Bức ảnh gây sốt trên mạng. |
Mê cuộc sống Việt
“Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan- Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”, Adi giới thiệu về quê hương của mình bằng cách đọc thơ. Adi cho biết, một số tờ báo mạng viết anh học ngành ngữ văn Việt- Thái ở ĐH Hà Nội nhưng không phải, đó là ngành học của Adi tại trường ĐH Tổng hợp Adam Mickiewicz, thành phố Poznan (Ba Lan).
Cuối năm 2009 đến tháng 6 năm 2010, Adi có học bổng sang Việt Nam học tiếng Việt tại ĐH Hà Nội. Hơn một năm ở đất Việt đã làm thay đổi quan điểm và cách sống của Adi.
“Tôi đã bị cuộc sống ở Việt Nam mê hoặc. Trở về nước để làm luận văn tốt nghiệp xong, tôi tìm cách quay lại Việt Nam ngay. Tôi muốn lập nghiệp ở đất nước mến khách này”, Adi nói.
Không có tiền, Adi đã dành cả mùa hè năm 2011 để làm thêm kiếm tiền mua vé máy bay sang Việt Nam. Anh cũng gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục gia đình.
“Vì tôi là con một, mẹ lo lắng khi tôi sống xa nhà. Tôi đã tranh cãi với mẹ nhiều để bảo vệ quyết định của mình. Cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho tôi sống ở Việt Nam”, Adi kể. Anh vay bố 1.700 USD để làm hành trang lập nghiệp ở Việt Nam và hứa sẽ gửi lại trả bố số tiền đó vào cuối năm nay.
Hỏi điều gì ở Việt Nam thôi thúc anh mau chóng trở lại, Adi cười bảo, anh thích cuộc sống chậm, thích sự thân thiện của con người nơi đây. Ở Việt Nam, anh thấy sống thoải mái và có nhiều cơ hội để phát triển.
“Khí hậu ở nước tôi dường như cũng ảnh hưởng tới tính cách của người Ba Lan. Họ khá lạnh lùng, khác với sự nhiệt tình, cởi mở của người Việt. Cho dù nghèo hay giàu, người Việt đều sẵn sàng giúp đỡ người nước ngoài nếu họ gặp khó khăn”, Adi nói.
Anh cũng thích không gian cổ kính, thời tiết bốn mùa ở Hà Nội, thích những quán trà đá, quán bia hơi hay quán ăn ở vỉa hè. “Ở vỉa hè, tôi biết được nhiều nét văn hóa của người Việt. Điều này rất đặc biệt mà Ba Lan không có được. Để mở một cửa hàng, người Ba Lan mất một năm làm các thủ tục, xin phép giấy đăng ký...”, Adi cho hay.
"Cuộc sống ở Hà Nội sẽ tuyệt vời hơn nếu không có cảnh tắc đường. Đi xe máy ở Hà Nội không khó, quan trọng là thuộc đường và tôi đã thuộc được nhiều đường sau thời gian dài sống ở đây. Năm ngoái tôi gặp số đen, bị tai nạn xe máy ở đường Nguyễn Trãi, điều này cũng cho tôi thêm kinh nghiệm khi điều khiển xe ở Hà Nội” - Adi nói. |
Hơn một năm học ở Việt Nam, Adi muốn gắn bó lâu dài và định cư ở vùng đất đặc biệt này. Nhưng lập nghiệp ở Việt Nam với Adi ban đầu không đơn giản. Ngày mới trở lại, anh gửi thư khắp các trường, trung tâm Anh ngữ xin làm giáo viên tiếng Anh. Nhưng đợi dài, đợi mãi, anh không nhận được phản hồi nào. Có những phút chán nản, bi quan, nhưng nhờ sự động viên của bạn bè, Adi lại kiên nhẫn tìm kiếm cơ hội.
Hơn một tháng miệt mài xin việc, Adi được nhận làm giáo viên tiếng Anh ở một trung tâm Anh ngữ. Thời gian sau, qua bạn bè, anh được giới thiệu cộng tác với một số đài truyền hình. Anh bén duyên nghề báo, làm truyền hình từ đây.
“Hiện tôi làm đạo diễn kiêm biên tập viên, MC cho một chương trình mang tên Một ngày làm người Việt của đài VTC và cộng tác một số chương trình khác”, Adi cho biết.
Trước đó Adi cũng đã từng viết báo bằng tiếng Việt ở Ba Lan cho tờ Quê hương với bài Những lời khuyên cho người Việt mới sang Ba Lan, hướng dẫn người Việt cách thích nghi cuộc sống, cách tìm nhà trọ, tìm việc... hay viết cho tờ Giáo dục- thời đại bài Chuyện ngôn ngữ 9X... Dường như Adi có duyên với nghề báo.
