'Vua' đà điểu ở Vĩnh Lộc

'Vua' đà điểu ở Vĩnh Lộc
TP - Hiện nay, trang trại của gia đình anh Trần Anh Tuấn, ở thôn Sóc Sơn 3, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), đã có gần 100 con đà điểu, gồm cả đà điểu giống, đà điểu thịt và đà điểu con.

“Bây giờ, nhìn đàn đà điểu to mộng, bắt đầu cho thu hoạch trứng, thịt, tôi mới tin mình nuôi đà điểu thành công. Từ trang trại này, tôi hy vọng sẽ nhân rộng thêm nhiều mô hình chăn nuôi đà điểu trong huyện, trong tỉnh để mở ra hướng làm giàu từ loài động vật độc đáo này” - Chàng trai 24 tuổi được mệnh danh là "Vua" đà điểu vào chuyện.

Đưa đà điểu về vùng đồi hoang hóa

Vốn là một sinh viên học về chuyên ngành kinh tế, anh Tuấn thường say sưa tìm hiểu, trau dồi kiến thức kinh doanh, bỏ nhiều công sức đi tham quan, học hỏi từ các mô hình làm kinh tế trang trại trong Nam, ngoài Bắc.

Bỏ tiền túi vào tận Đà Nẵng, Khánh Hòa, rồi ra Hà Tây để tìm hiểu về cách chăn nuôi đà điểu - một loài động vật được nhập từ nước Úc xa xôi về nước ta, anh Tuấn quyết tâm xây dựng trang trại nuôi đà điểu đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá ngay tại quê mình.

Sau khi bàn bạc với gia đình và người cậu ruột (người có 15 ha vườn đồi ở xã Vĩnh Hùng), anh Tuấn bắt tay vào khai hoang vùng đồi hoang hóa trước kia để xây dựng trang trại chăn nuôi đà điểu.

Những khu tường rào bao quanh vườn cây ăn quả được dựng lên, sân bãi cho đà điểu vui chơi được đổ cát ken dày, tạo cho chúng có cảm giác như đang sinh sống nơi bản địa hoang dã; những ngôi nhà xinh xắn cho đà điểu ngủ, rồi hệ thống máy ấp trứng... được anh Tuấn đầu tư, lắp đặt mới toàn bộ.

Vừa vuốt ve bộ lông mượt mà của những con đà điểu hiền lành đang phơi mình dưới nắng thu, anh Tuấn vừa tâm sự: “Đầu tư hàng tỷ đồng vào xây dựng trang trại, rồi mất nhiều tháng ròng đọc sách, đi học hỏi kinh nghiệm của những ông chủ nuôi đà điểu trong nước, tháng 4/2005, hai bố con tôi mới “ôm” gần 30 triệu đồng ra Ba Vì (Hà Tây) mua 10 con đà điểu giống về nuôi.

Bước đầu nuôi một loài động vật hoàn toàn mới lạ với người Việt mình, chúng tôi cũng lo. Nhất là mỗi khi đà điểu biếng ăn, có biểu hiện ốm, hoặc những đợt dịch cúm gia cầm hoành hành ở địa phương là cả nhà lo mất ăn, mất ngủ.

Nhưng chúng tôi đã chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng cho đàn đà điểu theo đúng quy trình khoa học, nên chúng lớn nhanh như thổi và không hề mắc bệnh gì, kể cả khi địa phương có dịch cúm gia cầm”.

Nuôi thành công 10 con đà điểu giống ban đầu, anh Tuấn mua thêm 11 con đà điểu giống về nuôi tại trang trại để từng bước nhân lên số con trong đàn. Đến thời điểm hiện nay, trang trại của gia đình anh Tuấn đã có gần 100 con đà điểu, gồm cả đà điểu giống, đà điểu thịt và đà điểu con.

Những hiệu quả kinh tế ban đầu

Anh Tuấn cho hay, chăn nuôi đà điểu cũng như các loại gia súc, gia cầm khác mà lâu nay người dân mình thường nuôi. Thức ăn của chúng là ngô, sắn, lúa được nghiền nhỏ thành bột rồi trộn với cỏ voi. Đặc biệt, đà điểu có khả năng kháng bệnh rất tốt, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết.

Hiện nay, trang trại đà điểu của gia đình anh có 50 con chuyên đẻ trứng, với khoảng 60 - 80 quả trứng/con/năm, tỷ lệ ấp nở chuyên bằng máy hiện đại đạt khoảng 50 - 70% thì chẳng mấy chốc tổng đàn đà điểu của anh lên tới hàng trăm con.

Nuôi đà điểu hiệu quả nhất là bán thịt thành phẩm cho các nhà hàng và bán da để làm ví, dây thắt lưng, túi xách... Giá thịt đà điểu anh đang cung cấp cho các nhà hàng tại TP Thanh Hóa dao động từ 170.000 - 200.000 đồng/kg. Còn da đà điểu xử lý rồi sản xuất ra các ví da, giầy, dây thắt lưng, túi xách xinh xắn. Năm 2007 này - năm đầu tiên trang trại đà điểu của gia đình bắt đầu cho thu nhập, với tổng số tiền được khoảng 600 triệu đồng.

Theo anh Đặng Hùng Thắng, Phó bí thư Huyện Đoàn Vĩnh Lộc, Tuấn huy động nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó, nguồn vốn vay theo kênh của Đoàn là 50 triệu đồng. Hiện nay, trang trại của Tuấn đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trẻ với mức lương là 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng/người. Đây là mô hình thanh niên làm kinh tế điển hình của địa phương.

Dù mới là những hiệu quả ban đầu, nhưng theo anh Trần Anh Tuấn, việc chăn nuôi đà điểu thành công là một hướng làm giàu vững chắc đối với những ai đang muốn phát triển kinh tế trang trại.

Thịt, trứng đà điểu đang là món ăn đặc sản có giá cao tại các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn; nếu có đủ nguồn hàng thịt đà điểu để xuất khẩu thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, ngay cả da, xương, lông, vỏ trứng đà điểu đều có giá trị kinh tế cao trong ngành sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ.

Là người đi tiên phong trong việc phát triển chăn nuôi đà điểu, anh Tuấn luôn mong được chia sẻ những kinh nghiệm, sẵn sàng cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm cho những ai muốn chăn nuôi đà điểu.

Vừa qua, anh cũng đã bắt đầu cung cấp con giống đà điểu cho một số các hộ trong tỉnh để chăn nuôi theo hướng bán thịt. Đà điểu là giống dễ nuôi, ăn tạp, nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật thì chỉ từ 12 - 14 tháng, mỗi con sẽ nặng từ 120 - 150 kg.

Hoàng Lam

MỚI - NÓNG