Vũ trụ sẽ ngập rác, thậm chí vũ khí hạt nhân cũng có mặt?

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 của Trung Quốc. Ảnh: National Interest.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 của Trung Quốc. Ảnh: National Interest.
TPO - Việc các siêu cường thế giới đang tăng cường hiện diện trong không gian khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng, các quỹ đạo quan trọng sẽ trở nên vô dụng vì bị quá nhiều rác vũ trụ cản trở, thậm chí vũ khí hạt nhân cũng sẽ có mặt trong không gian.

Sự việc không đến mức nghiêm trọng như trong phim “Chiến tranh giữa các vì sao”, nhưng chỉ việc phá hủy vệ tinh của đối phương cũng đem lại nhiều rủi ro.

Hội chứng Kessler

Một mối lo là việc cạnh tranh trong không gian như vậy có thể dẫn tới một kịch bản ác mộng gọi là hội chứng Kessler (đặt theo tên nhà vật lý thiên văn Donald Kessler), báo Anh The Guardian đưa tin ngày 31/8. Nhà khoa học Mỹ này cảnh báo rằng, rác vũ trụ tích tụ ngày càng nhiều sẽ làm tắc nghẽn các quỹ đạo quan trọng. Ví dụ, vụ Trung Quốc bắn hạ vệ tinh năm 2007 tạo ra hơn 3.000 mảnh vỡ có thể theo dõi được.

Một trong những mục đích quan trọng của Hiệp ước Bên ngoài không gian có hiệu lực từ ngày 10/10/1967 là ngăn cản việc quân sự hóa vũ trụ bằng cách cấm sử dụng vũ khí phá hủy hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, trên quỹ đạo và ngoài không gian.

Nhưng chỉ nửa thế kỷ sau, viễn cảnh xuất hiện vũ khí hạt nhân trong vũ trụ không còn là tương lai xa vời bởi có sự kết hợp giữa công nghệ ngày càng đơn giản hơn và sự xuất hiện của các chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nhận định, trong tương lai, chiến trường diễn ra vũ trụ. Ngày 30/8, ông dự lễ thành lập Bộ tư lệnh không gian trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Bộ tư lệnh mới này sẽ thúc đẩy lĩnh vực không gian với các vệ tinh, máy bay tầm cao có cả nhiệm vụ phòng thủ và tấn công.

Theo các báo cáo quân sự của Mỹ, “sự nổi lên của Trung Quốc và sự tái xuất của Nga” đã làm suy yếu vị trí được cho là thống trị của Mỹ trong không gian. Người ta lo cho độ an toàn, an ninh của các vệ tinh. Cụ thể là vệ tinh phục vụ các hệ thống thông tin liên lạc dân sự và quân sự trọng yếu và hệ thống dẫn đường như GPS có thể bị đối phương bắn hạ.

Thậm chí người ta đã nghĩ đến viễn cảnh các vệ tinh được trang bị laser, máy phá tần số radio, máy phun hóa chất, thậm chí cánh tay robot để phá hủy thiết bị của đối phương trong không gian.

Thế giới đã chứng kiến việc phóng tên lửa từ mặt đất để phá hủy mục tiêu trong không gian. Kỹ thuật “bắn giết” này được thử nghiệm lần tiên vào năm 2007, khi đó Trung Quốc bắn hạ một vệ tinh thời tiết. Sau đó, Mỹ và Nga có những thử nghiệm tương tự. Đến tháng 3/2019, Ấn Độ trở thành nước thứ tư trên thế giới thử nghiệm thành công bắn hạ mục tiêu trong vũ trụ.

Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cáo buộc Nga do thám bằng cách sử dụng một vệ tinh “tai to”. Người ta không biết chắc vệ tinh quân sự Nga Olymp-K (còn gọi là Luch) có thể làm được những gì nhưng tin rằng, nó có tính năng tương tự vệ tinh quân sự của các nước phương Tây.

Nước Anh cũng đã bị lôi kéo vào mặt trận mới ngoài không gian. Tháng trước, bà Penny Mordaunt, khi đó vẫn còn là Bộ trưởng Quốc phòng Anh, thông báo kế hoạch tham gia một chương trình Mỹ ít được nói tới mang tên Chiến dịch Người bảo vệ Olympic. “Đây sẽ là một liên minh quốc tế được thành lập để gia tăng sức mạnh răn đe đối với các lực lượng thù địch trong vũ trụ”, bà nói.

Trung Quốc tiên phong thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh

Ngày 11/1/2007, Trung Quốc thử nghiệm phóng tên lửa từ mặt đất để phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo. Theo đó, một tên lửa bay với vận tốc 8 km/giây đã phá hủy vệ tinh thời tiết FY-1C của nước này ở độ cao 865 km. Vệ tinh nặng 750 kg, theo tạp chí Aviation Week & Space Technology.

Chính phủ Trung Quốc ban đầu không xác nhận vụ thử nghiệm, nhưng đến ngày 23/1/2007, Bộ Ngoại giao nước này chính thức xác nhận. Trung Quốc nói rằng, họ đã chính thức báo trước về vụ thử nghiệm cho Mỹ, Nhật và nhiều nước khác, Guardian đưa tin.

Đây là vụ thử nghiệm can thiệp vệ tinh thành công và được công bố rộng rãi đầu tiên kể từ năm 1985, khi Mỹ có thử nghiệm tương tự - sử dụng tên lửa ASM-135 phóng từ máy bay để phá hủy vệ tinh P78-1.

Sau đó có nhiều báo cáo Mỹ cho rằng, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm tên lửa tiêu diệt vệ tinh tầm cao và tên lửa đạn đạo trong nhiều năm, trong đó có ít nhất hai vụ nhằm vào mục tiêu đạn đạo vào tháng 1/2010 và tháng 1/2013.

Hệ thống chống vệ tinh của Trung Quốc được giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ đặt tên là SC-19. SC-19 dựa trên tên lửa đạn đạo DF-21 được cải tiến. Tên lửa có vận tốc bay xấp xỉ 8 km/giây, tương đương hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ.

Sau khi Trung Quốc thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh năm 2007, một số nước phản đối và nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng của việc quân sự hóa không gian. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thời đó là Liu Jianchao nói rằng, các nước không cần lo lắng về điều đó, Trung Quốc sẽ không tham gia bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào ngoài không gian.

Mỹ không thử vũ khí chống vệ tinh nào từ năm 1985. Tháng 2/2008, Mỹ phá hủy một vệ tinh Mỹ không còn hoạt động nhưng ở độ cao thấp hơn nhiều so với vệ tinh mục tiêu mà Trung Quốc bắn hạ năm 2007.

Mỹ tuyên bố rằng, vụ phá hủy vệ tinh năm 2008 không phải là thử nghiệm quân sự mà là việc cần làm để loại bỏ nguy cơ của một vệ tinh do thám bị lỗi vẫn còn đầy bình nhiên liệu hydrazine, báo Úc Sydney Morning Herald đưa tin.

Các vụ thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh tạo ra nhiều rác vũ trụ tồn tại nhiều năm trời và có thể cản trở các hoạt động vũ trụ trong tương lai. Vụ bắn hạ vệ tinh của Trung Quốc tạo ra số lượng rác vũ trụ kỷ lục – hơn 3.000 mảnh vỡ có thể theo dõi được (to cỡ quả bóng chơi golf trở lên), khoảng 150.000 mảnh vỡ nhỏ, theo BBC. Tính đến tháng 10/2016, người ta phát hiện 3.438 mảnh vỡ, gồm 571 mảnh đã phân hủy và 2.867 mảnh vẫn còn ở trên quỹ đạo 9 năm sau vụ bắn hạ vệ tinh.

Tính đến tháng 4/2011, mảnh vỡ từ vụ thử nghiệm của Trung Quốc vượt quá Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) 6 km, CNN đưa tin.

Tính đến tháng 4/2019, trong tổng số 10.000 mảnh rác vũ trụ mà quân đội Mỹ thường xuyên theo dõi và coi là nguy cơ va chạm với ISS có 3.000 mảnh hình thành sau vụ Trung Quốc bắn hạ vệ tinh năm 2007, theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ.

Vũ trụ sẽ ngập rác, thậm chí vũ khí hạt nhân cũng có mặt? ảnh 1 Quỹ đạo của mảnh vỡ vệ tinh thời tiết một tháng sau khi bị Trung Quốc bắn hạ tháng 1/2007 (quỹ đạo được phóng to). Đồ họa: NASA.
MỚI - NÓNG