Vượt trùng khơi ra thăm đảo Mắt

Vượt trùng khơi ra thăm đảo Mắt
TP - Cuối năm, phóng viên Tiền Phong có dịp vượt trùng khơi ra thăm chiến sỹ của hòn đảo nhỏ được ví là “Mắt đảo” này khi, các anh đang vững tay súng bảo vệ biển đảo Tổ quốc và náo nức chuẩn bị cho một cái tết giữa biển như trong đất liền.

> Mùa biển mới ở Trường Sa
> Mắt thần trên Côn Đảo

Khơi xa có Mắt đảo

Một ngày cuối năm lạnh giá, bám theo tàu nhỏ của các chiến sỹ thuộc Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, chúng tôi rời bến cảng Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) rẽ sóng ra khơi thăm bộ đội đảo Mắt.

Mặc dù biển trời những ngày Đông không thuận lợi cho tàu thuyền ra khơi, nhưng bao người vẫn háo hức. Trên chiếc tàu nhỏ quân sự, nhiều thứ được chuẩn bị đóng vào bao bì từ đất liền gửi ra làm quà cho bộ đội.

Tàu rời cảng chưa được bao lâu thì không ít người đã say sóng nghiêng ngả. Không khuất phục, con tàu nhỏ liên tục càn lướt ngược lên từng con sóng lớn. Từng trải và chai lỳ với thử thách, những sỹ quan tham gia chuyến đi bình thản ôn lại những câu chuyện cảm động về đất và người trên đảo Mắt.

Đại tá Cao Huy Lương, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An kể lại, xưa kia có nàng Tố Nương, quê ở vùng An Lạc, Sơn Tây, Hà Tây (nay là Hà Nội) lấy chồng quê ở xứ Hàm Hoan (nay là khu vực tỉnh Nghệ An).

Cả hai vợ chồng tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, vợ chồng lưu lạc mỗi người một phương. Nàng Tố Nương dong buồm hướng vào xứ Hàm Hoan để tìm chồng.

Trên đường đi, chẳng may thuyền của nàng bị trôi dạt vào hòn đảo có tên gọi là Quỳnh Nhai. Do dặm dài biển cả bị kiệt sức, nàng không thể vào đất liền được nữa và ngày đêm hướng mắt dõi vào quê chồng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước lòng thủy chung son sắt của nàng, tên gọi đảo Mắt có từ đó.

Thực hư câu chuyện cứ chập chờn sóng nước cho tới khi còi tàu rú vang báo hiệu đoàn sắp cập đảo. Đứng trên boong, chúng tôi đã thấy những núi đá vôi to dựng chọc trời trên đảo Mắt.

Khoảng 15 phút leo núi, Thiếu tá Đinh Xuân Lâm, Chỉ huy đơn vị bộ đội đảo Mắt cho biết, đảo Mắt được ví như là Mắt đảo đang ngày đêm hướng về đất liền.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo Mắt trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Suốt giai đoạn 1965 -1973, giặc Mỹ ngày đêm dội bom, bắn tên lửa xuống đảo Mắt hòng tiêu diệt lá chắn của đất liền.

Có hơn 4.000 tấn bom đạn (bình quân 1mét vuông/2tấn bom, đạn) được trút xuống đảo nhỏ nhưng không thể làm lung lay ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất, anh dũng chiến đấu của các chiến sỹ đảo Mắt.

Vì thế, nhiều lần Đơn vị đảo Mắt đã được Đảng và Nhà nước trao Huân chương quân công, Huân chương chiến công và đặc biệt, ngày 11-1-1973, đảo Mắt vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đảo trẻ hôm nay

Sau nửa ngày lênh đênh trên biển và leo hàng trăm bậc thang núi, nhưng bao mệt nhọc của người đến từ đất liền tan biến khi được đến với các chiến sỹ đảo Mắt.

Tất bật huấn luyện, nhưng các chiến sỹ đảo Mắt không quên tranh thủ tăng gia sản xuất, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống. Thượng úy Dũng Chính trị viên phó tiểu đoàn đảo Mắt cho biết, do điều kiện ở xa đất liền nên cuộc sống các chiến sỹ còn vô vàn khó khăn.

Không có điện thăp sáng, sinh hoạt phải nhờ vào nước trời, thực phẩm chủ yếu chở từ đất liền ra. Tuy nhiên, có khi cả tháng trời mới được một chuyến tàu cập đảo.

Vậy nên anh em chiến sỹ thực hiện phương châm tự cung tự cấp... để phục vụ tại chỗ là chính. Dạo quanh đảo Mắt, chúng tôi thấy nhiều công trình thanh niên đã và đang được các chiến sỹ trẻ đảo này xây dựng.

Năm nào đoàn thanh niên trên đảo Mắt cũng có công trình Thanh niên để chào mừng Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh(26-3).