Adi (phải) làm ông đồ tại Văn Miếu. Ảnh: Lê Ngọc. |
Xe ôm Tây nhiều tài lẻ
Adi nổi đình đám trên cộng đồng mạng với hình ảnh làm xe ôm Tây ở cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) thời gian vừa qua. Cư dân mạng săn tìm anh trên mạng xã hội, nhưng Facebook của Adi khoá, không thể tìm kiếm được thông tin.
Chia sẻ về câu chuyện bỗng dưng nổi tiếng, Adi cười nói, đó là một nội dung trong chương trình truyền hình Camera giấu kín mà Adi tham gia. Ở chương trình đó, Adi có hai ngày làm xe ôm Tây quanh khu vực đường Ngô Quyền. Trong hai ngày Adi kiếm được 170.000 đồng tiền công. Lần đầu làm xe ôm, anh không ra giá, mà để khách đi trả tùy tâm.
Làm xe ôm Tây chắc dễ đón khách hơn vì lạ? Adi bật lại câu hỏi của phóng viên: Thật ra là rất khó. Xe ôm Tây khiến khách nghi ngờ, dò xét, sợ những điều không bình thường có thể xảy ra nên họ không dám đi.
Anh kể: “Để hành nghề, tôi phải tán nhiều: Em ơi đi xe ôm không?Tiện mà, thoải mái mà- Không, thích đi xe bus hơn- Xe bus rất nhiều người- Nhưng xe bus có điều hoà- Xe ôm có điều hoà là gió trời thích hơn...Cứ như thế, tôi mất khá nhiều công để mời khách. Có lần đứng ở bến xe Kim Mã, tôi mất 20 phút tán chuyện, một cô gái mới đồng ý đi xe ôm”.
Sau chương trình, thấy công việc này cũng thú vị, Adi quyết định làm xe ôm thật tại cổng Học viện Báo chí Tuyên truyền (đường Xuân Thủy) cho vui. “Cũng có 5 khách trong lần hành nghề thật, làm tôi rất thích. Khi nào rảnh, tôi sẽ đi làm xe ôm, chỉ cần đủ tiền xăng thôi, nhưng sẽ cho tôi nhiều trải nghiệm, khám phá”, Adi hào hứng nói.
Bán báo dạo
Không chỉ làm xe ôm, Adi còn thử làm ông đồ, làm người bán báo dạo và có tài xem bói bằng bài tây. Adi học thư pháp từ một cụ già 100 tuổi ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Học cách dùng bút lông, cách viết, Adi đã biết viết chữ Quốc ngữ tặng một số khách.
“Có lần một đôi nam nữ đi chụp ảnh cưới ở Văn Miếu, họ xin tôi chữ, tôi đã tặng họ một chữ đặc biệt. Đó là chữ Ba Lan- Szczes’cie có hai ý nghĩa Hạnh phúc và May mắn trong một từ. Họ rất vui và tôi cũng vậy”, Adi kể.
Thích nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam, sắp tới Adi sẽ dành thời gian học thư pháp, đọc truyền Kiều, tìm hiểu sâu về văn hóa Việt Nam.
Nói tiếng Việt tốt, lại khéo, Adi đã tận dụng thế mạnh này khi đi bán báo dạo trong chương trình Camera giấu kín. Bắt đầu ngày bán báo dạo từ 5 giờ sáng, lên phố Tràng Tiền mua hơn 100 tờ báo và đi bán dạo ở phố Hồ Đắc Di, đến 1h30 chiều Adi bán hết báo. Adi cho biết, công việc này khá khó và cũng mất nhiều công sức, anh phải đi chào từng khách ngồi quán cà phê.
“Chào anh, anh mua báo đi- Anh không thích đọc báo giấy- Tại sao, đọc báo giấy tiện mà, đọc báo mạng không tốt cho mắt. Anh mua ủng hộ sinh viên nghèo đi”...Cứ vậy, tôi thực hiện rất nhiều đoạn hội thoại mời chào để bán được tờ báo. Đi bán báo dạo, tôi thấy cần có tính kiên nhẫn và kiên trì”, Adi chia sẻ.
Có nhiều trải nghiệm thú vị với công việc, Adi muốn thời gian tới làm tốt công việc ở đài truyền hình và kế hoạch dài hơi sẽ định cư ở Việt Nam, tương lai muốn làm chàng rể của người Việt.