Trước vụ việc thầy giáo dâm ô hàng loạt học sinh xảy ra ở Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ), chuyên gia kỹ năng sống cho biết, cha mẹ cần dạy trẻ tạo khoảng cách đề phòng với cả những người thân quen.
Theo chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống, TS. Vũ Thu Hương, đây là vụ việc hết sức đau lòng. Nhưng nếu phụ huynh biết cách xử lý càng sớm càng tốt thì sẽ không để bất cứ di chứng gì, thời gian sẽ dần giúp đứa trẻ quên đi mọi chuyện. Còn nếu các phụ huynh cứ nhắc đi nhắc lại và chất vấn con thì chỉ mang lại tác dụng ngược.
"Lúc này chính cha mẹ một lần nữa xâm hại tới đứa trẻ, thậm chí trẻ có thể trở nên trầm cảm thực sự vì cứ phải nghe nói tới những đau đớn đó”- TS. Hương phân tích.
Một con số đáng báo động mà chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương cảnh báo là, thủ phạm dâm ô, xâm hại trẻ em chắc chắn không phải chỉ đến từ người lạ.
“Có đến 60-70% thủ phạm các vụ xâm hại là đến từ người thân quen như: thầy (cô) giáo, ông, bố, bác, đặc biệt là hàng xóm - những người bạn của bố thì rất nhiều”- TS. Hương nhấn mạnh.
Chính vì vậy, khi dạy con cách phòng tránh xâm hại tình dục thì phụ huynh đừng nghĩ rằng chỉ cần phải dạy con phòng tránh người lạ mà còn phải dạy con phòng tránh từ người quen nữa. Điều quan trọng là dạy các con luôn tạo khoảng cách an toàn đối với tất cả mọi người. Đó là quy tắc 4 vòng tròn: Nêu rõ các mức hành vi và mức quan hệ nào được làm với trẻ và hành vi nào không nên làm. Với bố mẹ, có thể được ôm. Ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột được khoác tay. Còn những người họ hàng thân quen chỉ được bắt tay. Người lạ đến gần hãy xua tay.
“Nhiều người phản đối tại sao không được cho ông bà ôm, hôn mà chỉ được dắt tay; tại sao bạn bè chỉ được bắt tay mà không được kề vai bá cổ; bố mẹ chỉ được ôm mà không được chạm vào bộ phận phía dưới của con mà chưa được sự đồng ý của con… Tôi cho rằng, để mà phòng tránh xâm hại tình dục thì cần thiết phải làm như thế, cần tạo khoảng cách an toàn phù hợp, thân thiết vừa độ”- TS. Hương nói.
Nữ tiến sĩ thông tin nhiều phụ huynh không nghĩ rằng việc dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cần lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo phản xạ. Một số phụ huynh bây giờ chỉ học theo tâm lý phong trào, rồi tự hào mình đi đúng hướng.
Cụ thể, cha mẹ cần dạy con từ 3 tuổi về cách phòng chống xâm hại tình dục theo khả năng tiếp nhận của trẻ.
Các nội dung cần dạy là con muốn ra khỏi nhà cần xin phép người lớn. Cha mẹ nhờ ai đón hộ nên có “mật mã” để trao đổi với trẻ, tránh bắt cóc.
Bố mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ. Nếu ai ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo người lớn, công an, cảnh sát vì bản thân không đủ khả năng làm việc này.
Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân; không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng; đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối...
Trên thực tế, người Việt Nam có thói quen xấu khi coi trẻ em như đồ chơi. Họ thường khoe, trêu ghẹo, cấu véo cơ thể của trẻ và coi đó là hành động bình thường.
Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, đây chính là xâm hại. Hành động này thường xuyên khiến trẻ không thể phân biệt tốt - xấu, nhầm lẫn là biểu hiện của tình yêu thương. Để bảo vệ con tốt hơn, phụ huynh cần thay đổi thói quen này.
Những dấu hiệu để nhận biết con có bị xâm hại tình dục đó là hoảng hốt, sợ hãi, đôi khi các cháu gần như tê liệt cảm xúc vì quá tổn thương.
Các cháu sẽ khóc thét lên khi có ai đó động vào người, đặc biệt là gần phần nhạy cảm. Đó là những biểu hiện rõ nét nhất của việc bé đã bị xâm hại tình dục.
Ngoài ra, việc xác định chính xác cần có sự can thiệp chuyên môn của bác sĩ.