TPO - Chiều 11/3 (2 tháng 2 Âm lịch), người dân làng Đường Yên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội kén rể với nhiều nghi thức và trò chơi dân gian độc đáo như câu ếch, bắt lươn, kéo cày... nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa
Đường Yên là một ngôi làng cổ, nằm cạnh con sông Cà Lồ, xưa kia có tên là Trang Kim Hoa, tên Nôm là Kim Con. Tương truyền lễ hội kén rể làng Đường Yên có từ hàng ngàn năm nay, lễ hội tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 2 Âm lịch và được phục dựng lại từ năm 2001, sau 60 năm thất truyền.
Khởi nguồn lễ hội là câu chuyện về người con gái có tên Lê Hoa, còn gọi là Ả Lự. Khi xưa, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc phương Bắc. Ở tuổi 18, nàng Hoa không chịu lấy chồng mà quyết theo Hai Bà đánh giặc. Bà trở thành nữ tướng đắc lực của Hai Bà Trưng, được phong là Nữ sử anh phong, có tài liệu nói bà được phong là nữ tướng mưu thần, giúp Hai Bà tìm hiểu tình hình quân địch và bày binh bố trận, đánh tan Tô Định.
Sau chiến thắng, Hai Bà lên ngôi Vương, thu phục 65 thành trì của giặc. Tướng Lê Hoa được Hai Bà Trưng phong làm tri huyện huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Tại đây, tướng bà Lê Hoa mở hội kén rể. Khi đất nước thanh bình, nữ tướng Lê Hoa phải làm tròn bổn phận của người con gái là lấy chồng. Lễ hội kén rể ra đời từ đó.
|
Chiều 11/3 (mùng 2 tháng 2 Âm lịch), người dân làng Đường Yên (thôn Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội “kén rể" như mọi năm nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa. |
|
Sân đình chật kín người dân trong xã và du khách bốn phương đến tham dự lễ hội. |
|
Mở đầu là màn vinh quy bái tổ. Một đoàn người rước kiệu bà Lê Hoa đi từ cổng làng vào sân đình, hai bên có các bô lão trong làng đón “Đức Thánh Bà” xuống kiệu “Đức Thánh Bà” chắp tay trước ngực. |
|
Trước khi lễ hội Kén rể diễn ra, việc chọn người tham gia được chuẩn bị kỹ lưỡng. Người đóng vai mẹ của nữ tướng Lê Hoa phải là người đẹp song toàn, gia đình ổn định; người đóng vai nữ tướng Lê Hoa và 2 chàng rể phải là trai thanh gái lịch, chưa có gia đình. |
|
Màn múa cờ, múa kiếm thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Múa cờ thần tượng trưng cho các đạo quân của Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc đông Hán. Múa kiếm là thể hiện uy lực của các đạo quân Hai Bà Trưng. |
|
Nguyễn Diệp Trúc, năm nay 20 tuổi là thiếu nữ trong thôn được lựa chọn để hóa thân thành nữ tướng Lê Hoa, vị nữ anh hùng sau khi phò tá Hai Bà Trưng thắng trận đã trở về quê nhà mở hội đua tài canh nông và kén rể. "Mặc dù đã phải tập luyện múa kiếm, hóa thân hơn một tháng cho vai diễn ngày hôm nay nhưng em vẫn cảm thấy hồi hộp, xúc động và tự hào khi được chọn làm nữ tướng Lê Hoa năm nay", Trúc chia sẻ. |
|
Những người đóng vai “chàng rể” chia làm hai phe Bắc và Hậu. Mỗi phe sẽ cử ra 1 chàng trai đại diện để thi đấu. Các chàng trai phải trải qua các phần thi: Thi cày, thi câu ếch, bắt chạch trong chum và thi chõng chó (chọc cho chó sủa). Phần thi đầu tiên “Thi cày” trên sân gạch, phần thi này thu hút nhiều du khách, vì đòi hỏi hai người đóng giả trâu và người cày cũng như người dẫn đường phải hết sức thông minh và khéo léo. |
|
Thi câu ếch, người đóng giả làm ếch là các em nhỏ. Ban giám khảo sẽ chấm điểm cao cho những “chú ếch” nhảy khỏe, nhảy nhanh. |
|
Nam nhân thể hiện trong phần thi chõng chó (chọc cho chó sủa). |
|
Phần thi bắt chạch trong chum luôn luôn là phần thi hấp dẫn nhất. Phần thi thể hiện sự hòa hợp âm dương với mong muốn vạn vật sinh sôi, tươi tốt. |
|
Gia đình nữ tướng Lê Hoa tuyên bố kết quả kén rể. |
|
Trải qua 4 phần thi giữa phe Bắc và phe Hậu, lễ hội đã tìm được người xứng đáng làm phu quân của nữ tướng Lê Hoa là chàng trai đến từ phe Hậu. |
|
Người chiến thắng tại lễ hội kén rể sẽ được phát áo lụa gấm và làm lễ bái tổ cùng nữ tướng Lê Hoa. |
|
Lễ hội khép lại với màn múa hát chúc mừng cho đôi phu thê đã nên duyên. Đây là dịp để dân làng và du khách các nơi có dịp ôn lại truyền thống lịch sử, giúp thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy và thể hiện tình yêu quê hương đất nước. |
Duy Phạm