Ồ ạt xin tách thửa
Như Tiền Phong đã đưa tin, Công an tỉnh Lâm Đồng đang tổ chức khám nghiệm hiện trường để xác minh tin báo tội phạm do Thanh tra tỉnh này chuyển đến đối với một số dấu hiệu sai phạm trong việc hiến đất mở đường, phân lô, tách thửa trên địa bàn TP. Bảo Lộc.
Mở đường phân lô ở thôn 14, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc |
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích tự mở đường, hiến đất 3 năm qua lên tới 69.551m2, trong đó nhiều nhất là xã Đam B’ri với 40.478m2, phường Lộc Phát 7.260m2.Các trường hợp hiến nhiều đất là ông Nguyễn Đức Hưng (20.041m2), bà Nguyễn Ngọc Anh Thư (18.865m2), ông Trần Văn Canh 4.484m2,ông Vũ Văn Toàn 1.346m2…
Vẫn theo cơ quan thanh tra, đất được hiến càng nhiều thì hồ sơ xin tách thửa càng tăng. Trước đây, ở TP Bảo Lộc, tình trạng xin tách thửa chỉ diễn ra lẻ tẻ, nhưng giai đoạn 2018-2020 lại tăng vọt với hơn 2.800 hồ sơ (tổng diện tích gần 8.600.000m2). Đơn cử, ở phường Lộc Phát, ông Vũ Văn Toàn tách thành 62 thửa, ông Cù Ngọc Hòa tách thành 49 thửa, ông Trần Văn Canh tách thành 49 thửa, ông Nguyễn Văn Chỉnh tách thành 34 thửa. Tương tự, tại xã Đam B’ri, các bà Nguyễn Thị Hòa-Nguyễn Thị Kim Oanh tách thành 44 thửa, ông Nguyễn Văn Hùng tách thành 31 thửa, ông Nguyễn Đức Hưng và Nguyễn Ngọc Anh Thư tách thành 11 thửa. Căn cứ theo sổ đỏ, toàn bộ số diện tích đất tách thửa trên đều là đất trồng cây lâu năm.
Đáng chú ý, qua thanh tra cho thấy nhiều trường hợp lợi dụng việc hiến đất mở đường để hợp thửa, tách thửa, chuyển mục đích và phân lô nhằm mục đích chuyển nhượng để hưởng lợi. Bên cạnh đó, một số người có dấu hiệu lấn chiếm đất công khi xây hàng rào, nhà bảo vệ trên phần đất đã hiến.
Theo quy định, khi hiến đất phải lập “văn bản tặng cho quyền sử dụng đất”, nhưng tại một số xã, phường ở TP Bảo Lộc, nhiều người chỉ làm “Đơn xin hiến đất” rồi tự xây dựng công trình giao thông trên đất nông nghiệp để xin tách thửa. UBND cấp cơ sở cũng chỉ ghi nội dung “kính chuyển các cơ quan giải quyết”, vậy mà cơ quan đăng ký đất đai vẫn chấp nhận hồ sơ, ghi nhận hiện trạng (đường giao thông) vào hồ sơ địa chính. Việc làm này đã gián tiếp ghi nhận công trình vi phạm, tạo điều kiện cho người sử dụng đất được tách thửa vì lợi ích cá nhân.
Trong hầu hết các trường hợp, Chi nhánh Văn phòng đất đai TP Bảo Lộc tiến hành đo đạc thực địa, lập biên bản đo vẽ, lập hồ sơ trình Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh thẩm định rồi trình Sở TN&MT ký cấp sổ đỏ, phớt lờ vai trò của Phòng TN&MT... Mặt khác, cơ quan đăng ký đất đai còn “loại trừ” công tác quản lý của chính quyền cấp xã. Chẳng hạn, đơn xin hiến đất làm đường của ông Cù Ngọc Hòa không có xác nhận của UBND phường Lộc Phát, chỉ gửi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc và Sở TN&MT, song vẫn được chấp nhận hồ sơ, thực hiện các thủ tục tách thửa.
Hợp thức hóa hồ sơ cấp sổ đỏ
Nhiều trường hợp mặc dù không đủ điều kiện nhưng vẫn được Sở TN&MT cho tách thửa và cấp sổ đỏ bất chấp các quy định của pháp luật. Tiêu biểu, trong đơn xin hiến đất ký ngày 23/11/2020 của bà Phùng Thị Nga, UBND xã Đam B’ri ghi rõ bà Nga chưa hoàn thành việc xây dựng hạ tầng. Nhưng sau đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Bảo Lộc vẫn thực hiện thủ tục tách thửa.
Kỳ lạ hơn, để giải quyết hồ sơ này, ngày 16/12/2020, Sở TN&MT ban hành văn bản đề nghị UBND TP.Bảo Lộc cho ý kiến đối với việc chia tách lô đất và hiến đất làm đường. Hồ sơ chưa kịp chuyển đến cơ quan tiếp nhận thì ngay trong ngày 16/12/2020, Sở TN&MT đã ký cấp 5 sổ đỏ sau tách thửa cho bà Nga. Một số trường hợp khác, Sở TN&MT cũng chỉ gửi văn bản hỏi ý kiến UBND TP Bảo Lộc cho đủ thủ tục rồi cho tách thửa chứ không quan tâm đến nội dung trả lời.
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng việc người dân hiến đất làm đường tràn lan làm giảm hiệu quả sử dụng đất (đất nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp). Tình trạng phân lô tách thửa trên địa bàn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư mới không đúng quy hoạch do hiện nay diện tích đất này được rao bán dưới hình thức các “dự án bất động sản” để lừa đảo người mua.
Đối với hồ sơ xin tách thửa của cặp vợ chồng Trịnh Ngọc Bích - Phạm Thị Trang, trong đơn xin hiến đất chỉ có chữ ký của bà Trang mà không có chữ ký của người đồng sử dụng đất (ông Bích vẫn có quyền khiếu nại, tranh chấp) nhưng vẫn được UBND xã xác nhận. Sau đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc lập hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh thẩm định, Sở TN&MT cho tách thửa, cấp sổ đỏ.
Từ thực tế trên, cơ quan chức năng cho rằng cơ quan đăng ký đất đai có dấu hiệu buông lỏng việc kiểm soát trình tự, thủ tục, tính pháp lý khi lập hồ sơ thẩm định, tham mưu cho Sở TN&MT các thủ tục tách thửa, cấp sổ đỏ.
Theo đó, ngoài việc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở TN&MT xem xét tạm thời chuyển vị trí công tác đối với lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc.