Những kỷ niệm, những ao ước hồi cố quê nhà, là khoảng thời gian đẹp nhất còn đọng lại trong lòng người mỗi khi phải đi xa. Và ngược lại, thật hạnh phúc cho những ai biết nhớ nhung quê hương bản xứ, nhớ những cánh đồng, những ngôi nhà sau lũy tre làng…
Đó là những nỗi niềm khắc khoải, những bâng khuâng lo nhớ hiu hắt, những kỷ niệm đẹp đẽ thuở ấu thơ ùa về trong lòng những người xa quê. Khi xem tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tùng những tình cảm này được đáp ứng, gợi lên những bàng bạc những xa xăm quê nhà trong màu xanh lam trong tranh của anh. Gợi lên những nỗi buồn man mác rất dễ chịu trong lòng những người xa quê, như được vỗ về, được an ủi bằng ký ức hồi cố. Mỗi một tác phẩm phong cảnh của Tùng, cho dù bằng cách này hay cách khác, thì người họa sĩ đã gửi gắm tâm tư và nỗi lòng của mình về những ký ức, những hoài niệm nhớ thương, về một đời sống hoặc một nơi chốn đã từng sống hay từng đi qua. Những tác phẩm như: Sớm Đông, Đêm Trăng Ấy, Sương Sớm, Ánh Trăng… đã nói rõ giùm ta điều đó.
Họa sĩ thật khéo léo khi thường hay đặt bố cục một hoặc hai ngôi nhà rất nhỏ và lẻ loi trên toan, chưa nói là trong một vài bức ta cảm giác những ngôi nhà rất cô đơn, lạnh lùng hoang vắng, trên những cánh đồng mùa đông xa xa, bên những hàng cây khẳng khiu mùa rụng lá, hay bên những giòng sông xậm màu lạnh. Làm người xem cảm thấy nhớ thương tha thiết những hình bóng quê hương, nơi những mảnh ruộng, nương khoai đã qua mùa gặt, đất đai trơ đồng buồn thiu giữa mênh mông mùa gió chướng. Xem tranh có đôi khi ta cảm giác được cái ươn ướt lạnh dưới bàn chân mỗi lần đi trên cánh đồng rơm rạ khi còn sương sớm. Đôi chỗ đâu đó còn có những bóng cây đơn độc bên ngôi nhà như an ủi, như nương tựa vào nhau để sống, để đi qua với thời gian, để ta thấy đâu đó xa xa bên trong là những người mẹ già bên bếp lửa, với hình ảnh cột khói lam chiều trong mùi rơm khô cháy rất đặc trưng với chỉ những ai lớn lên từ miền quê. Trong một vài bức ta cảm nhận được khoảnh khắc giao mùa của giêng hai, khi trời đất mùa xuân đang có chút vàng ấm áp hiện lên trong tranh, một vài lộc non sắc đỏ được nhấn nhá, làm cho cái nỗi buồn mùa đông kia như được xóa tan đi, cho những hy vọng, những ấm áp được dịp hiện lên trong gam màu xanh lam lạnh lẽo kia.
Ánh trăng |
Trong một mảng khác, người họa sĩ 8x lại đặc tả những góc phố Hà Nội theo cách nhìn khác. Nói đến phố phường Hà Nội thì nhiều họa sĩ đã vẽ, nhưng phố Hà Nội trong tranh Nguyễn Văn Tùng lại nhìn theo một cách khác. Một Hà Nội lịch lãm và rất nhẹ nhàng, thanh cảnh hơn như nhớ về một thời Tràng An xa vắng. Những mảng tường vàng úa trong vệt nắng chiều in bóng hanh hao còn sót lại, bên đường những chiếc ghế cũ chỏng chơ của cô hàng nước, xa xa là những chú chim câu đang thong thả trên đầu hồi mái nhà, hay lang thang đâu đó bên những ô cửa sổ. Góc kia là những cây bàng khẳng khiu cùng vài đọt lá non chớm đỏ trên bầu trời, phía xa trên cao là những ô cửa sổ được khép kín với những màu sơn xanh dương đặc trưng của một thời. Phố xá trong tranh của họa sĩ này dễ làm xao xuyến cho những ai khi đã ít nhiều sống qua với Hà Nội, nhớ những quán cóc, nhớ bóng dáng những cột điện đặc trưng cũ kỹ một thời. Làm cho Hà Nội trong tranh của Nguyễn Văn Tùng gợi nhớ nhiều hơn về kỷ niệm những ngày rong ruổi qua các ngõ ngách phố phường, nhớ hàng quán, nhớ tiếng rao, nhớ những gánh hàng hoa trong phố…
Nắng Nhẹ |
Có lẽ hai gam màu được họa sĩ dùng nhiều nhất là màu vàng đất và màu xanh xám trong tranh, đặc biệt những bức tranh với gam màu lạnh dễ làm người xem ấn tượng và nhớ nhiều, bởi những người xa xứ luôn có trong mình sẵn một nỗi nhớ nhà, nhớ quê mỗi khi có dịp, khi xem tranh của Tùng ta cảm giác như được an ủi, được ấm lòng thỏa mãn một chút nỗi nhớ quê nhà.
Bến sông |
Nhà, có lẽ là đề tài được người họa sĩ sinh năm 1984 này khai thác nhiều nhất và ấn tượng nhất cho đến nay. Bởi lẽ khi chấp bút, là anh đã mở cõi lòng mình để thả trôi theo thời gian, không gian và kỷ niệm đẹp nhất, ấn tượng nhất để đưa nó lên tranh, để rồi người xem tranh có cái để mà bồi hồi, mà thương nhớ những rơm rạ, hay in dấu một góc phố phường trong lòng người xa xứ.