Vụ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Cần 'bịt' các lỗ hổng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để con không dang dở việc học, nhiều phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam chấp nhận đóng thêm tiền để trường trả lương cho giáo viên, dù trước đó đã cho trường vay vốn. Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của phụ huynh cho thấy lỗ hổng về những hợp đồng góp vốn đang tồn tại ở các trường quốc tế.

Trường thua lỗ, phụ huynh khổ theo

Chiều 1/4, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM ký văn bản gửi toàn thể phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), công bố thông tin số tài khoản và các khoản đóng góp chi phí hỗ trợ để đảm bảo hoạt động của trường. Tài khoản này gồm đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam và phụ huynh học sinh đồng sở hữu và xét duyệt.

Vụ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Cần 'bịt' các lỗ hổng ảnh 1

Hàng trăm phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam làm việc với chủ trường và các ban ngành, chiều 30/3. Ảnh: Nhàn Lê.

Động thái này diễn ra sau cuộc họp giữa các bên vào chiều 30/3, phần lớn phụ huynh đồng ý góp tiền để trường tiếp tục được hoạt động đến hết năm học. “Đã sắp hết năm học nên tôi không thể chuyển trường cho con, chấp nhận góp tiền. Còn hợp đồng góp vốn giữa tôi và trường thì tính sau, vì giờ có muốn sớm lấy lại tiền cũng không được nữa, kiện ra tòa thì không thể giải quyết ngày một ngày hai” - chị T, một phụ huynh chia sẻ với PV Tiền Phong.

Theo phụ huynh này, chị có con học tại trường, được đào tạo chính khóa và miễn học phí trong suốt thời gian học. Điều kiện là chị cho trường vay tiền theo hợp đồng góp vốn. Đến nay, nhà trường đã nhiều lần “bội tín” vì liên tục thua lỗ, không đủ khả năng trả tiền lại cho chị. Đỉnh điểm, đến ngày 18/3, hơn 1.200 học sinh của trường phải nghỉ học vì giáo viên bị nợ lương kéo dài đã đình công.

Để giải quyết, bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch hội đồng trường - đưa ra phương án ngắn hạn là xin phụ huynh hỗ trợ khoản chênh lệch để bù giá học phí, với kinh phí dự kiến khoản 125 tỷ đồng. Phương án dài hạn, phụ huynh nào đã tham gia hợp đồng góp vốn với nhà trường sẽ được quy đổi giá trị hợp đồng thành cổ phần. Trường sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư dưới sự giám sát của sở ban ngành để tiến hành tái cấu trúc.

Trao đổi trước phụ huynh, Thượng tá Vũ Thị Thúy Hà - Phó trưởng Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an TPHCM (PA03) - cho hay đã khảo sát ý kiến và phần đông phụ huynh muốn con đi học lại. Để ổn định việc học của học sinh, phương án góp tiền là khả thi nhất.

Lỗ hổng pháp luật trong các hợp đồng vay vốn

Nhìn nhận về sự việc xảy ra ở Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, giải quyết việc học cho học sinh là quan trọng nhất. Phương án phụ huynh cùng góp tiền để duy trì việc học tới cuối năm là tích cực nhất nhưng cần giám sát chặt chẽ số tiền được sử dụng.

Về phương án dài hạn, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư mới nếu tiếp quản trường, vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện các cam kết cũ, trừ trường hợp phụ huynh đồng thuận xóa nợ. Phụ huynh có quyền khởi kiện dân sự nếu trường không thực hiện đúng cam kết, hoặc có quyền tố cáo sai phạm tại trường nếu có dấu hiệu lừa dối, chiếm đoạt học phí của học sinh.

“Trong trường hợp trường mất khả năng chi trả, cơ quan pháp luật có thể yêu cầu phong tỏa tài sản của trường để thực hiện việc trả nợ cho phụ huynh. Lúc này, trường không thể tiếp tục hoạt động hay bàn giao, thanh lý tài sản cho một nhà đầu tư mới. Việc cổ phần hóa trường phải thực hiện theo quyết định của tòa án về việc thanh lý tài sản của trường phục vụ việc trả nợ” - ông Nguyên cho biết.

