Vũ công bốn tuổi đoạt giải 'đặc biệt' khiêu vũ thể thao

Vũ công bốn tuổi đoạt giải 'đặc biệt' khiêu vũ thể thao
TP - Thí sinh nhỏ nhất hơn 4 tuổi, cao tuổi nhất 65, không bạn nhảy có thể thi một mình...Giải Khiêu vũ Thể thao Hà Nội mở rộng Cúp Ernest Borel 2011 tạo điều kiện hết cỡ cho thí sinh.

Gần kết thúc đêm chung kết 31-12 tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, BTC phát clip về cô bé Thanh Nga sinh năm 2007, được gia đình cho học khiêu vũ từ hơn năm nay. Thanh Nga tự tin một mình bước ra giữa sàn trình diễn.

Kiện tướng Chí Anh, tổ trưởng tổ trọng tài cho biết, thực ra bé Nga không được vào chung kết, nhưng vì bé say mê khiêu vũ, liên tục chất vấn BTC, nên được ưu ái ra sàn diễn. Kiện tướng Chí Anh đích thân tặng quà bé ngay sau màn biểu diễn.

Khi thấy anh chị lớn hơn có huy chương, bé thắc mắc: Tại sao con chỉ được chú heo nhồi bông. Gia đình đành nói, vì con được giải đặc biệt. “Cháu bé rất có khiếu, chẳng qua còn quá nhỏ. Tôi đánh giá cao sự tự tin của cô bé”, Chí Anh đánh giá với tư cách thầy dạy trực tiếp.

Thí sinh nhí thoải mái khiêu vũ một mình. Ảnh: T.Toan
Thí sinh nhí thoải mái khiêu vũ một mình. Ảnh: T.Toan.

Cặp bạn nhảy cao niên nhất không riêng ở kỳ thi này, mà ở làng khiêu vũ thể thao: Dương Thị Hải Yến (63 tuổi) và Thái Văn Dũng (65 tuổi). Hai vợ chồng có niềm say mê đặc biệt, bén duyên môn này từ giải Hà Nội mở rộng năm 2005.

Ở giải đó, bà Hải Yến giành giải Nhất mục Standard trên 50 tuổi. Thường hai vợ chồng họ là cặp nhảy khá chỉnh, nhưng như lời ông Dũng, ở mỗi giải thi đấu, vợ mình có thể thi cùng nhiều bạn nhảy ở nhiều hạng mục khác nhau.

“Coi khiêu vũ thể thao như môn tập thể dục, mà ở độ tuổi này nó giúp bộ não thức tỉnh, cơ thể uyển chuyển, tinh thần tươi vui. Con cái luôn khuyến khích chúng tôi tập luyện, khỏe người, đỡ bệnh tật”, cặp nhảy cao tuổi này tâm sự.

Cặp vận động viên U70 này ngày nào cũng bỏ ra ít nhất 3 tiếng tập. Buổi tập bắt đầu từ 5 giờ sáng, sau đến là các bài tập ở công viên. Trước mỗi giải đấu, họ còn bỏ nhiều công sức, tiền bạc để mời huấn luyện viên. Một buổi tập với huấn luyện viên có tiếng, đẳng cấp quốc gia rẻ nhất cũng 500 ngàn đồng.

Vũ công 4 tuổi và món quà đặc biệt. Ảnh: T.Toan
Vũ công 4 tuổi và món quà đặc biệt. Ảnh: T.Toan.

Được xếp vào hàng kỳ cựu trong các giải đấu của bộ môn khiêu vũ thể thao, vợ chồng ông bà Yến- Dũng ngồi đếm được hơn trăm huy chương, cúp các loại qua hàng chục giải đấu: “Năm 2011, chúng tôi tham gia 5 giải đấu ở Đăk Lăk, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội. Riêng giải Hà Nội lần này, hai vợ chồng được gần chục huy chương. Chúng tôi cũng không lấy số huy chương để ra uy, mở lớp dạy này kia. Ở tuổi này rồi, chúng tôi mong được tập luyện, giao lưu với bạn bè, đặc biệt không bỏ qua dịp thi đấu nào”.

Cặp Nguyễn Tuấn Đạt (17 tuổi) và Phan Nguyễn Quỳnh Hương (13 tuổi) có thể được xem là một trong những niềm tự hào, tương lai của khiêu vũ thể thao Việt Nam, tiếp bước Chí Anh- Khánh Thy. Tháng 10 năm ngoái, Đạt và Hương đoạt chức vô địch khiêu vũ thể thao lần thứ 20 trong năm, khi giành giải cao nhất ở giải toàn quốc Vũ điệu Xanh 2011.

Đêm chung kết vừa rồi, Đạt và Hương cùng sánh bước lên bục nhận giải Vô địch trẻ 5 điệu Latin, Nhì Thanh niên 5 điệu Latin, nhất 5 điệu Standard.

Tập cùng nhau đã 6 năm, Đạt- Hương khá may mắn vì có gia đình hỗ trợ. Chuẩn bị cho kỳ thi từ tháng 8, họ được hai bên gia đình tài trợ 40 ngày huấn luyện ở Ý, Đức. “Tìm bạn nhảy không đơn giản, vừa phải chọn người cùng trình độ, gia đình hai bên phải cùng đầu tư”, Tuấn Đạt nói.

Hương kém Đạt 4 tuổi thường thi ở hạng thiếu niên, nhưng vì bạn nhảy Đạt đủ tuổi thi hạng thanh niên, nên Hương thành ra thiệt thòi vì phải đua theo trình độ của các chị.

Điều đặc biệt nhất ở cuộc thi này, BTC mở hạng mục thi đơn cho thiếu niên, thiếu nhi, giúp các em chưa tìm được bạn nhảy có cơ hội thi thố. Thực tế làng khiêu vũ thể thao ở Việt Nam, vận động viên nam hiếm hơn nữ. Các vận động viên chuyên nghiệp không ít lần ví von: “Tìm bạn nhảy khó hơn tìm người yêu”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG