Xây dựng Hải quan Việt Nam ngang tầm các nước phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đã xây dựng hệ thống các giải pháp đầy đủ, toàn diện, bao trùm, khả thi với các trụ cột chính là thể chế, nghiệp vụ hải quan, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực. Toàn ngành Hải quan quyết tâm xây dựng lực lượng chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Hiện đại hóa toàn diện hải quan

Theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022, xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Cùng với đó là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan; quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Xây dựng Hải quan Việt Nam ngang tầm các nước phát triển  ảnh 1

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn chủ trì cuộc họp về Hải quan số, Hải quan thông minh ngày 6/9/2021. Ảnh: TCHQ

Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã phê duyệt “Chủ trương xây dựng mô hình hải quan thông minh là phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật trên thế giới và tại Việt Nam”. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài chính ký Quyết định 97/QĐ-BTC phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số”. Việc thực hiện thành công mô hình hải quan thông minh sẽ tạo ra bước đột phá và nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.

Để thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1854/QĐ-BTC ngày 16/9/2022 phê duyệt chương trình hành động. Trong đó, có 6 điểm quan trọng đã được chỉ ra.

Đầu tiên là phát triển hải quan phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; tuân thủ các quy định của pháp luật; đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chương trình cải cách nền hành chính nhà nước; theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế về phát triển hải quan; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Xây dựng Hải quan Việt Nam ngang tầm các nước phát triển  ảnh 2

Công chức Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa của doanh nghiệp tại cảng. Ảnh: TCHQ

Tiếp đó là phát triển hải quan nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả; thực thi đầy đủ, toàn diện các cam kết quốc tế về thuế xuất nhập khẩu, hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Phát triển hải quan trên cơ sở kế thừa, phát triển các thành tựu cải cách, hiện đại hóa đã đạt được, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tiếp tục hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Đặc biệt, lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành hải quan làm nền tảng cho phát triển hải quan trong thời kỳ mới; tập trung đầu tư để hiện đại hóa hải quan tại các vùng, địa bàn trọng điểm, có tính đến sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng, địa bàn đảm bảo sự phát triển, hiện đại hóa chung của Hải quan Việt Nam.

Theo Tổng cục phó Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, để đạt được mục tiêu đặt ra, Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đã xây dựng hệ thống các giải pháp đầy đủ, toàn diện, bao trùm, khả thi với các trụ cột chính là thể chế, nghiệp vụ hải quan, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số; hiện đại hóa cơ sở vật chất hợp tác, hội nhập quốc tế về hải quan; hợp tác giữa cơ quan hải quan với các bên liên quan.

Ngành Hải quan đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cốt lõi là hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống e-Manifest (trao đổi thông tin trước khi hàng đến), e-Payments (thanh toán thuế điện tử), e-C/O, e-Permits (thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN), VASSCM (giám sát tự động).

Tinh gọn bộ máy, kỷ cương, chuyên nghiệp

Trong số các mục tiêu ngành Hải quan Việt Nam đặt ra trong chiến lược phát triển đến năm 2030 có một mục tiêu rất quan trọng là đổi mới tổ chức bộ máy với cơ cấu tinh gọn hợp lý, giảm đầu mối trung gian.

Xây dựng Hải quan Việt Nam ngang tầm các nước phát triển  ảnh 3

“Mắt thần” soi chiếu container hàng hóa của ngành Hải quan. Ảnh: TCHQ

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, công tác nội ngành cần tiếp tục chú trọng, trong đó tập trung vào thực hiện liêm chính hải quan; duy trì kỷ cương, kỷ luật; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế của Hải quan Việt Nam.

“Xây dựng đội ngũ CBCC Hải quan các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh nhuệ, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp, có trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động liêm chính… đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại, tổ chức thực hiện thành công Hệ thống Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh...”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Song song với đó, toàn ngành chú trọng công tác rèn luyện, trau dồi về phẩm chất đạo đức, tư tưởng; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ; siết chặt kỷ cương kỷ luật hành chính; thực hiện nghiêm việc sử dụng trang phục… để xây dựng hình ảnh CBCC Hải quan chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.

Tại Hội nghị công tác xây dựng Đảng quý 3, phương hướng nhiệm vụ công tác quý 4/2022, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, công tác xây dựng lực lượng cần bám sát các chủ trương của Đảng, Chính phủ để tổ chức hoạt động nghiệp vụ hải quan, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, cao đẹp, đặc biệt là người đứng đầu gương mẫu.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, 100% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; 100 cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan; 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan Hải quan…

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.