Ngày 13/12, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Khóa XVII đã khai mạc Kỳ họp thứ 13. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thuý Lan chủ trì kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thuý Lan nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 13 có ý nghĩa rất quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được trong năm 2023; Chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; Dự báo tình hình, những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Từ đó, đề ra những cơ chế, chính sách, biện pháp để các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện năm 2024 và từ nay đến cuối của nhiệm kỳ.
Theo đó, để kỳ họp có chất lượng, hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thuý Lan đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ, phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế; Đề xuất, quyết định đúng đắn, kịp thời các cơ chế, chính sách để thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của HĐND tỉnh đã đề ra.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thuý Lan phát biểu khai mạc kỳ họp |
Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thuý Lan cho biết: Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh năm 2023; Xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách năm 2024; Xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024… Đồng thời, tiến hành giám sát chuyên đề “về việc triển khai thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” theo nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; Tập trung thảo luận, xem xét, quyết định thông qua các Nghị quyết do Thường trực HĐND, UBND tỉnh trình; Xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh, miễn nhiệm Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc…
Đặc biệt, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND tỉnh đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, đề nghị mỗi đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với cử tri, đối với tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh và bộ máy chính quyền của tỉnh, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do HĐND tỉnh bầu.
Thu ngân sách nội địa nằm trong 8 tỉnh cao nhất cả nước
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cho biết: Với sự quyết tâm cao độ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đã phục hồi, ước cả năm tăng 2,37%; Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 31.218 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa ước đạt 25.998 tỷ đồng (nằm trong top 8 tỉnh thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 |
Công tác xúc tiến đầu tư cũng là điểm sáng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 -2030; Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030... làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư. Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ; Thăm hữu nghị và tham dự Lễ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc); Tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản… Nhờ đó, kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, ước năm 2023 tỉnh đã thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch; Thu hút hơn 21.650 tỷ đồng vốn DDI, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch của tỉnh đặt hái được nhiều thành quả. Hàng loạt các chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch để kích cầu du lịch đã được triển khai, tiêu biểu như: Các hoạt động du lịch xuân 2023; Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Vĩnh Phúc bốn mùa tình yêu” tại thị trấn Tam Đảo; vận hành Cổng Thông tin điện tử App du lịch thông minh; Hướng dẫn triển khai 14 mô hình Farmstay, Homestay, 3 điểm du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa kiểu mẫu năm 2023… Kết quả, số lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh tăng rất cao, ước đạt gần 9,3 triệu lượt khách, tăng 13% so với năm 2022; Doanh thu du lịch ước đạt 3.610 tỷ đồng.
Đối với mục tiêu xây dựng nông thông mới (NTM), ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 120 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 1 thôn đạt chuẩn thôn thông minh, 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4/9 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký ý tưởng sản phẩm, tập huấn xây dựng, triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm, bán hàng thương mại điện tử… Kết quả dự kiến năm 2023 có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, nâng tổng sản phẩm OCOP của tỉnh đến hết năm 2023 là 141 sản phẩm.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; An sinh xã hội được bảo đảm, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cho người nghèo, người có công. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bước đầu đạt kết quả tích cực…
Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8,5%, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh. Tập trung cao độ, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn để khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Đồng thời, quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế…