Vinashin, Vinalines ‘quên’ gần 200 container tại cảng

Vinashin, Vinalines ‘quên’ gần 200 container tại cảng
Số container này bị các ông chủ Vinashin, Vinalines 'bỏ quên' tại cảng Hải Phòng từ năm 2012, đến nay vẫn chưa muốn nhận hàng. Cơ quan hải quan lúng túng không biết xử lý thế nào.

Hàng hóa vô thừa nhận ngày một gia tăng, lên tới hàng ngàn container khiến cho cảng Hải Phòng bỗng dưng trở thành bãi phế liệu bất đắc dĩ. Trong số này, đa phần lại là hàng cấm nhập khẩu.

Hàng nghìn container tồn đọng tại cảng Hải Phòng
Hàng nghìn container tồn đọng tại cảng Hải Phòng.

Một thống kế mới đây của Cục Hải quan TP. Hải Phòng cho biết, tính đến hết tháng 9, cảng Hải Phòng đang tồn đọng tới 4.872 container vô chủ. Đây là số hàng hóa đã quá thời hạn 90 ngày làm thủ tục hải quan.

Trong đó, có tới 4.371 container đã đắp chiếu nằm cảng từ năm 2012 trở về trước và 501 container mới bị chủ bỏ rơi trong năm 2013.

Trong số này, có 2.772 container cao su, lốp cao su đã qua sử dụng, 520 container hàng là nhựa phế liệu, sắt, thép và giấy phế liệu, 362 container hàng là quần áo, thiết bị điện, linh kiện thiết bị điện; 302 container hàng đứng tên các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, 284 container hàng đứng tên các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất (chủ yếu là các mặt hàng quần áo, lốp cao su, hàng nông sản...).

Đáng chú ý là, có tới 183 container hàng đứng tên các công ty thuộc Vinashin, Vinaline. Số container còn lại vẫn chưa xác định được tên loại hàng hóa, loại hình kinh doanh.

Tuy nhiên, việc xử lý các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan này đang trở nên bế tắc.

Cục Hải quan TP. Hải Phòng cho biết, kết quả xác minh cho thấy container hàng hóa tồn đọng trước ngày 1/1/2013 chủ yếu đều thuộc mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu được đưa vào Việt Nam để thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất, chú yếu là tái xuất đi Trung Quốc, như cao su, lốp đã qua sử dụng, nhựa phế liệu, sắt thép, linh kiện điện tử... Trong khi đó, theo Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì các mặt hàng này lại thuộc Danh mục hàng cấm và tạm ngưng kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Bên cạnh đó, việc xử phạt cũng khó khăn khi nhiều trường hợp chủ hàng lại ở nước ngoài, hoặc đã từ bỏ hàng hóa hoặc không có ý kiến phản hồi khi cơ quan Hải quan yêu cầu đến làm việc. Chính vì vậy, hải quan không thể lập biên bản vi phạm hành để áp dụng hình thức xử phạt chính mà chỉ có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa sung công quỹ hoặc tiêu hủy theo quy định.

Thậm chí, việc kiểm tra hàng hóa cũng đang không khả thi và hiệu quả bởi hầu hết lô hàng có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng.

Đồng thời, cơ quan Hải quan không có đủ điều kiện kho bãi riêng để chứa tang vật, hàng hóa vi phạm với số lượng lớn như vậy.

Trước tình trạng này, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đang xin ý kiến Tổng cục Hải quan về hướng giải quyết.

Theo Phạm Huyền
VietNamNet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG