Hao tổn nhân lực, vật lực
Vụ cháy kho xưởng Cty Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) hôm 28/8 không chỉ gây thiệt hại cho chính công ty này (theo báo cáo của Cty Rạng Đông lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngay sau vụ cháy, thiệt hại vào khoảng 150 tỷ đồng). Ngoài ra, thiệt hại chưa đong đếm được là sức khỏe, sự bất an, dịch chuyển của cư dân xung quanh.
Chi phí chữa cháy, đặc biệt là chi phí tẩy độc, dọn dẹp hiện trường ước tính là một khoản không nhỏ. Cụ thể, tính đến ngày 4/10, sau 21 ngày làm việc, Cty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 10 (Urenco 10) huy động 12 máy công trình các loại, 30 ô tô chuyên dụng với 1.680 lượt công nhân để dọn dẹp 6.000 m2 nhà xưởng, vận chuyển xong khoảng 1.200 tấn tro xỉ và 1.300 tấn chất thải xây dựng nhà xưởng sau cháy.
Để xử lý, khắc phục hậu quả vụ cháy, từ ngày 12/9 đến 5/10, trung bình mỗi ngày, Binh chủng Hóa học duy trì tại đây 60 cán bộ, chiến sĩ và nhiều lượt phương tiện, khí tài phòng hóa chuyên dụng. Trong đó, có những phương tiện, khí tài lần đầu được sử dụng để quan trắc môi trường cả ngày lẫn đêm. Đã có 120.000 lít dung dịch và 4 tấn hóa chất chống lan tỏa, phát tán thủy ngân ra ngoài môi trường được sử dụng để trả lại môi trường trong sạch cho khu vực nhà xưởng Rạng Đông.
Còn phát sinh các chi phí khác như khảo sát hiện trường, lấy mẫu, họp hành… Ngoài ra, cũng cần tính đến chi phí mà Sở Y tế Hà Nội phối hợp các bệnh viện trên địa bàn tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho hàng nghìn người dân sống quanh Cty Rạng Đông, thuộc hai phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung, từ ngày 6/9 đến 12/9. Trong đó 320 người phải vào viện lấy mẫu xét nghiệm thủy ngân.
Chưa có hướng dẫn
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch HĐQT Urenco 10, cho biết, Cty ký hợp đồng vận chuyển và xử lý chất độc hại với Cty Rạng Đông. “Công ty Rạng Đông phải trả chi phí cho Urenco 10 nhưng chi phí bao nhiêu, chúng tôi không thể công khai vì điều khoản trong hợp đồng không cho phép”.
Thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó Viện trưởng Viện Hóa học và Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học), cho hay, trong văn bản về triển khai công tác tẩy độc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ, Cty Rạng Đông phải chịu chi phí. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi chi phí tẩy độc, Binh chủng Hóa học đã ứng ra và đang chờ hướng dẫn thanh toán.
“Xăng xe, hóa chất được lấy từ kho của đơn vị do Bộ Quốc phòng cấp. Tiền công của cán bộ, chiến sỹ cũng đã được thanh toán theo chế độ. Những ngày xử lý tẩy độc, chúng tôi nhờ Cty Rạng Đông nấu cơm cho cán bộ, chiến sỹ và đã thanh toán tiền đầy đủ… Tuy nhiên, việc thanh quyết toán như thế nào vẫn phải đợi hướng dẫn”. Thượng tá Hoài cho hay, những năm qua, Binh chủng thực hiện nhiều nhiệm vụ tẩy độc nhưng không được thanh toán từ nguồn của các doanh nghiệp được tẩy độc, chẳng hạn việc Binh chủng lấy mẫu, tẩy độc tại Cty Formosa.
Về vấn đề này, ông Trần Trung Tưởng, Phó Tổng GĐ Cty Rạng Đông cho biết, Cty chưa thống kê được con số thiệt hại cuối cùng. Chi phí xử lý phế thải, tẩy độc do Cty Rạng Đông trực tiếp ký hợp đồng chi trả cho các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, ông Tưởng không tiết lộ chi phí. Ông Tưởng nói rằng, Cty Rạng Đông cũng có ký hợp đồng bảo hiểm một phần, hai bên đang thực hiện thủ tục chi trả.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, theo Luật Bảo vệ môi trường, những doanh nghiệp gây phát thải, gây ô nhiễm phải chịu chi phí khắc phục và xử lý. Về chuyên môn, nếu doanh nghiệp không có điều kiện thì cơ quan chức năng, quân đội phải làm. Như thế, chi phí ban đầu là Nhà nước bỏ ra, sau đó, chi phí này được tính toán để doanh nghiệp chi trả. “Doanh nghiệp gây ra lỗi thì phải nghiêm khắc kiểm điểm, có thể xử lý hình sự nếu để xảy ra tội nặng, tội che giấu. Tuy nhiên, đến nay, kết luận vụ việc vẫn chưa được rõ nên chưa thể xác định”, tiến sĩ Phong nêu ý kiến.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Cty Luật, TAT nhìn nhận, đến nay, cơ quan chức năng mới thông tin sơ bộ để dư luận biết nguyên nhân vụ cháy do sự cố điện. Vì vậy, cần phải chờ cơ quan công an đưa ra kết luận cuối cùng về vụ cháy mới có căn cứ để xác định lỗi. “Trong Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định rõ: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, sự cố môi trường, gây thiệt hại có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Vì vậy, khi xác định được Công ty Rạng Đông có lỗi hay không, làm rõ thiệt hại xảy ra, mới có thể nói đến chuyện bồi thường, xử phạt”, luật sư Tú cho hay.
Năm 2010, thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra khi một giàn khoan dầu ngoài khơi của Tập đoàn BP phát nổ trên vịnh Mexico, làm tràn 4,9 triệu thùng dầu ra các vùng nước xung quanh. Vụ nổ cũng làm 11 người thiệt mạng và hủy hoại môi trường sống của nhiều loài thủy sinh vật. Tập đoàn BP đã mất 28 tỷ USD cho công tác dọn dẹp và đền bù sau sự cố tràn dầu. Đến ngày 5/10/2015, tập đoàn này còn chấp nhận nộp phạt 20,8 tỷ USD cho các thiệt hại của sự cố trên sau phán quyết do Bộ Tư pháp Mỹ. Ngoài ra, Tập đoàn BP còn phải thanh toán 5,5 tỷ USD cho các hình phạt liên quan Đạo luật Nước sạch.