thấy, học sinh được xem thường xuyên những bức tranh trưng bày trong các bảo tàng mỹ thuật có tác dụng như là những chất “xúc tác” để não làm việc tốt hơn, giảm căng thẳng, kích thích tính tò mò ham khám phá và tác động tích cực tới quá trình ghi nhớ của não.

Thực hiện chương trình đã kể, học sinh trường Moffett Elementary School có tiết học ngoại khóa phân tích tác phẩm của những danh họa, như bức “Carte Blanche” của họa sĩ người Bỉ - các em ngồi ngắm bức tranh và phân tích hình ảnh chú ngựa và người phụ nữ vùng Amazon trên nền những cây sồi hay những cây sồi trên nền chú ngựa và người phụ nữ. Bức tranh “Phiên chợ nô lệ” của họa sĩ người Tây Ban Nha Salvador Dali – đòi hỏi não bộ các em tập trung cao độ phân tích điều mà họa sĩ không thể hiện trực tiếp trên bức tranh – đó là hình tượng bán thân của Wolter. Bức tranh “Soleil levant” của danh họa người Pháp Claude Monet tác động tích cực tới não bộ các em bởi những chùm ánh nắng mầu hồng ban mai lấp lánh trên mặt nước.

Nhà tâm lý học, GS Michael Posner – người đã thực hiện chương trình của Leonard Bernstein Center cho biết, kết quả học tập kém của các em học sinh trường Moffett Elementary School là hậu quả tình trạng sao nhãng của gia đình đối với con cái. Các bậc phụ huynh không hề đọc hay kể cho con em mình những chuyện cổ tích, hiếm khi đưa các cháu tới các viện bào tàng và ít khi mua sách. Do vậy, những mối quan tâm của các em, óc tưởng tượng hay khả năng tư duy trừu tượng không được phát triển một cách bình thường. Ngoài ra tình trạng bạo lực diễn ra như cơm bữa trong khu phố hay gia đình tác động tiêu cực tới việc học hành của các em. GS Michael Posner tự hào cho rằng, phương pháp học ngoại khóa “artful learning” là liệu pháp đặc biệt hiệu nghiệm đối với học sinh dạng này. Kết quả thực nghiệm của ông cùng với những nghiên cứu tâm lý cho thấy, những tiết học ngoại khóa tiếp cận với nghệ thuật đã làm xuất hiện trong não những biến đổi tích cực mang tính dây chuyền – có tác dụng giải toả stress, giảm những biểu hiện gây gổ bột phát và kích thích mối quan tâm tới môi trường xung quanh, tính hiếu kỳ dẫn tới sự đam mê khám phá kiến thức và thế giới. “Nhờ thế, khả năng tập trung, mức độ chú ý quan tâm – những yếu tố cần thiết để não bộ xử lý và ghi nhớ những kiến thức trên lớp – được gia tăng.

Xem tranh giúp trẻ em thông minh hơn ảnh 2

Những nghiên cứu của GS Michael Posner cho thấy, những tiết học thông qua phân tích tranh của các danh họa là những bài tập “thể dục” đối với những tế bào chất xám của học sinh. “Sự tiếp cận với hội họa hay điêu khắc còn làm gia tăng “sức khỏe” của não ở tuổi trung niên” – Chuyên gia tâm lý, GS Jerzy Vetulani thuộc Chi nhánh Viện Hàn lâm khoa học Ba lan tại Krakow khẳng định tại Hội nghị khoa học về “Khoa học và Nghệ thuật” diễn ra đầu tháng 10 vừa qua tại Ba Lan. Ông đã giới thiệu nhiều kết quả khảo cứu về thần kinh cho thấy, não càng khỏe, càng nhiều khả năng sáng tạo, khi càng được tiếp cận thường xuyên với những tác phẩm hội họa hay điêu khắc nổi tiếng. Chính cảm nhận chủ quan về cái đẹp trong thưởng thức hội họa là yếu tố “xúc tác” tích cực thúc đẩy trí tuệ làm việc nhiều hơn và hiệu quả hơn.

Hai chuyên gia Sinh học thần kinh GS Hideaki Kawwabata và GS Semir Zeki thuộc Đại học London (Anh) đã tiến hành những nghiên cứu về phản ứng của não với cái đẹp : cho 10 sinh viên tự do xem những tác phẩm hội họa nổi tiếng về phong cảnh, thiên nhiên và chân dung và sau đó phỏng vấn cảm tưởng. Thông qua thiết bị cộng hưởng từ hiện đại, các nhà khoa học dễ dàng nhận ra hiện tượng thú vị: khi tác phẩm được đáng giá là đẹp thì vùng não thùy trán trước (orbital cortex) được kích hoạt mạnh mẽ; trái lại vùng vỏ não vận động ( motor cortex) được kích hoạt – trường hợp bị coi là không đẹp.

“Não phản ứng với cái xấu như mối đe dọa – kích hoạt vùng vỏ não vận động để sẵn sàng “trốn chạy”. Ngược lại, cảm nhận cái đẹp liên quan chặt chẽ với sự phân tích hợp lý và tư duy tích cực” – GS Jerzy Vetulani kết luận.

Vũng vỏ não trước trán là phần trẻ nhất của não bộ trong quá trình tiến hóa được coi là trung tâm của lý trí. Trung tâm cảm nhận cái đẹp nằm trong phần này của não và láng giềng với những trung tâm khác chịu trách nhiệm về những chức năng trí tuệ cho thấy cảm nhận cái đẹp từ những tác phẩm nghệ thuật tác động tích cực thế nào tới hoạt động trí tuệ của não. Bởi những tác phẩm nghệ thuật danh tiếng đã kích hoạt không chỉ trung tâm cảm nhận cái đẹp mà còn các vùng xung quanh như vùng chịu trách nhiệm giải các bài toán thuộc lĩnh vực toán học, vật lý hay hóa học. “Điều đó có nghĩa, tiếp cận với nghệ thuật không chỉ phát huy tác dụng làm gia tăng cường độ tư duy, mà còn cải thiện khả năng tập trung, chú ý và ghi nhớ” - GS Jerzy Vetulani phát biểu.

Ông cũng cho biết, tìm kiếm cái đẹp trong các tác phẩm nghệ thuật không chỉ lệ thuộc vào thời gian tiếp cận với nghệ thuật mà còn phụ thuộc vào hệ gien di truyền của cá thể. Các nhà khoa học đã giải mã được hai loại gien mã hóa enzym MAO và COMT, có tác động tới óc cảm nhận thẩm mỹ và sự nhạy cảm nghệ thuật. Các enzym này có chức năng điều tiết hàm lượng dopamine trong não. Những người có gien tạo hàm lượng dopamine cao, não của họ làm việc hiệu suất hơn và nhạy cảm với nghệ thuật so với đối tượng đối chứng.

Tuy nhiên, không lệ thuộc vào hàm lượng dopamine trong não – theo GS Jerzy Vetulani, có thế tạo được khả năng nhạy cảm nghệ thuật qua những bài tập thể dục cho não thông qua phân tích những tác phẩm hội họa, như trường hợp bức tranh ảo ảnh quang học “Vava” của nhà tâm lý học người Đan Mạch Edgar Rubin. Khi tập trung xem tranh, chiếc bình sẽ biến thành hai khuôn mặt đối diện nhau. Khi nhìn chiếc bình, vùng thùy chẩm được kích hoạt; khi nhìn khuôn mặt thùy thái dương kích hoạt. Nhưng khi nhìn thay đổi chiếc bình thành khuôn mặt và ngược lại thì thùy trán và đỉnh kích hoạt. GS Jerzy Vetulani cho biết, việc xem tranh để tập cho não nhạy cảm và khỏe mạnh giống như chúng ta bơi lội, lúc đó chúng ta vận động hầu như tất cả các cơ. Những bức tranh của trường phái lập thể, siêu thực với nhiều góc cạnh, hình hài ẩn hiện xoắn xuýt lấy nhau thì càng tác động tới não tích cực hơn, huy động tất cả các vùng của não vào hoạt động. “Các họa sĩ trường phái siêu thực, lập thể hay ấn tượng, trừu tượng… có ý thức hoặc vô thức đã vẽ cho chúng ta hàng loạt tác phẩm đóng vai trò “bài tập thể dục” rất hiệu quả cho não. Họ đã biến hội họa thành động lực cho sự tiến bộ khoa học-kỹ thuật “ - chuyên gia sinh học thần kinh Mỹ nổi tiếng, GS Vilayanur Ramachandran khẳng định.

Theo Phạm Quang Thiều
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.