Dự án trị thủy sông Hồng, TS Đào Trọng Tứ:

Xây 6 đập trên sông Hồng là điều kinh khủng!

TP - TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, nếu mọc 6 đập trên sông Hồng sẽ băm nát sông. Dòng nước sông như dòng máu, nếu bị ngăn lại thì rất kinh khủng.
Nhà đầu tư bỏ 1,1 tỷ USD và được quyền sở hữu, khai thác sông Hồng vô thời hạn? Ảnh: Phạm Thanh

Băm nát dòng sông

Ông thấy thế nào về các mục đích phát triển giao thông kết hợp xây dựng thủy điện của siêu dự án giao thông thủy xuyên Á 1,1 tỷ USD trên sông Hồng (Cty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình)?

Đây là đề án để tăng cường giao thông xuyên Á, nhưng đồng thời xây 6 con đập, các âu tàu, cảng. Không thể hiểu được rằng, tại sao xây đập lại cải tạo được con sông? Ý của họ là sông Hồng đã “chết”? Xây đập nhằm nâng mực nước lên giúp thuyền bè đi lại chỉ là một lý sự. Không thể xây đập, kể cả âu tàu lại cải tạo được giao thông, mà ngược lại nó chỉ cản trở đi lại.

Trong dự án cũng nói tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành thủy sản, nhưng không hiểu cải thiện kiểu gì? Cá đến các đập có mà đập đầu vào mà chết, làm sao đi đâu được nữa. Hơn nữa, sông Thao - dòng chính của sông Hồng - tương đối bằng phẳng, độ dốc không cao, bãi sông rộng, không phải dốc như dự án nói. Độ chênh lệch đáy sông từ Lào Cai xuống Việt Trì độ 50-60 m, trên chiều dài 200 km, như vậy độ dốc quá thấp.

Dự án sẽ “mọc” lên 6 thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang, cột nước thấp với tổng công suất thiết kế là 228 MW. Đây là thủy điện nhỏ. Công suất trên chưa được 1% sản lượng điện của cả nước Việt Nam. Nên nhớ, năm 2013, Việt Nam phải dừng hơn 400 nhà máy thủy điện nhỏ, trung, vừa, vì tác động đến dòng chảy, sinh thái, phá rừng, làm cạn kiệt nguồn ngước ở hạ lưu. Bây giờ, ông lại làm đập trên một con sông lớn, để ông làm thủy điện nhỏ, thì lạ thật.

Bán đứng dòng sông?

Sông Hồng là  dòng sông nuôi Đồng bằng Bắc bộ, xây đập, nạo vét, sẽ ảnh hưởng thế nào đến hệ sinh thái, phù sa của đồng bằng, thưa ông?

TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam.

Hiện phía hạ nguồn sông Hồng bị tác động rất lớn cho vấn đề phát triển. Dự án của Xuân Thiện nói rõ là nạo vét, lấy cát bán đi để mở rộng luồng tuyến thông thủy, nhưng lại xây đập giữ cát, phù sa lại.

Nếu dựng 6 con đập, thì ở dưới chẳng còn gì về mặt môi trường. Dòng chảy, hệ sinh thái cũng thay đổi. Sông mất nhiều phù sa, trở thành dòng sông đói, gây xói lở, đồng bằng nghèo nàn. Thời làm đập ở Hoà Bình, chúng ta đã đánh đổi, khi một lượng phù sa đã bị giữ lại. Giờ con sông “đỏ nặng phù sa” nhất, mà giữ nốt thì còn lại cái gì. Cái này, sẽ làm ngày càng nghèo kiệt đồng bằng đi. Và cuộc sống các hệ sinh thái cây con, sinh cảnh bị thay đổi.

Mặt khác, khi phù sa, phù du giảm, thức ăn các loại thủy sản cũng nghèo. Số loài thủy hải sản ở vịnh Bắc bộ chắc chắn cũng bị ảnh hưởng lớn. Chưa kể, muốn làm thủy điện, ngăn đập anh chứa nước một thời gian. Và chỉ cần thời gian ngắn thôi, nó cũng rất hại rồi. Đó không chỉ là lý thuyết, mà trên tất cả hệ thống thủy điện ở Việt Nam, từ lớn đến nhỏ thực tế đều tác động đến môi trường nhất định.

Nghĩa là, theo ông, siêu dự án trên không khả thi vì nếu thực hiện, chúng ta phải đánh đổi quá nhiều?

Bộ KH&ĐT và Công ty Xuân Thiện nói rằng các bộ, địa phương đồng tình, không biết là đồng tình cái gì. Còn các chuyên gia thì thấy rất lạ lùng. Làm đập liên quan đến tích nước và dòng sông sẽ bị băm nát, vỡ vụn. Nước sông như dòng máu, nếu tưởng tượng chỗ nào cũng chặn lại thì rất kinh khủng.

Đoạn thượng nguồn sông Hồng, đoạn qua Lào Cai. Ảnh: Quang Tú

Muốn chặn sông Hồng, phải có một nghiên cứu tổng thể các mặt và làm nghiêm túc, bài bản. Ở dự án này, anh chỉ mới nhìn nhận ở góc độ kinh tế, chưa nói nhiều đến vấn đề xã hội, môi trường, tâm linh. Có phải đánh đổi một tài sản vô giá của đất nước để lấy cái thực sự là giao thông thủy, điện đóm, sinh thái không? Chúng tôi chẳng nhìn thấy cái gì trong đó cả. Cứ vẽ ra thì người dân hoang mang lắm. Chưa kể, dự án còn làm theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), coi như bán đứng con sông còn gì.

Tôi thấy dự án này mà được duyệt thì lạ đời. Cái này phải nói rõ đề nhà đầu tư nhìn nhận được vấn đề, không thể đánh đổi lợi ích với môi trường con người, cảnh quan, thiên nhiên. Chưa kể, với quy mô dự án trên 24.000 tỷ đồng, còn cần tham vấn Quốc hội, nhân dân.

Xin cảm ơn ông.

Có phải đánh đổi một tài sản vô giá của đất nước để lấy cái thực sự là giao thông thủy, điện đóm, sinh thái không? Chúng tôi chẳng nhìn thấy cái gì trong đó cả. Cứ vẽ ra thì người dân hoang mang lắm. Chưa kể, dự án còn làm theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), coi như bán đứng con sông còn gì.

Thủy điện trên sông Hồng: Chưa phê duyệt bất cứ dự án nào

Ngày 6/5, ông Đỗ Đức Quân, Tổng cục phó Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, đến nay chưa có bất cứ dự án thủy điện nào nằm trên sông Hồng được Bộ Công Thương phê duyệt. Nếu dự án tận dụng được tài nguyên nước, được Chính phủ ủng hộ và giá bán điện phù hợp thì Bộ Công Thương  sẽ ủng hộ. Còn hiện chưa có hồ sơ chính thức về dự án và chưa có tính toán cụ thể về cột nước, loại máy lắp đặt thì chưa thể đánh giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, những dự án thủy điện sẽ có những ảnh hưởng về mặt môi trường nhất định. Vì vậy dự án kết hợp thủy điện như của Công ty Xuân Thiện đề xuất cũng phải có đánh giá tác động môi trường mới được triển khai.    

Thục Quyên