Thị trường xe sang Việt Nam nửa đầu 2018: 'Kẻ khóc người cười'

Lexus đang gặp khó khăn khi nhập khẩu các mẫu xe về Việt Nam. Ảnh: Consumer Reports.
Lexus đang gặp khó khăn khi nhập khẩu các mẫu xe về Việt Nam. Ảnh: Consumer Reports.
TPO - Trong 6 tháng đầu năm, thị trường xe sang Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, hầu hết các ông lớn đều gặp phải những vấn đề về nhập khẩu nhưng với việc lắp ráp nhiều mẫu xe, Mercedes-Benz vẫn có mức tăng trưởng 6%.

Thị trường xe phổ thông Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 đã có nhiều biến động, và thị trường xe sang cũng vậy.

Ở Việt Nam có khá nhiều hãng xe sang nhưng doanh số chỉ tập trung nhiều vào 4 hãng lớn: Mercedes-Benz, BMW, Audi và Lexus.

Hiện tại, trong số các hãng xe sang lớn, chỉ có Mercedes-Benz đặt nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Trong bối cảnh xe nhập khan hiếm, nguồn cung chủ động và dồi dào đã mang lại doanh số và thị phần tốt cho liên doanh xe Đức.

Mercedes-Benz đang lắp ráp 4 mẫu xe gồm C-Class, E-Class, S-Class và GLC. Đây là các mẫu xe chủ lực của hãng xe sang Đức và giúp họ có doanh số bán xe khá ổn định tại Việt Nam với 2.942 chiếc bán ra nửa đầu năm nay, trải đều cho từng tháng.

Thị trường xe sang Việt Nam nửa đầu 2018: 'Kẻ khóc người cười' ảnh 1 Nhiều mẫu xe Mercedes bán tốt ở Việt Nam nhờ nguồn cung không bị ảnh hưởng.

Mercedes-Benz cũng là hãng xe sang duy nhất có mức tăng trưởng 6% trong 6 tháng đầu năm nay. Theo công bố của Mercedes-Benz Việt Nam, trong số những chiếc xe họ bán được, có hơn 60% là các mẫu GLC và C-Class. Đặc biệt, dòng SUV GLC đã đạt được doanh số 5.000 chiếc sau 2 năm tại thị trường Việt Nam.

Về mặt nhập khẩu xe, ông Choi Duk Jun - Tổng Giám Đốc của Mercedes-Benz Việt Nam - ngày 18/7 tại triển lãm Mercedes-Benz Fascination, cho biết hãng xe Đức đang gặp vấn đề khi mẫu xe S-Class và Maybach bàn giao chậm 6 tháng thậm chí đến 1 năm. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định hãng đang cố gắng đưa các mẫu xe về Việt Nam: "Thời gian qua, chúng tôi đã có những bước tiến nhất định, và hy vọng sẽ nhận được các xe nhập khẩu về sớm."

Nếu như Mercedes-Benz Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xe nhập khẩu thì những hãng xe sang khác lại khá đau đầu với nguồn cung xe.

Với Lexus, thương hiệu xe sang của Toyota, 6 tháng đầu năm 2018 thực sự đã trở thành "ác mộng" của họ. Doanh số của Lexus chủ yếu tập trung trong tháng 1 với 80 chiếc được bán ra, những tháng còn lại hãng chỉ bán được dưới 2 chiếc, có nhiều tháng không bán được chiếc nào. Nguyên nhân chủ yếu cho vấn đề này vẫn là do Lexus chưa nhập khẩu thêm xe về được.

Thị trường xe sang Việt Nam nửa đầu 2018: 'Kẻ khóc người cười' ảnh 2 Trong khi những thương hiệu nhập khẩu khác lại gặp ác mộng với vấn đề nhập xe.

Với rất nhiều chi phí để duy trì cho hoạt động kinh doanh, việc không nhập được xe về bán được cho đã gây thiệt hại khá lớn cho đơn vị nhập khẩu. Một số nhân sự kinh doanh sau thời gian được đào tạo bài bản nhưng không chờ đợi được cũng đã chuyển việc khá nhiều. Đến thời điểm hiện tại, thời gian để đưa các mẫu Lexus chính hãng về Việt Nam hiện vẫn chưa được công bố.

Một số thương hiệu xe sang nhập khẩu khác như BMW, Audi, Porsche cũng trong tình trạng không đưa được xe về hoặc xe đã về nhưng số lượng ít, chưa thông quan.

Theo đại diện Hải quan khu vực III, TP.HCM, hồi tháng 5, số lượng xe Porsche thông quan tại cảng VICT với số lượng cũng khá hạn chế, chỉ vài chục xe. Trong khi đó, tại cảng Hiệp Phước, một số mẫu xe sang Audi khoảng hơn 100 xe đã được đưa về cảng nhưng chưa thông quan.

Sau lô hàng hơn 300 xe đưa về nước hồi cuối năm 2017, trong 6 tháng đầu 2018, nhà phân phối BMW tại Việt Nam vẫn chưa mang thêm lô xe mới về nước.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện nhà phân phối xe BMW cho biết do phải tuân thủ Nghị định 116 nên thương hiệu BMW vẫn phải hoàn tất các thủ tục để nhập xe về bán. Nửa đầu 2018 không có xe được đưa về nhưng một số lượng lớn xe BMW, MINI đang trên đường về để phục vụ thị trường trong nửa cuối 2018.

MỚI - NÓNG