Vĩnh Phúc: Điểm sáng thu hút đầu tư sau 25 tái lập tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
Sau 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc trở thành "địa chỉ vàng" của các nhà đầu tư, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội nằm trong top đầu cả nước, tạo tiền đề để tỉnh đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Điểm sáng về thu hút đầu tư

Khi tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, ngành công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, số lượng doanh nghiệp ít và hầu hết năng suất và hiệu quả kinh tế thấp… Nhưng với sự năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển.

Vĩnh Phúc: Điểm sáng thu hút đầu tư sau 25 tái lập tỉnh ảnh 1

Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chủ động cải cách các thủ tục hành chính nhất là cải cách các thủ tục hành chính; từng bước hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp... Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhiều năm liền Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) luôn nằm trong top đầu của cả nước.

Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là "chìa khóa" để Vĩnh Phúc phát triển. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành "điểm sáng" của cả nước về công tác thu hút đầu tư. Với phương châm "Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; triển khai và duy trì thường xuyên chương trình "Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân hằng tuần"...

Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng rất cao, năm 1998 trên địa bàn tỉnh mới chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI), đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng.

Vĩnh Phúc: Điểm sáng thu hút đầu tư sau 25 tái lập tỉnh ảnh 2

Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997 chỉ có 91 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 57 tỷ đồng nhưng ước đến hết năm 2021 toàn tỉnh có trên 13 nghìn doanh nghiệp (tăng 141 lần so với năm 1997) với số vốn đăng ký đạt trên 150 nghìn tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp thực tế hoạt động chiếm khoảng 70% doanh nghiệp đăng ký đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho nhân dân trong tỉnh.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, định hướng thu hút FDI của Vĩnh Phúc có sự điều chỉnh qua từng thời kỳ. Giai đoạn 1997- 2004, Vĩnh Phúc chủ trương thu hút những dự án đầu tư có sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết bài toán công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như tăng thu ngân sách. Đến năm 2004, khi Vĩnh Phúc “bước” vào nhóm các địa phương có tổng thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, tỉnh bắt đầu hướng tới những dự án FDI chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao và sử dụng nhiều hơn lực lượng lao động đã qua đào đạo.

Vĩnh Phúc: Điểm sáng thu hút đầu tư sau 25 tái lập tỉnh ảnh 3

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút gần 110.000 lao động

"Đặc biệt, kể từ năm 2016 đến nay, về cơ bản, Vĩnh Phúc đã chuyển sang thu hút FDI theo chiều sâu. Chúng tôi chỉ chấp nhận những dự án FDI chất lượng cao, tạo tác động lan toả và hướng tới giải quyết việc làm cho lao động có tay nghề. Tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương.Nhờ đó, thu hút FDI của Vĩnh Phúc luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu", ông Thành nói.

Vươn mình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều thách thức khi đại dịch COVID-19 thì những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc là rất đáng khích lệ. Đây cũng là tiền đề, động lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh tập trung khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khai thác những động lực mới cho tăng trưởng. Huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Thu nhập bình quân đạt 80- 85 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; thu nhập bình quân 130- 135 triệu đồng/người/năm…

Tỉnh đã cụ thể hoá bằng 4 nhóm với 29 chỉ tiêu. Điển hình như tăng trưởng kinh tế 8,5 - 9,0%/năm; thu ngân sách tăng 6 - 8%/năm; thu hút thêm vốn đầu tư (5 năm) 2,0-2,5 tỷ USD vốn FDI và 20-25 nghìn tỷ đồng vốn DDI…

Để thực hiện các mục tiêu trên, Vĩnh Phúc xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời giải quyết 3 khâu đột phá: Thứ nhất, thu hút, giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên thu hút phát triển khu, cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. Thứ hai, đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn. Cuối cùng là đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy.

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, Vĩnh Phúc đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân… hướng tới phấn đấu một Vĩnh Phúc giàu có, bền vững.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, giai đoạn tới, khu vực FDI tiếp tục vẫn là động lực tăng trưởng chính của Vĩnh Phúc nhưng cần được chọn lọc với định hướng phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp điện tử, nông nghiệp công nghệ cao… sẽ là ngành mũi nhọn.

Do đó, tỉnh sẽ chủ động mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là những nhà đầu tư từ các quốc gia là đối tác đầu tư của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng, nhất là các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

MỚI - NÓNG