Giọng nam cao trữ tình ấn tượng
NSƯT Nguyễn Tuấn Phong qua đời lúc 9h42 ngày 10/11, hưởng thọ 73 tuổi. Theo thông tin từ gia đình và một số học trò, nam nghệ sĩ từng bị tai biến, gãy xương chậu. Những năm cuối đời, NSƯT Tuấn Phong chủ yếu nằm trên giường bệnh.
NSƯT Tuấn Phong tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Sinh học. Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại Đoàn ca múa nhạc Bông Sen, sau đó chuyển sang Nhạc viện TPHCM. Ông có nhiều học trò là ca sĩ, đạo diễn nổi tiếng.
Ca sĩ Tuấn Phong thời trẻ. |
Chia sẻ với Tiền Phong sau khi trở về từ lễ viếng NSƯT Tuấn Phong, ca sĩ Dương Quốc Hưng khẳng định NSƯT Tuấn Phong nghiêm khắc trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, ông vẫn tạo không khí thoải mái đúng lúc, đúng chỗ để các học trò cảm nhận được sự thân tình, động viên từ người thầy.
"Trước khi học thầy ở Nhạc viện TPHCM, tôi nghe nói thầy Tuấn Phong rất khó tính, ít khen học trò trên lớp. Vậy mà có hôm thầy nói với tôi rằng: Giọng hát của Hưng có thể biến em trở thành một danh ca. Tôi rất bất ngờ và xúc động, càng thấy mình phải cố gắng hơn để xứng đáng với lời khen của thầy", ca sĩ Quốc Hưng nói.
Nhạc sĩ Tuấn Phong (giữa) cùng hai học trò. |
Anh cũng cho biết NSƯT Tuấn Phong sở hữu giọng nam cao trữ tình thuộc hàng "khủng" ở Việt Nam. Ông có phương pháp để ca sĩ mở rộng quãng giọng, bình tĩnh khi lên nốt cao. "Thầy thường khai phá tiềm năng của học trò, giúp chúng tôi chinh phục những quãng cao hay xử lý nốt trầm sao cho khéo léo. Phương pháp giảng dạy của NSƯT Tuấn Phong rất hay, dễ tiếp thu", ca sĩ Dương Quốc Hưng bày tỏ.
Đạo diễn Tây Phong (Lê Thanh Phong) từng theo học NSƯT Tuấn Phong gần 10 năm. Anh nói có nhiều kỷ niệm bên người thầy, đáng nhớ nhất là lần biểu diễn bài Lý con sáo. "Năm đầu đi học, tôi còn ngô nghê. Một lần thầy giao hát bài Lý con sáo, tôi nghĩ phải hát sao cho hoành tráng, càng phô diễn kỹ thuật càng tốt. Kết thúc buổi thi, thầy ra nói với tôi: Đây không phải Lý con sáo, mà là Lý con đại bàng rồi", đạo diễn Tây Phong nhớ lại.
Anh khẳng định NSƯT Tuấn Phong nghiêm túc, thâm trầm. Ông dí dỏm nhưng không bỗ bã mà rất tế nhị. Đạo diễn Tây Phong nhấn mạnh cách hát của NSƯT Tuấn Phong "đậm chất Việt Nam", phù hợp với nhiều ca khúc nhạc nhẹ, dân ca.
Làm sống lại ca khúc cũ
Ca sĩ Tuấn Phong sinh năm 1952 tại Hà Nội, trong một gia đình đông con. Quê gốc của ông ở xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Ông sở hữu giọng hát nam cao, ghi dấu trong nhiều bài hát trữ tình như Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tương tư chiều... Ca khúc ông thể hiện thành công nhất là Thuyền và biển, Chào em cô gái Lam Hồng.Ông cũng sáng tác nhiều ca khúc như Mùa thu và em, Nửa vời... Ca sĩ Tuấn Phong được mệnh danh là "người làm nổi tiếng cho những ca khúc được giới thiệu lần đầu và làm sống lại những ca khúc cũ".
Tang lễ NSƯT Tuấn Phong diễn ra tại TPHCM. |
Tuấn Phong được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1996. Ở Nhạc viện TPHCM, ông từng là giữ vị trí Phó trưởng khoa.
Ông từng chia sẻ về quyết định chuyển hướng sang nghệ thuật: "Tôi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, sẵn có máu văn nghệ, lại mê hát nên quyết tâm đi theo âm nhạc, mặc dù biết con đường này khá nhiều chông gai...Tôi chọn nghề hát không phải vì nó dễ kiếm được tiền. Lúc chúng tôi hát, chiến tranh vẫn còn ác liệt, nghèo rớt mồng tơi, nhưng vì đam mê nghệ thuật mà theo nghề".
Lễ viếng NSƯT Tuấn Phong được tổ chức từ chiều 10/11. Lễ động quan diễn ra lúc 6h sáng 13/11. Lễ hỏa táng diễn ra cùng ngày tại Trung tâm Bình Hưng Hòa.