Tố Loan được đào tạo chính quy trong nước, nhiều năm theo học PGS Trần Thị Ngọc Lan. Ngoài ra cô tham gia một số khóa đào tạo ngắn ở Na Uy, Áo, Đức. Tại Na Uy, khóa học hơn một tháng kết thúc bằng kỳ thi tập trung 40 tài năng từ 19 nước. Cuộc này, Loan đoạt giải Nhất của BGK đồng thời Nhất khán giả bình chọn.
Cuộc thi tại Singapore (tổ chức hai năm một, lần này là lần thứ hai) do cô tự tìm thông tin với sự tư vấn bài vở của giáo sư Siri Torjesen (Na Uy). Cả nhà gồm chồng và hai con hộ tống Loan qua Sing. Nhưng chồng phải ở khách sạn trông con- đứa lớn 3 tuổi rưỡi, đứa nhỏ mới 5 tháng.
Đêm bán kết, BTC khiến các thí sinh một phen hốt hoảng, trước lúc vào phòng chờ mới ra yêu cầu mỗi tiết mục không dài quá 5 phút (hẳn là vì số lượng thí sinh quá đông). Trong khi Loan có những bài đinh dài tới 9 phút. Các thí sinh đành cắt bớt phần đệm piano để co bài lại cho vừa. Ai quá giờ, BGK lập tức bấm chuông bắt dừng. Loan chọn được một bài 4 phút, cộng chào hỏi giới thiệu vừa đủ 5 phút. Vào chung kết, mỗi thí sinh có 10 phút để hát hai bài, một tự chọn, một do BGK chỉ định. Loan kể: “Họ hát khủng khiếp luôn. Ngồi ở phòng chờ, tôi nghe mà rụng rời chân tay, nghĩ chắc mình không có hy vọng”. Loan mới sinh em bé, sức lực còn hạn chế, nhất là khi hát những nốt quá cao.
Ít nhất hai yếu tố dẫn Loan đến chiến thắng. Thứ nhất: tinh thần tự tôn dân tộc. “Mình phải thật bình tĩnh, thể hiện tất cả những gì mình có”, cô tự nhủ với bản thân. “Không thể để họ nghĩ Việt Nam mình kém!”. Hai là bản tính nghệ sĩ, luôn tìm tòi cái riêng. Cô hát tổng cộng 8 aria chia cho 3 vòng, đồng nghĩa với việc nghiên cứu kỹ cả 8 vở opera để hiểu tâm lý nhân vật, thấm từng chữ mình hát ra. Cái khó nữa là phải tìm cách hát khác những giọng ca tầm cỡ quốc tế đã trình diễn rất thành công trước đó. “Tôi không bao giờ thích giống bất kỳ nghệ sĩ nổi tiếng nào”, Loan nói. “Tôi nghĩ BGK đã nhìn ra và công nhận cá tính của tôi”.
Sự riêng biệt của Loan hẳn cũng làm hài lòng những thính giả thuần thành của opera. Cuộc thi kết thúc, Loan có ngay một fan-club tại Singapore. Khán giả Thái Lan và các nước trong khu vực cũng tìm cô trên Facebook để bày tỏ sự ái mộ. Có người còn khen cả nốt ruồi trên lông mày của Loan, cho rằng nó đem lại danh vọng và may mắn. Trong khi hồi mới thi xong Sao Mai 2011, một số bạn bè nhất mực khuyên Loan nên đi tẩy đặc điểm nhận dạng đó. Loan thú nhận là cô cũng thích sửa chỗ này chỗ nọ cho đẹp, nhưng sợ đau.
Cả hai phần thi của Loan (một aria trong vở La Traviata của Verdi và một trong Die fledemaus của Strauss) trong đêm chung kết 28/10 đều được khán giả vỗ tay nhiệt liệt, kể cả khi cô đã vào trong cánh gà. Loan chỉ dám “lạy giời” được giải Ba. Khi xướng giải, Nhì Ba đều không đến lượt, thì bỗng cái tên “Đào Thị Tố Loan- Việt Nam” vang lên. “Trời ơi, tôi hét ầm lên rồi bật khóc như trẻ con, không tin vào tai mình,” Loan kể. “Cũng thấy mình quá may mắn. Có những bạn hát tốt thế mà giải Nhất lại về tay mình.” Còn Trưởng BGK giải thích khi trao cúp cho Loan: “Cô đã chạm đến trái tim của chúng tôi.”
Đêm chung kết, người đệm đàn do phải đệm quá nhiều bài cho các thi sinh nên đến lượt Loan thi, cô đã đánh sai. Nhưng Loan vẫn bình tĩnh, vừa hát vừa lựa để pianist theo mình... Rất có thể sự “bất khuất” đặc trưng của phụ nữ Việt Nam đã thêm phần giúp Loan thành công. Trong khi các nghệ sĩ opera cỡ lớn vì sự nghiệp thường rất ngại sinh con. Có người sau sinh có thể mất hoặc biến đổi giọng thì Loan may mắn giọng hát vẫn y nguyên.“Không dám để cho mình nghỉ ngơi, sinh em bé một tuần, tôi đã bắt đầu tập những bài nhẹ nhẹ rồi dần đẩy lên”, Loan cho hay.
Em bé đầu lòng ra đời đúng lúc Loan được trao học bổng cao học tại Ý, đành bỏ lỡ. Còn chuyện vừa bế con vừa gấp rút tập bài cho Singapore Lyric Opera là bình thường. Chưa biết chừng đây lại là một kinh nghiệm luyện thể lực: hát trong khi bê vật nặng(?) Thỉnh thoảng cô cũng nhờ được học sinh bế hộ, Loan hiện đang là giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia. Rất may là “thằng cu” lại chịu “nghe” opera. Mẹ lên những nốt khủng mà con nằm trong tay vẫn ngủ khì. Trong khi cô chị đã biết bắt chước hát theo mẹ. “Nếu con đam mê như mình thì mình chấp nhận thôi. Còn nếu con không thích, cho theo nghề khác sướng hơn,” Loan cười.
Cô khẳng định Việt Nam không thiếu tài năng opera nhưng thực tế rất ít đất cho người theo nghề. Khoản cát-xê mà Loan không bao giờ quên lên tới gần 100 triệu là do bên Na Uy trả khi mời cô vào TP.HCM hát Nữ hoàng đêm tối. “Còn cát-xê diễn opera cho người Việt rẻ lắm, có khi không bõ công mình thuê váy vóc, trang điểm,” Loan chia sẻ. “May tôi có ông xã hiểu, thông cảm và là chỗ hậu thuẫn vững chắc để vợ theo đuổi đam mê.”
“Ở Singapore Lyric Opera ASEAN, tôi rất hài lòng vì đã thể hiện tất cả những gì mình có, thực sự hóa thân vào nhân vật. Được khán giả nước bạn cổ vũ, tôi thấy vinh hạnh lắm rồi. Được giải hay không, tôi cũng tự hào tôi là người Việt Nam và đã làm được điều đó.”
Đào Tố Loan