Vị chuyên gia khuyên phụ huynh nên cân nhắc ưu và khuyết điểm khi tham gia các gói “học phí 0 đồng”, “gói đầu tư giáo dục”. Ưu điểm là phụ huynh được hưởng phần lời đầu tư hấp dẫn trên lý thuyết, không phải đóng học phí hàng năm, không lo học phí tăng. Nhưng giữa lý thuyết và thực tế bao giờ cũng có khoảng cách. Phụ huynh dễ “nắm dao đằng lưỡi” vì gánh chịu vô số rủi ro như gặp phải tổ chức giáo dục lừa đảo, trường học phá sản, trường không đạt được mục tiêu đầu tư như kỳ vọng.

“Chương trình quốc tế ở trường quốc tế có đặc thù riêng, có những giai đoạn phải học 2 năm liên tục mới lấy được bằng cấp nên nếu phải dừng đột ngột hay chuyển trường sẽ vô cùng bất lợi. Nếu không biết rõ về trường, chủ trường, gói đầu tư, đừng liều lĩnh” - ông Nguyên nhấn mạnh.

Theo Công an TPHCM, hợp đồng ký kết giữa nhà trường và phụ huynh là hợp đồng dân sự, không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, nên chưa có cơ sở để cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ việc.

Ở góc độ tâm lý, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên đưa ra lời khuyên, trong thời điểm này, phụ huynh không nên hoảng loạn, chỉ trích trường trước mặt con. Việc này sẽ gây tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Ngược lại, những người làm cha mẹ chỉ nên trấn an, báo tin con có thể sắp được đi học trở lại, được gặp bạn bè, thầy cô.

“Phụ huynh nên ngồi nói chuyện với con, để các con hiểu trước những khó khăn thế này, biến thách thức thành cơ hội, vì cuộc sống không thể lúc nào cũng như mong muốn. Với trường hợp phụ huynh muốn chuyển trường cho con, có thể kết nối một nhóm phụ huynh để cùng chuyển để sang một trường, giúp con bớt bị sốc khi thay đổi môi trường đột ngột” - bà Quyên nói thêm.

Vì sao trường thua lỗ?

“Nhiều phụ huynh thắc mắc con số trường nợ 3.000 tỷ đồng, đứng trên bờ vực phá sản có đúng hay không? Học phí trường thu của học sinh dùng vào việc gì mà dẫn đến nợ như vậy?” - một phụ huynh gửi câu hỏi đến bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch hội đồng trường trong buổi đối thoại chiều 30/3.

Trước câu hỏi này, bà Út Em ngập ngừng và không nhắc đến số tiền trên. Trong báo cáo gửi đến các ban ngành và trao đổi với phụ huynh, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (chủ đầu tư Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam) đã lý giải việc họ thua lỗ, thiếu hụt dòng tiền và khẳng định “công ty hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào khác ngoài giáo dục”.

Phía công ty cho hay, trường có khả năng tiếp nhận khoảng 4.000 học sinh nhưng thực tế chỉ mới tuyển được gần một nửa. Họ đã dùng vốn của chủ đầu tư và tiền của phụ huynh để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Hàng năm, nhà trường vẫn chi tiền nâng cấp cơ sở vật chất, đóng phí chương trình tú tài quốc tế (IB), tổ chức tuyến xe buýt miễn phí đưa đón học sinh.

Trong các năm 2022 và 2023, lãi suất các hợp đồng vay và lãi huy động trái phiếu lên cao khiến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh. Cùng với đó, dịch Covid-19 khiến nguồn thu giảm, trong khi chi phí không đổi. Với khó khăn ngoài dự tính, công ty đã tạm thời mất thanh khoản trong ngắn hạn, dẫn đến chậm lương cho giáo viên và chậm hoàn tiền cho phụ huynh với hợp đồng hợp tác đầu tư. N. Lê

MỚI - NÓNG