Wataru Endo, từ đồng đội Công Phượng đến thủ lĩnh tuyển Nhật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thật tiếc khi tại Asian Cup 2023 tới đây, khi Việt Nam gặp Nhật Bản ở trận ra quân, Wataru Endo không thể tái ngộ đồng đội cũ Công Phượng. Hơn 4 năm trước, hai người từng chung một màu áo và chia sẻ băng ghế dự bị ở Sint-Truiden.
Wataru Endo, từ đồng đội Công Phượng đến thủ lĩnh tuyển Nhật ảnh 1

Một buổi tối mùa thu 2019, Nguyễn Công Phượng với mái tóc vàng ngồi không xa Wataru Endo trên băng ghế dự bị, chứng kiến Sint-Truiden thua tan tác trước Club Brugge. Trong nỗ lực tránh trận thua thảm, Endo và Công Phượng lần lượt được tung vào sân. Cả hai không làm được gì nhiều. Sint-Truiden nhận thất bại 0-6.

Những ngày tiếp theo, Endo chơi thêm một trận khác cho CLB của Bỉ trước khi sang Đức khoác áo Stuttgart. Còn Công Phượng, ngồi dự bị 3 trận nữa rồi chuyển hẳn lên khán đài. Anh hồi hương không lâu sau đó, chơi 3 mùa cho 2 đội bóng rồi tiếp tục xuất ngoại.

Cầu thủ người Nghệ An đến Nhật, nơi Endo từng trưởng thành, và gia nhập Yokohama. Cho đến nay anh chỉ xuất hiện đúng… 2 phút ở giải Cúp. Đó cũng là một trận thua (2-3 trước Nagoya). Vì không được thi đấu, không ngạc nhiên khi Công Phượng bị loại khỏi danh sách ĐT Việt Nam tham dự Asian Cup 2023.

Wataru Endo, từ đồng đội Công Phượng đến thủ lĩnh tuyển Nhật ảnh 2

Wataru Endo đến Sint-Truiden mùa hè 2018, sau đó rời đi vào mùa thu 2019.

Wataru Endo, từ đồng đội Công Phượng đến thủ lĩnh tuyển Nhật ảnh 3

Công Phượng có thời gian sát cánh cùng Endo, trước khi cầu thủ người Nhật sang Stuttgart.

Tại giải đấu diễn ra ở Qatar, ĐT Việt Nam chung bảng và chơi trận mở màn với Nhật Bản của Endo. Tiền vệ 30 tuổi hiện là phiên bản rất khác so với thời còn ở Sint-Truiden. Anh giàu kinh nghiệm nhất Samurai xanh (ra sân 55 trận), đeo băng thủ quân, đồng thời cũng là ngôi sao lớn nhất bởi thuộc biên chế Liverpool và đóng vai trò quan trọng trong đội hình.

Thành công của Endo không tới một cách ngẫu nhiên. Đó là hành trình dài nỗ lực không ngừng của một người từng bị cho là tầm thường. Có thể nói xuất phát điểm của Endo còn thấp hơn Công Phượng. Trong những năm tuổi trẻ, nếu Công Phượng được ca tụng là thần đồng, “Messi của Việt Nam” thì Endo chưa bao giờ khiến ai đó phải trầm trồ. Anh từng 2 lần dự tuyển ở Yokohama F. Marinos nhưng đều bị loại. HLV Atsushi Terao từng huấn luyện Endo tại lò luyện bóng đá Coover nói rằng “cậu nhóc này không tệ, nhưng không thuộc nhóm tốt nhất”. Ông thậm chí “không thể tưởng tượng Endo sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”.

Endo biết những hạn chế của bản thân và tìm hướng đi khác, trong sự nhẫn nại và kiên trì. Không nổi bật về kỹ thuật, anh bù đắp bằng sức mạnh. Thiếu tốc độ, anh học cách tư duy và phán đoán nhanh. Anh cũng biến mình thành người hùng thầm lặng, sẵn sàng giải quyết mọi rắc rối ở khu vực phòng ngự, mang lại sự tin cậy cho đồng đội bằng ý chí, kỹ năng chỉ huy. Trong mọi trường hợp, anh luôn nghĩ ra cách giải quyết tốt nhất.

Wataru Endo, từ đồng đội Công Phượng đến thủ lĩnh tuyển Nhật ảnh 4

Endo từng dự World Cup 2018 nhưng không chơi một phút nào, sau đó trở thành nhân tố chính của tuyển Nhật ở World Cup 2022.

Điều này xuất phát từ bố Endo. Ông bị ám ảnh bởi sự áp đặt, những kỳ vọng cao của cha mẹ, vì vậy không muốn con cái mình rơi vào cảnh tương tự. Ông khuyến khích Endo tự đưa ra quyết định và sống tự lập. Ngay cả khi Endo rời trường Đại học khi là sinh viên năm 2, hoặc kết hôn năm 19 tuổi (để hiện tại đã có 4 con), ông cũng vui vẻ đồng ý. Bố Endo tin tưởng anh tuyệt đối, bởi luôn biết con trai đã xây dựng kế hoạch cho cuộc đời mình.

Bỏ qua những lời chế nhạo và ánh mắt thiếu tin tưởng, Endo luôn nghĩ rằng tương lai của anh thuộc về CLB lớn ở châu Âu. Anh kiên trì ở J League 2 cùng Shonan Bellmare, kiếm vé thăng hạng và tỏa sáng, sau đó gia nhập Urawa Reds. Chơi ở đó 3 mùa, anh tới Sint-Truiden ở tuổi 25.

Với Endo, đây vẫn chỉ là nấc thang trước khi di chuyển đến tầm cao hơn. Thời gian ở Bỉ, Endo vẫn thường xuyên liên lạc với người thầy cũ Terao. Anh tâm sự với ông về mục tiêu chuyển đến Bundesliga, cuối cùng là chơi bóng tại Premier League.

Wataru Endo, từ đồng đội Công Phượng đến thủ lĩnh tuyển Nhật ảnh 5

Tại Stuttgart, Endo chơi 53 trận, ghi 3 bàn và đeo băng thủ quân.

Từng bước, nó đã trở thành sự thật. Tất nhiên không có gì là dễ dàng. Endo phải ngồi dự bị khi mới đến Stuttgart, và chinh phục sự tin tưởng của HLV bằng thái độ chuyên nghiệp và không ngừng cố gắng. Cựu tuyển thủ Đức Mario Gomez còn xin với HLV luôn xếp anh đá cùng Endo lúc đấu tập, bởi như vậy anh không bao giờ thua. Rồi Stuttgart thăng lên Bundesliga, Endo cũng trở thành trụ cột và đeo băng đội trưởng.

Những màn trình diễn đỉnh cao, bao gồm trận giao hữu với Liverpool tháng 8/2020, đã khiến HLV Jergen Klopp để mắt tới Endo. Ông đã hỏi Takumi Minamino về anh, trước khi thực hiện bản hợp đồng trị giá 19 triệu bảng vào mùa hè 2023.

Việc chiêu mộ một cầu thủ 30 tuổi là bất thường với Liverpool, nhưng Klopp cần một “số 6” mạnh mẽ, thu hồi và giữ bóng tốt, sau đó di chuyển nó lên phía trước nhanh chóng. Endo là mẫu cầu thủ như vậy. Ở quê hương, anh mệnh danh là “Casemiro Nhật Bản”. Tại Stuttgart, người hâm mộ gọi anh với biệt danh “máy hút bụi”. Các chuyên gia thích làm việc với con số thống kê thì dùng cụm từ “Vua tranh chấp” để mô tả Endo. Hiện tại ở Liverpool, người ta liên tưởng anh tới Hendo, tức cựu đội trưởng Jordan Henderson.

Wataru Endo, từ đồng đội Công Phượng đến thủ lĩnh tuyển Nhật ảnh 6

Juergen Klopp cần một số 6 mạnh mẽ như Endo.

Wataru Endo, từ đồng đội Công Phượng đến thủ lĩnh tuyển Nhật ảnh 7

Anh đền đáp bằng những màn trình diễn xuất sắc và 2 bàn thắng.

Sau khoảng thời gian thích nghi, Endo hiện là nhân tố không thể thiếu trong đội hình Liverpool, đóng vai trò tấm lá chắn trước bộ tứ phòng ngự. Không chỉ lãnh đạo hàng tiền vệ, anh còn rất năng động khi tham gia tấn công, tạo ra 18 cơ hội sau 24 trận và ghi 2 bàn, trong đó có bàn quan trọng mở ra màn ngược dòng thắng Filham 4-3. Với những gì đã thể hiện, Endo được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất Liverpool tháng 12, trên cả Trent Alexander-Arnold và Mohamed Salah.

Trong cuộc trò chuyện với tờ The Times, Endo cho biết khoác áo Liverpool là “giấc mơ có thật”. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh nó không được tạo ra một cách tình cờ. “Tôi không có ý kiêu ngạo, nhưng không hề có sự tham gia của may mắn ở đây. Tôi đã nỗ lực, đã chăm chỉ để tạo ra thành quả”, anh nói.

Anh cũng nhắn nhủ tới các cầu thủ Nhật Bản, và châu Á nói chung (chẳng hạn Công Phượng), rằng “bạn không cần phải là một tài năng đặc biệt, cũng không cần phải quá trẻ mới có thể chơi bóng ở châu Âu, đánh bại các đối thủ cao lớn trong các cuộc tranh chấp tay đôi và sau đó khoác áo đội bóng lớn như Liverpool”. Chỉ cần một kế hoạch và theo đuổi nó bằng tất cả những gì mình có.

MỚI - NÓNG