Thông tin trên được Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, chỉ huy hiện trường tìm kiếm hai tiêm kích Su-22 và phi công mất tích - cho hay.
- Mảnh vỡ được cho là phần đuôi Su-22 phát hiện trong chiều 17/4 tương đối sâu và phức tạp nên lực lượng cứu hộ đã đánh dấu vị trí.
- Tất cả những chi tiết, mảnh vỡ vớt được nhanh chóng chuyển về tàu chỉ huy để phân tích và lên phương án tiếp tục tìm kiếm.
- Trước đó, sáng 18/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, lực lượng cứu hộ mới phát hiện thêm một ống phóng tên lửa nghi của một trong hai chiếc máy bay Su-22 đang mất tích.
- Trong khi đó, chiếc máy bay thứ hai vẫn chưa thấy tung tích. "Các lực lượng quân đội, cảnh sát biển, thợ lặn, ngư dân... đã làm việc rất tích cực. Tàu quét Sonar dò tìm phía dưới bằng sóng siêu âm cũng được đưa tới hiện trường. Hy vọng sẽ có hiệu quả", đại diện Cục tác chiến cho hay.
-
Đặc công vớt các mảnh vỡ máy bay rơi. Ảnh: Người lao động.
Trao đổi với VnExpress, đại tá Đỗ Hồng Đó - Chính ủy Vùng 3 cảnh sát biển (Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết, hôm nay, Cảnh sát biển đã dùng phao tiêu khoanh vùng đánh dấu vết dầu loang và khu vực nghi là có phần đuôi Su-22. Theo kế hoạch, ngày 19/4, phần đuôi này sẽ được cơ quan chức năng đưa lên từ đáy biển.
"Cuộc trục vớt này sẽ được truyền hình trực tiếp phát hình ảnh về Sở chỉ huy để các chuyên gia theo dõi phân tích, xử lý, tiếp tục có phương án tìm kiếm hiệu quả", vị Chính ủy cho hay.
Để đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm hai phi công và 2 máy bay Su 22, hai tàu quét mìn của hải quân từ Quảng Ngãi đã được điều đến hiện trường để tham gia tìm kiếm.
Hai tàu tuần tra 2009 và tàu cứu hộ cứu nạn 9002 cũng đã được điều động từ Cảnh sát biển Vùng 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến đảo Phú Qúy tham gia vào công tác tìm kiếm.
Phạm vi tìm kiếm các phi công mất tích đang được mở rộng ra phía Bắc đảo Phú Quý (cách đảo này từ 10 đến 20 km).
Tham gia tìm kiếm máy bay tiêm kích Su 22 mất tích ở đảo Phú Quý hôm 18/4 gồm các lực lượng: 1 tàu cảnh sát biển vùng 3, 2 tàu hải quân vùng 4, đặc công nước thuê một tàu số hiệu NT – 9032TS của ngư dân để làm phương tiện ra vị trí lặn, 1 trực thăng quận sự. Thượng tá, Hoàng Hồng Song - Phó đoàn trưởng đặc công nước là người chỉ huy đội lặn.
Theo báo Dân Việt, các mảnh vỡ vừa trục vớt vào đầu giờ chiều nay được cơ quan chức năng xác định là: 2 thùng dầu phụ, khung kính trước của buồng lái, 1 ống kim loại (chưa rõ là bộ phận gì trên Su-22), cùng một mảnh vỡ nghi là đuôi máy bay.
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết, các bộ phận vừa được trục vớt như buồng kính, đuôi máy bay, thùng dầu phụ… của máy bay tiêm kích Su-22 được lực lượng đặc công tập kết trên tàu biên phòng và có thể đưa về Sở chỉ huy tiền phương trong tối nay.
Hiện một số tàu đã vào đảo Phú Qúy tiếp nhiên liệu và cho cán bộ chiến sĩ nghỉ ngơi. Khoảng 16h30, việc tìm kiếm tạm ngưng để sang ngày 19/4 tiếp tục.
Các tàu tìm kiếm tại khu vực gần đảo Hòn Trứng. Ảnh VnExpress
Được biết song hành cùng hai tàu tuần tra, cứu hộ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng điều động máy bay tuần thám CASA212 bay từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) tham gia.
Đây là loại máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám hải quân hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu và được mệnh danh là "mắt thần biển Đông".
Máy bay Casa hiện đại nhất của Cảnh sát biển Việt Nam cũng được huy động trong cuộc tìm kiếm 2 máy bay tiêm kích Su 22.
Như tin đã đưa, 16/4, biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã bị mất liên lạc lúc 11h35. Khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20 km.
Hai phi công gặp nạn gồm trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 5857 và đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) điều khiển máy bay 5863.