Vinamilk nhận cú đúp giải thưởng về Quản trị công ty
Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN (ACGS) thuộc Sáng kiến Quản trị Công ty ASEAN (ASEAN Corporate Governance) của Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) được tổ chức 2 năm/lần.
Năm 2021, chương trình có sự tham gia của 234 doanh nghiệp trong khối ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, và Việt Nam, trong đó Việt Nam có 87 doanh nghiệp được đánh giá.
Ông Lê Thành Liêm – Thành viên HĐQT và Giám đốc điều hành Tài chính tại Vinamilk nhận giải thưởng Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN |
Với chiến lược phát triển và quản trị bền vững, đây là lần thứ 2 liên tiếp Vinamilk được vinh danh là Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN (ASEAN Asset Class) và Top 3 Công ty niêm yết có điểm Quản trị công ty (QTCT) cao nhất tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự chuyên nghiệp, cam kết minh bạch trong hoạt động quản trị của Vinamilk thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn lấy lại đà phục hồi và phát triển sau hai năm đại dịch.
Theo báo cáo từ VIOD, điểm QTCT ở Việt Nam có sự cải thiện tích cực với mức điểm trung bình từ 23,7% năm 2012 lên mức 45,4% năm 2021. Tuy nhiên, nhóm 25% công ty dẫn đầu đã có cách biệt khá xa từ 50,9% đến 83,5%.
Cũng trong tháng cuối năm 2022, tại Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2022 được tổ chức bởi Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Báo Đầu tư và Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, Vinamilk tiếp tục gây ấn tượng với loạt giải thưởng quan trọng bao gồm: Hạng nhất giải Quản trị Công ty tốt nhất nhóm vốn hóa lớn, Giải Nhất Báo cáo thường niên nhóm vốn hóa lớn, Giải Nhì Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV).
Đại diện Vinamilk nhận Giải thưởng Top 5 Doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất (nhóm vốn hóa lớn) |
Trong khuôn khổ chương trình, Vinamilk còn là doanh nghiệp duy nhất nhận giải Doanh nghiệp quản lý tốt phát thải khí nhà kính - giải thưởng lần đầu tiên được trao nhằm tôn vinh những doanh nghiệp công khai minh bạch các số liệu về phát thải khí nhà kính cũng như có các giải pháp nhằm hạn chế và giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Vinamilk cũng được vinh danh là doanh nghiệp nhiều năm liền đạt giải Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết.
Toàn bộ trang trại tại Vinamilk sử dụng năng lượng mặt trời nhằm giảm thiểu khí nhà kính |
Quản trị theo thông lệ quốc tế
Vinamilk được cổ phần hóa từ năm 2003 và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2006. Với tầm nhìn phát triển ngang tầm quốc tế, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinamilk đã cải tiến quy trình quản trị, từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển hệ thống trang trại, nhà máy và hệ thống phân phối.
Việc nâng cao quản trị tại Vinamilk đã từng bước triển khai và phát triển từ năm 2010 tới nay. Cụ thể, công ty đã thành lập Phòng Kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế; thực hành các nguyên tắc nâng cao trách nhiệm của HĐQT, công bố thông tin tài chính và phi tài chính…
Nhằm đảm bảo tính khách quan và độc lập trong việc đánh giá các quy trình quản lý quản trị, Vinamilk triển khai mô hình 3 tuyến phòng vệ theo thông lệ Quản lý rủi ro và Kiểm soát nội bộ. Công ty cũng liên tục cập nhật bộ quy chế về QTCT nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông và thiết lập những chuẩn mực hoạt động đối với HĐQT và Ban Điều hành.
Mô hình 3 tuyến phòng vệ tại Vinamilk |
Năm 2021, Vinamilk triển khai dự án “Rà soát và nâng cấp hệ thống Quản lý rủi ro” nhằm nâng cao hệ thống quản lý rủi ro theo thông lệ tiên tiến trên cơ sở đối chiếu với các thông lệ tiên tiến trên thế giới, với danh mục các rủi ro chung của ngành Sữa và đồ uống cũng như đối chiếu với chiến lược, mục tiêu của Công ty.
Song song với việc chuyên nghiệp hóa bộ máy quản trị nội bộ, Vinamilk luôn chủ động tiếp cận các chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế tốt nhất, tích cực hợp tác với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước về QTCT trong nước như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương… và lắng nghe những đóng góp, đề xuất của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện Vinamilk đang sử dụng tài liệu “Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ tốt nhất” do UBCKNN và IFC phát hành như là chuẩn mực và hướng dẫn cho việc tổ chức thực hiện.
Theo ông Lê Thành Liêm, Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc điều hành Tài chính của Vinamilk, Vinamilk đã thể hiện sự cam kết và nỗ lực liên tục trong việc đáp ứng yêu cầu tuân thủ và các thông lệ tốt về QTCT. Từ đó, QTCT sẽ ngày càng đi sâu vào công việc hàng ngày và trở thành một phần không thể thiếu, không những giúp Vinamilk ngày một vững vàng đảm bảo mục tiêu PTBV mà còn đưa QTCT tại Việt Nam đạt được nhiều bước tiến mới.
“Áp dụng các thông lệ quản trị tiên tiến, mang tầm quốc tế vượt lên các quy định hiện hành là một thách thức cũng là cơ hội cho Vinamilk, giúp QTCT tiệm cận với thế giới và được công nhận bởi các tổ chức trong lẫn ngoài nước”, ông Liêm chia sẻ.
Tại Vinamilk, PTBV là 1 trong 4 mũi nhọn thuộc chiến lược phát triển 5 năm (2022-2026). Do đó, các thực hành ESG cũng đã và đang được thực hiện một cách quyết liệt. Trong đó yếu tố “G – Quản trị” đặc biệt được coi trọng vì đây chính là nền tảng gia tăng năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển của công ty theo chiến lược dài hạn sắp tới.
Khía cạnh QTCT là yếu tố làm nên thương hiệu Vinamilk đối với nhiều nhà đầu tư, cũng là một ví dụ tiêu biểu cho việc không ngừng đẩy mạnh mục tiêu PTBV. Trong Top 20 cổ phiếu xanh VNSI của HoSE, điểm G trong tổng điểm ESG của Vinamilk lên đến 96%, vượt xa trung bình ngành lẫn VN100.
Điểm Quản trị công ty tại Vinamilk lên đến 96% |
VIOD cũng chỉ ra, các quỹ đầu tư ESG gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu mở ra cơ hội thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp công bố đầy đủ, chi tiết về hoạt động ESG. Minh bạch thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Anh và đầu tư cho báo cáo PTBV theo các chuẩn mực quốc tế là trọng tâm trong các năm tới để các doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận nguồn vốn dồi dào chi phí thấp.
Việc áp dụng có chiến lược các mô hình quản trị - kinh doanh tiên tiến theo định hướng PTBV, cùng những hệ thống quản trị cung ứng tiên tiến trên thế giới giúp Vinamilk chủ động trong việc quản lý rủi ro ESG cũng như khai thác tốt hơn những đóng góp quan trọng của các bên liên quan khác nhau như cổ đông, nhân viên, nhà cung cấp, người tiêu dùng, cộng đồng… hướng tới sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp.
Xem thêm: Báo cáo Phát triển bền vững năm 2021 của Vinamilk (http://bit.ly/3VtSb6q)