Hôm nay (28/5), TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên xử phúc thẩm vụ ‘logo xe vua’ mà Tiền Phong từng có các loạt bài phản ánh.
Trước đó, vào tháng 10 năm 2018, TAND TPHCM trong phiên xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Cảnh Chân 8 năm tù; Nguyễn Văn Thới (42 tuổi) 14 năm tù; Trần Quốc Thái (47 tuổi) 10 năm tù; Lê Thị Cẩm Vân (36 tuổi) 9 năm tù). Các bị cáo còn lại lãnh từ 1 năm 6 tháng tới 4 năm tù về các tội “Đưa hối lộ” và “Môi giới hối lộ”.
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 1/2014-8/2015, các bị can Thới, Vân và các đồng phạm đã cấu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên các tuyến đường thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM góp tiền đưa hối lộ cho TTGT, CSGT để không bị xử phạt.
Các bị cáo Thới, Thái tổ chức in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”; Vân in logo chữ “xe chở hàng” bán cho chủ xe, tài xế giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo dán làm mật hiệu nhận biết khi bị TTGT, CSGT kiểm tra. Mỗi tháng, Thới lập danh sách các xe mua logo bằng cách ghi biển số các xe vào giấy để theo dõi.
Bị cáo Thới và Thái đã bán được khoảng 15.000 lượt logo, thu lời bất chính gần 23 tỷ đồng và một phần số tiền này được dùng để đưa hối lộ. Thới đưa hối lội 79 lần với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng, lần đưa nhiều nhất là 150 triệu đồng.
Ngoài ra, Thới còn nhờ một người em họ 12 lần chuyển cho cán bộ thuộc Đội 1, Phòng CSGT - Công an tỉnh Đồng Nai tổng số tiền 1,2 tỷ đồng để đưa cho một số cán bộ CSGT khác. Thới và Thái đưa cho các đội, trạm 1,3 tỷ đồng. Thái có 39 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng và hưởng lợi 360 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 17,8 tỷ đồng Thới đã sử dụng nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị lập biên bản, trả tiền thuê xe ôm báo tin và bản thân hưởng lợi 1,3 tỷ đồng…
Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân, bản án cũng xác định, khoảng tháng 6/2014, Thới nhờ Nguyễn Cảnh Chân giúp để các đội của phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai không xử phạt lỗi chở hàng quá tải đối với các xe gắn logo do Thới bán. Chân nói cho ông Võ Thanh Sơn (đội trưởng Đội 1, phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai) và được ông Sơn đồng ý.
Ông Nguyễn Cảnh Chân thông báo với Thới, nếu xe nào bị kiểm tra, cứ nói xe của anh Sơn và gọi điện thoại cho Chân biết địa điểm, biển số xe bị kiểm tra để Chân gọi cho ông Sơn giải quyết. Sau đó, Thới nhờ vợ chuyển vào tài khoản của vợ ông Chân 7 lần, với tổng số tiền gần 600 triệu đồng.
Tổng cộng ông Chân đã trung gian môi giới cho Thới đưa hối lộ 12 lần, lần ít nhất 60 triệu đồng, lần nhiều nhất 120 triệu đồng. Ông Thới chuyển cho Chân gần 1,3 tỷ đồng, Chân chuyển giúp Thới gần 1 tỷ còn 300 triệu đồng Chân sử dụng cá nhân. Thới cũng khai đã đưa hối lộ 79 lần với số tiền gần 5 tỷ đồng cho nhiều cán bộ TTGT, CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, lần đưa ít nhất 9 triệu đồng, nhiều nhất 105 triệu đồng. Vân có 16 lần đưa hối lộ, mỗi lần đưa ít nhất 3 triệu đồng, nhiều nhất 150 triệu đồng.
Sau án sơ thẩm, 6 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đáng lưu ý là dù suốt quá trình điều tra, cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân kêu oan và tại tòa đã khai đưa hàng trăm triệu đồng cho ‘sếp’ nhưng cũng chấp nhận án 8 tù và không kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, HĐXX trong phần làm thủ tục phiên tòa, nhận thấy có bị cáo (đang tại ngoai) vắng mặt vì bệnh. Bị cáo này cũng có đơn xin hoãn phiên tòa. HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận hoãn tòa, thời gian mở lại phiên xử tòa sẽ thông báo sau.
Tại phiên xử sơ thẩm, cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân cũng khai tại tòa là có đưa hối lộ cho người liên quan. Lý do cấp sơ thẩm tuyên ‘không có ai nhận hối lộ’ vì tòa nhận thấy trong vụ án có việc đưa hối lộ, qua lời khai của các bị cáo. Ngoài lời khai thì không có thêm chứng cứ gì, khuôn khổ phiên tòa, HĐXX chỉ xét xử hồ sơ, chứng cứ có trong vụ án, vì vậy tòa không xem xét hành vi các TTGT, CSGT bị “tố” nhận tiền này và hồ sơ vụ án thể hiện các bị cáo khai có 79 CSGT, TTGT nhận tiền hối lộ.