Đà giảm nối dài sang phiên chiều nay, thị trường xuất hiện thêm cả trăm cổ phiếu giảm sàn. Trên HoSE có 170 cổ phiếu giảm sàn, xuất hiện ở hầu hết nhóm ngành, áp đảo nhất là nhóm bất động sản. Cổ phiếu đua nhau bị bán tháo, bên mua trắng trơn, thanh khoản nhỏ giọt.
Cuối phiên, loạt mã cổ phiếu như DXG, DIG, CII, LDG, GEX, ASM, IDI ... dư bán cả triệu cổ. Cặp đôi NVL, PDR cũng chưa ghi nhận thanh khoản trở lại. PDR kết phiên dư bán sàn 48 triệu đơn vị, còn NVL là 30,3 triệu đơn vị.
Trong một diễn biến khác, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) vừa thông báo sẽ bán giải chấp hơn 1 triệu cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ hôm nay đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định của YSVN.
Tính hết phiên, PDR đã giảm giá 17 phiên liên tiếp trong đó 5 phiên gần nhất giảm sàn. DIG, PDR là những mã nối gót NVL phải thực hiện giải trình do có 5 phiên giảm sàn liên tiếp.
Cũng trong nhóm bất động sản, động thái mua vào của lãnh đạo, người nội bộ các doanh nghiệp vẫn diễn ra mạnh mẽ. DXG vừa công bố, Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn đã hoàn tất việc mua vào 10 triệu cổ phiếu như đăng ký trước đó. Giao dịch của ông Thìn được thực hiện từ ngày 27/10 - 8/11. Ước tính theo giá đóng cửa trung bình là 13.050 đồng/cổ phiếu, ông Thìn đã chi hơn 130 tỷ đồng cho đợt mua cổ phiếu này.
Công bố mua vào trong bối cảnh cổ phiếu lao dốc, quỹ ngoại thoái vốn, Chủ tịch HĐQT KBC Đặng Thành Tâm cũng đăng ký mua 50 triệu cổ phiếu KBC trong thời gian từ 15/11 đến 14/12/2022. Chiếu theo giá cổ phiếu KBC trong phiên sáng là 14.100 đồng, ước tính ông Tâm cần chi hơn 700 tỷ đồng để mua thành công số cổ phiếu đã đăng ký.
Tại rổ vốn hóa lớn VN30 có tới 11 cổ phiếu giảm sàn |
Ngoài ảnh hưởng tiêu cực ở nhóm bất động sản, cổ phiếu lớn như ngân hàng đồng loạt lao dốc cũng khiến thị trường rực lửa. EIB, CTG, VPB, MSB, STB, SHB, MBB, LPB nằm sàn. Khoảng 20 cổ phiếu chứng khoán giảm sàn, nhóm thép cũng bị bán tháo mạnh, màu xanh sàn lấn át trên bảng điện tử. Cổ phiếu giảm sàn xuất hiện ở tất cả nhóm ngành.
Thanh khoản tăng khoảng 25% so với phiên trước, với giá trị khớp lệnh HoSE vượt 9.600 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại đã bớt tiêu cực, từ chỗ bán ròng mạnh phiên sáng, đến kết phiên chiều, vốn ngoại mua ròng 16,7 tỷ đồng trên HoSE. Khối ngoại gia tăng mua ròng PVS, KBC, VHC, DPM, DCM.... Ở chiều ngược lại, HPG tiếp tục là tâm điểm bán ròng, theo sau là STB.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 38,3 điểm (3,89%) xuống 947,24 điểm. HNX-Index giảm 9 điểm (4,47%) xuống 192,39 điểm. UPCoM-Index giảm 3,4 điểm (4,71 điểm) xuống 68,8 điểm. Chỉ số chứng khoán đại diện của nhiều thị trường lớn, nhỏ trong khu vực, trên thế giới đều giảm điểm, cẩn trọng chờ công bố dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Kết phiên hôm nay, chứng khoán Việt lại một lần nữa “đội sổ” trên bảng xếp hạng thế giới khi chỉ số đại diện giảm mạnh nhất.