Chứng kiến một buổi huấn luyện của đại đội pháo hỗn hợp mới biết tinh thần sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc của các chiến sỹ đảo Mắt như thế nào.

Mặc dù trong tiết trời giá lạnh của mùa đông nhưng, ai nấy mướt mồ hôi bên trận địa. Kết thúc buổi huấn luyện, lại bắt tay vào tăng gia, dọn dẹp, nấu nướng..., người nào việc nấy tăm tắp theo quân lệnh… Vì trên đảo Mắt không có bàn tay phụ nữ nên tất cả các công việc nội trợ đều được các chiến sỹ tự biên, tự diễn thuần thục.

Bác sỹ ngoài biển khơi

Với tôi, điều bất ngờ nhất khi ra đảo Mắt lần này đó là nơi đây đã có một bệnh xá quy mô, được xây dựng bên sườn núi đá ngay ở trung tâm của đảo.

Bác sỹ Lương Thanh Sơn, Trưởng Bệnh xá đảo Mắt nói, tuy điều kiện trang thiết bị chữa bệnh còn thiếu nhiều bề, nhưng đội ngũ y, bác sỹ nơi đây sẵn sàng phục vụ hết mình với các đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Hiện bệnh xá của đảo đã có 1 bác sỹ và 4 y sỹ được đào tạo bài bản từ đất liền điều động ra đảo phục vụ. Ngoài việc khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho các chiến sỹ trên đảo Mắt, hằng ngày các y, bác sỹ mang quân hàm xanh nơi đây còn phục vụ ngư dân trên biển, mỗi khi gặp sự cố.

Một số ngư dân Cửa Hội, Cửa Lò cho biết, nhờ có y, bác sỹ của đảo Mắt nên gần đây bà con ra khơi đánh cá phần nào đã an tâm hơn. Vì thường tàu thuyền nơi đây ra khơi mỗi chuyến hàng chục ngày, có khi hàng tháng trời mới vào đất liền. Có bệnh tật hay tai nạn, ngư dân trông chờ vào bệnh xá đảo Mắt.

Giao thừa nơi Mắt đảo

Chuẩn bị cho ngày tết
Chuẩn bị cho ngày tết.
 

Tiếp xúc với các lính trẻ, nhiều câu chuyện thú vị quanh hòn đảo nhỏ này được kể lại. Binh nhất Moong Văn Bún (người dân tộc Khơ Mú) chia sẻ, sinh ra lớn lên ở xã biên giới Mường Ải (thuộc huyện miền núi Kỳ Sơn) nên chỉ biết núi rừng.

Vào bộ đội và được điều động ra đảo Mắt khi ấy mới biết thế nào là biển. Bằng giọng khôi hài, Moong Văn Bún nói “từ trên núi, tuột một cái là em xuống biển ngay”. Bún mới ra đảo chưa đầy hai tháng, năm nay ở lại đón cái tết đầu tiên trên biển đảo nên cảm giác rất hồi hộp.

Có thâm niên trên đảo hơn Moong Văn Bún một chút, chiến sỹ trẻ Hà Văn Tuấn (người dân tộc Thái) đến từ xã Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) ra đảo Mắt được bảy tháng nay. Tuấn chia sẻ, xa núi rừng, chưa một lần về thăm người yêu, nhưng được vào quân ngũ và được sống giữa biển khơi của Tổ quốc làm Tuấn tự hào và thêm yêu biển đảo quê hương.

Một trong những người có thâm niên đón tết trên đảo Mắt nhiều nhất đó là Thiếu tá Đinh Xuân Lâm, anh đã cùng các đồng đội bốn lần đón giao thừa nơi đây. Anh tâm sự, năm hết tết đến, ai chẳng muốn được ở nhà sum vầy với vợ con, người thân, gia đình, anh em họ hàng, làng xóm, nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ biển đảo nên các chiến sỹ đã luôn động viên nhau ở lại giữ đảo.

Mọi năm, trước giờ khắc giao thừa, toàn đơn vị tập trung về Đài tưởng niệm thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã từng chiến đấu, bảo vệ và hy sinh trên hòn đảo này. Sau đó tổ chức thi văn nghệ, hái hoa dân chủ, thi gói bánh chưng, mâm cỗ ngày tết… giữa các đơn vị. Những ngày đầu năm, không khí trên đảo ấm nồng, tươi vui và không quên nhiệm vu. 

Đảo Mắt có tổng diện tích tự nhiên trên 2,2 km2, nằm cách đất liền 18 hải lý. Đảo có độ dốc lớn, đỉnh cao nhất của đảo là 218m so với mực nước biển. Đảo Mắt nằm ở vị trí chiến lược, được ví là Mắt đảo (hay còn gọi là Hòn Mắt) không những luôn hướng về đất liền mà còn che chắn cho cả vùng Nghệ An và Hà Tĩnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG