>> Nguyên TGĐ PMU18 lĩnh án 13 năm tù giam
Bùi Tiến Dũng tại phiên tòa xét xử tội đánh bạc và đưa hối lộ. Ảnh : C.M |
Bản cáo trạng này do Vụ trưởng Vụ 1A Nguyễn Duy Hồng ký ngày 4/4/2008. VKSND Tối cao đã quyết định ủy quyền cho VKSND thành phố Hà Nội cử kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án này.
Trong vụ án, Bùi Tiến Dũng (nguyên Tổng giám đốc PMU18) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 165, Khoản 3-BLHS. 5 bị can còn lại gồm:
Phạm Tiến Dũng, Vũ Mạnh Tiên, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Thị Thanh Hòa (vợ Phạm Tiến Dũng) và Bùi Thu Hạnh (em gái Bùi Tiến Dũng) bị truy tố về tội "tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 278-BLHS. Riêng 3 bị can: Nguyễn Việt Tiến, Nguyễn Ngọc Mỡi, Nguyễn Hữu Vinh đã được VKSND Tối cao đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự.
Cáo trạng của VKSND Tối cao đã nhận định: Bùi Tiến Dũng từ năm 1998 đến năm 2005, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, đã cho mượn, sử dụng sai mục đích 7 ô tô. Ngoài ra, Bùi Tiến Dũng đã sử dụng không đúng tiêu chuẩn, định mức 2 ô tô, tổng số là 9 xe. Hành vi cho mượn, sử dụng xe của Bùi Tiến Dũng nêu trên đã trái với quy định tại Điều 6,7,8,13,23 và 35 - Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản, và trái quy định tại Điều 15 quy định về tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước.
Theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an), giá trị thiệt hại trong thời gian cho mượn và sử dụng 9 xe nêu trên đã gây thiệt hại tổng số 2.680.963.057 đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định Bùi Tiến Dũng còn điều động cho mượn thêm 23 xe ô tô khác.
Tuy nhiên, VKSND Tối cao xét thấy Bùi Tiến Dũng điều động những xe này trong phạm vi cơ quan chủ đầu tư sử dụng, có bút phê hoặc văn bản của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải để phục vụ lãnh đạo Bộ, phục vụ một số cơ quan có chức năng tham mưu của Bộ Giao thông vận tải, có liên quan trực tiếp đến công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện các dự án của chủ đầu tư... nên VKS đã quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Bùi Tiến Dũng về việc điều động, cho mượn số ô tô này.
5 bị can còn lại đều là các cán bộ thuộc PMU 18, trong quá trình triển khai thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 18, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Cụ thể, yêu cầu ban điều hành các gói thầu ký hợp đồng thuê nhà, thuê trụ sở, thuê xe ô tô, lập bảng lương ( là các hợp đồng khống) để chiếm đoạt tiền dự án. Phạm Tiến Dũng và Vũ Mạnh Tiên lập hợp đồng khống cho thuê ô tô và thuê trụ sở (gói thầu 3 và 4) chiếm đoạt 368 triệu đồng. Ngoài ra, Phạm Tiến Dũng còn cùng vợ là Lê Thị Thanh Hòa lập hợp đồng khống cho thuê nhà (gói thầu 1 và 4) nhằm chiếm đoạt 340 triệu đồng. Phạm Tiến Dũng tiếp tục lập hợp đống khống cho thuê nhà, thuê ô tô (gói thầu số 4) chiếm đoạt 792 triệu đồng.
Em gái Bùi Tiến Dũng là Bùi Thu Hạnh làm cán bộ phòng tài chính kế toán của PMU18, biệt phái làm Chánh văn phòng tư vấn chính tại Hà Nội, có nhiệm vụ mua sắm văn phòng phẩm, thanh toán chi cho nhân viên văn phòng tư vấn. VKS xác định: Hạnh đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt 86.695.000 đồng. Trong đó, riêng khoản tiền lương khống lên tới 53,2 triệu đồng.
Trong cáo trạng, VKS cũng đã nhắc tới việc quá trình điều tra, Phạm Tiến Dũng, Lê Thị Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Sơn, Bùi Thu Hạnh đã tự giác nộp 1 phần hoặc toàn bộ số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả, đồng thời các bị can này còn có thái độ khai báo thành khẩn giúp cho việc điều tra tội phạm được thuận lợi... Vì vậy, VKS cho rằng đây là tình tiết để đề nghị Tòa án xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị can.
Dự kiến, vụ án này sẽ được Tòa án nhân dân thành phố đưa ra xét xử vào tháng 7 tới.
Theo Kim Anh
TTXVN