Điện về nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo
Chia sẻ tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngành Công Thương giai đoạn 2010 – 2020, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, trong giai đoạn 2011-2020, ngành công thương triển khai 2 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới gồm: Tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn). Trong giai đoạn này, mặc dù gặp không ít thách thức, nhưng với quyết tâm của Bộ Công Thương, các Tập đoàn kinh tế và chung tay đồng thuận từ phía người dân, chương trình đã đạt được những kết quả có ý nghĩa quan trọng.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đến cuối năm 2018, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn bán điện trực tiếp của gần 6.000 xã, với hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện của các xã sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng. Đến nay, EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072/8.902 xã (khoảng 90,7%) trên cả nước đạt tiêu chí số 4 về Nông thôn mới, tăng gần 46% so với năm 2010 và tăng 8,3% so với thời điểm năm 2015. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới về điện.
Song song với việc tiếp nhận quản lý bán điện trên đất liền, EVN đã hoàn thành việc tiếp nhận quản lý và bán điện tại 11/12 huyện đảo gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục 24/24h đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ cho người dân trên các đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh chính trị và xã hội.
”Từ khi tiếp nhận bán điện trực tiếp, EVN đã bù lỗ gần 1.500 tỷ đồng cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ có giá thành sản xuất điện cao hơn rất nhiều so với giá bán điện đến các hộ dân. Việc cấp điện cho các hộ dân nông thôn, miền núi và hải đảo đã tạo động lực xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay.
Cần tiếp tục gỡ khó nút thắt về vốn
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, Trong 10 năm triển khai tiêu chí số 4, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn do đặc thù lưới điện nông thôn trải trên địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, có những nơi chưa có đường giao thông, nhiều hộ dân sinh sống rải rác. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình lưới điện mới ngày càng khó khăn, đặc biệt là lưới truyền tải điện 220/110 kV.
Theo ông Lâm, trong giai đoạn tới, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện được mục tiêu của Chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013-2020” theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Chính phủ và Quyết định 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018. Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi và có chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho EVN để thực hiện các dự án đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn, đáp ứng được mục tiêu của Chương trình đề ra.
EVN đề nghị UBND các tỉnh cũng cần ưu tiên bố trí vốn ngân sách hàng năm của tỉnh để thực hiện đầu tư cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, khi ngân sách trung ương chưa bố trí vốn, do các dự án cấp điện theo Chương trình này mang tính công ích, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội nên không thể vay vốn thương mại để đầu tư.
“EVN kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh có kế hoạch và thống nhất danh mục các xã xây dựng nông thôn mới đồng bộ các nguồn lực để thực hiện tập trung 19 tiêu chí, sử dụng kết hợp các nguồn vốn có hiệu quả trong bối cảnh các nguồn vốn đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, vận động các hộ dân tự nguyện tham gia giải phóng mặt bằng để có thêm vốn đầu tư xây dựng mới lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các xã. Bên cạnh đó, EVN và các đơn vị cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân trong việc phát quang hành lang an toàn lưới điện, vận động người dân không trồng các cây nhanh phát triển dưới đường dây hiện hữu”, ông Lâm cho hay.
EVN và hành trình cấp điện nông thôn trong các năm qua
Đến năm 2019, EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072/8.902 xã (khoảng 90,7%) trên cả nước đạt tiêu chí số 4 về Nông thôn mới, tăng gần 46% so với năm 2010 và tăng 8,3% so với thời điểm năm 2015.
Với vai trò chủ lực, nòng cốt trong nhiệm vụ này, EVN và các đơn vị thành viên đã:
Huy động hơn 81.700 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn để đầu tư nâng cấp hệ thống điện nông thôn.
Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với tổng số gần 6.000 xã (do các tổ chức quản lý điện địa phương không đủ năng lực quản lý).
Đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng để cải tạo lưới điện sau tiếp nhận.
Tiếp nhận quản lý, bán điện trực tiếp tới hơn 6,2 triệu hộ dân nông thôn (từ các tổ chức quản lý điện địa phương nói trên), đảm bảo cho các hộ được sử dụng điện chất lượng, an toàn, ổn định và mua điện theo đúng giá quy định của Nhà nước.
Tiếp nhận quản lý và bán điện tại 11/12 huyện đảo, đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục 24/24h phục vụ nhân dân trên các đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh chính trị và xã hội.
Bù lỗ gần 1.500 tỷ đồng cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ (do giá thành sản xuất điện đắt hơn nhiều so với giá bán điện đến các hộ dân).