Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung:

Washington chưa bỏ thuế, nhưng sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện thương mại Mỹ Katherine Tai
Ðại diện thương mại Mỹ Katherine Tai
TP - Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi đầu tháng, Ðại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai phát đi tín hiệu rằng Mỹ “cởi mở” trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Nhưng tân quan chức này nói rằng việc “cắt bỏ” các sắc thuế đã kéo dài ba năm đối với các sản phẩm của Trung Quốc do chính quyền Donald Trump áp đặt có thể gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Bình luận này có thể làm sáng tỏ cách tiếp cận của chính quyền mới ở Mỹ trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Wall Street Journal, bà Tai nói “gỡ bỏ” thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp đặt từ tháng 3/2018 có thể gây tổn hại cho các công ty, thương nhân, nhà sản xuất và công nhân Mỹ.

Mặc dù không cung cấp chi tiết cụ thể về kế hoạch của chính quyền Biden đối với vấn đề thuế quan, bà Tai cho biết bất kỳ thay đổi nào sẽ cần phải được “thông báo theo cách để các tác nhân trong nền kinh tế có thể điều chỉnh” và có “khả năng lập kế hoạch”.

Là người Mỹ gốc Á đầu tiên đảm nhiệm vị trí đại diện thương mại trong chính phủ liên bang Mỹ, bà Tai cũng nói rằng thuế quan, ảnh hưởng đến khoảng 370 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc hàng năm, được đưa ra “để khắc phục tình trạng thương mại không cân bằng và không công bằng”.

“Không có nhà đàm phán nào không dùng đòn bẩy, phải không?” bà Tai nói và điều này cho thấy chấm dứt thuế quan có thể được sử dụng như một quân bài mặc cả để bắt buộc Trung Quốc thực hiện cam kết mua nhiều hàng hóa do Mỹ sản xuất.

Cuộc phỏng vấn bộ trưởng Tai diễn ra một tuần sau khi Nhà Trắng tổ chức cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với các quan chức Trung Quốc tại Alaska không mang lại đột phá ngoại giao nào.

Khi cuộc chiến thương mại kéo dài trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc đã đè nặng lên cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, dẫn đến việc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ, làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP và giảm khối lượng thương mại. Hai quốc gia đã đạt được thỏa thuận “giai đoạn một” vào tháng 1/2020, nhưng mặt trận đàm phán trở nên xấu đi từ giữa năm, khi ông Trump nói quan hệ giữa hai nước đã bị “tổn hại nghiêm trọng” bởi COVID-19. Theo CNN, Mỹ vẫn áp thuế đối với khoảng 66% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, dẫn đến việc tăng giá đối với mọi thứ, từ mũ bóng chày, hành lý cho đến ti vi và giày thể thao.

“Trung Quốc là một đối thủ, một đối tác thương mại đồng thời là một nước lớn chúng tôi cần hợp tác để giải quyết những thách thức toàn cầu”, bà Tai nói tại một phiên điều trần của Thượng viện Mỹ hồi cuối tháng Hai. “Chúng tôi phải truyền đạt các giá trị, quy tắc hướng dẫn thương mại toàn cầu và phải thực thi các điều khoản đó một cách nghiêm túc”.

MỚI - NÓNG
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
TPO - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đấu giá đất vừa qua tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có hiện tượng một nhóm người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở, mà để kinh doanh, đầu cơ, trả giá cao hơn giá thị trường sau đó bỏ cọc. Việc đầu cơ dẫn đến phức tạp trong quản lý đất đai.