Xây dựng chiến lược để nâng tầm kỹ năng cho lao động Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, trước tiên người lao động (NLĐ) phải có tay nghề cao. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi trên càng trở nên cấp thiết để duy trì việc làm cho người lao động.
Xây dựng chiến lược để nâng tầm kỹ năng cho lao động Việt Nam ảnh 1

Nâng tầm kỹ năng lao động Việt để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sản xuất của nền kinh tế, doanh nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra lấy ý kiến công khai Dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Bộ này cho rằng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2030 đã xác định nhân tố con người là trung tâm, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong những khâu đột phá để hoàn thành các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, hiện Việt Nam có trên 51 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 55% dân số. Tuy nhiên, NLĐ làm trong doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% dân số, và khoảng 27% lực lượng lao động. Dù vậy, công nhân đóng góp trên 75% thu ngân sách và trên 65% GDP đất nước. Việt Nam vẫn trong giai đoạn “dân số vàng”, tạo lợi thế trong hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, NLĐ Việt Nam còn một số hạn chế như chưa qua đào tạo còn cao; thiếu kỹ năng nghề; năng suất lao động thấp; lao động trong khu vực phi chính thức còn lớn; khoảng 90% lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề thấp, lao động giản đơn...

Dẫn tới tình trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, do thiếu cơ chế, chính sách nhằm phát triển kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động; thiếu chính sách khuyến khích sử dụng NLĐ có chứng chỉ, kỹ năng nghề; vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ chưa được thực hiện đầy đủ...

Sau dịch COVID-19, đã xuất hiện xu hướng rút ngắn thời gian làm việc trong tuần của một số nước như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Điều này đòi hỏi phải nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ nhằm chuẩn bị cho những thay đổi thời gian tới, đặc biệt là nâng cao năng suất lao động.

Báo cáo năng suất lao động Việt Nam do Bộ KH&ĐT tiến hành cho thấy, nếu tăng tỷ lệ NLĐ qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ sẽ trực tiếp tăng năng suất lao động; năng suất lao động đóng góp trong tăng trưởng GDP khoảng 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề sẽ đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng.

Tiến tới phổ cập kỹ năng nghề

Dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 xác định, khi thực hiện đề án sẽ mang lại hiệu quả toàn diện cho NLĐ, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Với NLĐ, khi được đào tạo nâng cao tay nghề sẽ có cơ hội tự tạo, tìm, hoặc duy trì việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập và ổn định sinh kế; giảm rủi ro mất việc làm với NLĐ trong quá trình tự động hóa, công nghệ mới thay thế sức người, góp phần đảm bảo việc làm, an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Với doanh nghiệp, khi NLĐ có tay nghề cao sẽ làm tăng năng suất của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao hơn và tạo cạnh tranh, tăng trưởng, mở rộng quy mô; nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, doanh nghiệp phát triển ổn định sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho NLĐ. Do đó, Đề án tập trung các cơ chế, chính sách để doanh nghiệp chủ động dẫn dắt trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề gắn với duy trì việc làm cho NLĐ.

Đối với nền kinh tế, khi tay nghề NLĐ tăng cao sẽ đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ. Phát triển kỹ năng nghề cho NLĐ vừa đáp nhu cầu doanh nghiệp, vừa tiếp nhận các công nghệ mới, tham gia chuỗi giá trị, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

“Việc nâng tầm kỹ năng lao động một cách căn bản, toàn diện có sự đồng hành, gắn kết chặt chẽ của các bên liên quan gồm nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, xã hội và NLĐ. Từ đó tạo động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, xác định mục tiêu tới năm 2030 sẽ chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động; Đảm bảo cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập suốt đời cho trên 70% lực lượng lao động; Đảm bảo trên 90% lao động được chuẩn hóa; Phấn đấu 80% lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, năng lực cơ bản, tiến tới phổ cập.

Định hướng đến năm 2045: Phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bắt kịp/tiến cùng trình độ tiên tiến của thế giới; nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng nghề của lao động Việt Nam vào nhóm 60 nước đứng đầu, góp phần đạt mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao.

MỚI - NÓNG