> TPHCM mở tuyến xe buýt 'xanh'
Sẵn sàng lăn bánh
Giữa năm 2010, TPHCM đã đưa vao hoạt động thí điểm 2 xe buýt chạy bằng khí CNG tuyến Miền Tây - Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Kết quả cho thấy, xe buýt CNG cắt giảm các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường đến 80% và tiết kiệm 30 - 40% chi phí nhiên liệu so với loại xe chạy bằng dầu diesel. Cụ thể: Loại xe sử dụng dầu diesel chạy 100 km tiêu tốn khoảng 500.000 đồng, trong khi loại xe sử dụng CNG chỉ tiêu tốn khoảng 340.000 đồng.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty xe khách Sài Gòn Nguyễn Tuấn Việt, tổng vốn đầu tư mua mới 21 xe buýt CNG khoảng 50 tỷ đồng, do Công ty Đầu tư tài chính thành phố cho vay ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách. Hiện nay, trạm tiếp nhiên liệu khí CNG đã được đầu tư xây dựng trong bãi hậu cần của Công ty Xe khách Sài Gòn trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình) và một trạm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh). Khí CNG do Công ty Cổ phần khí hóa lỏng miền Nam cung cấp.
Thạc sỹ Lê Trung Tính, Trưởng Phòng Quản lý vận tải công nghiệp (Sở GTVT TPHCM) cho biết, Sở GTVT sẽ kết hợp với Tập đoàn Dầu khí VN xây dựng thêm các trạm cung cấp nhiên liệu khí nén CNG để phát triển hệ thống xe buýt sạch. Xe buýt CNG sẽ từng bước thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu…
Ngoài ra, kể từ ngày 24-8, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh BRT (có trợ giá) lộ trình Bến Thành - Bến xe Miền Tây (mã số 39) dài gần 17 km. Đây là tuyến xe buýt có công suất vận chuyển lớn, chủ yếu đi trên đại lộ Võ Văn Kiệt nhằm rút ngắn thời gian hành trình (50 phút), góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Phương tiện hoạt động trên tuyến là loại xe sàn thấp 80 chỗ, được lắp đặt các thiết bị hiện đại như: thùng vé bán tự động, camera, thiết bị giám sát hành trình, hệ thống thông báo trạm tự động…Mỗi ngày sẽ có 140 chuyến xe, trong đó chuyến đầu tiên xuất bến lúc 5 giờ, kết thúc vào lúc 20 giờ hàng ngày. Giá vé 4 nghìn đồng/lượt khách.
Chưa hết trắc trở
Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM dự kiến sẽ đầu tư thay thế 29 xe buýt cũ trong năm 2011 bằng xe buýt CNG và đề nghị UBND TPHCM có cơ chế hỗ trợ. Mới đây, Sở Tài chính có công văn không chấp thuận đề nghị của Liên hiệp HTX vận tải đưa ra. Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải, Sở Tài chính TPHCM cho rằng đề nghị của Liên hiệp về việc được hưởng mức trợ giá xe buýt sử dụng khí CNG tương đương xe buýt chạy bằng dầu diesel là chưa phù hợp. Tính năng vận hành, định mức tiêu hao nhiên liệu… của xe buýt CNG khác với xe buýt chạy bằng dầu diesel nên đơn giá hỗ trợ (trợ giá) sẽ khác nhau.
Theo ông Lê Trung Tính, Sở GTVT đang đề nghị UBND TPHCM sớm xem xét chấp thuận cho hưởng khoản chênh lệch về chi phí nhiên liệu CNG và Diesel để khuyến khích Liên hiệp HTX vận tải đầu tư thêm khoảng 50-100 xe buýt CNG/năm thay thế xe buýt cũ hiện nay. “Đây là một chủ trương nhỏ mang lại kết quả lớn. Vì theo số liệu mà chúng tôi có được, ngành GTVT ở Úc cũng đã thực hiện chủ trương này từ khá lâu. Ở Hàn Quốc, những nhà đầu tư xe CNG được nhà nước hỗ trợ chi phí mua xe 22.000 USD/chiếc, hỗ trợ chi phí chuyên chở cho trạm cung cấp gas 0,3USD/m3, miễn thuế thu nhập và thuế trị giá gia tăng VAT”, ông Tính khẳng định.
Theo ông Tính, đến đầu tháng 8-2011, TPHCM đã lắp hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho 210 xe đang hoạt động tại 11 tuyến xe buýt. Sở GTVT đề ra mục tiêu đến 31-12 tới hoàn tất lắp đặt GPS khoảng 3.000 xe buýt còn lại để giám sát hành trình di chuyển và chất lượng phục vụ khách.