Ngày 23/11/2020, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của VietinBank đã thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ số 22/NQ-ĐHĐCĐ. Theo đó, ĐHĐCĐ thông qua “Phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019” và ủy quyền cho HĐQT VietinBank quyết định “Phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019” theo đúng nội dung phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong thời gian qua, VietinBank đã khẩn trương, tích cực phối hợp, làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thúc đẩy quá trình phê duyệt đối với Phương án tăng vốn điều lệ. Theo quyết định số 765/QĐ-TTg ngày 22/5/2021, Chính phủ phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước 6.977 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu tại VietinBank và giao ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại VietinBank thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định để triển khai Phương án tăng vốn điều lệ trên cơ sở nội dung được phê duyệt.
VietinBank chính thức được Chính phủ phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước gần 7.000 tỷ đồng |
Trong những năm qua, VietinBank luôn là ngân hàng tiên phong trong việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu tài sản hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, an toàn và bền vững. Năm 2020, VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.085 tỉ đồng, tỉ lệ lợi xấu ở mức 0,94%. Hết quý I/2021, VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8.060 tỉ đồng, tỉ lệ lợi xấu ở mức 0,88%.
Việc chính thức được phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với VietinBank. Đây là cơ sở để VietinBank tiếp tục triển khai các thủ tục tăng vốn Điều lệ, tạo tiền đề để VietinBank tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư…, từ đó tăng cường khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, với dòng vốn được khơi thông, VietinBank sẽ chủ động phát huy tối đa vị thế, tiềm năng, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, mạng lưới, gia tăng lợi ích cổ đông và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, vốn điều lệ cũng là một trong những yếu tố quan trọng mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xét đến khi thực hiện đánh giá để đưa ra quyết định tăng hoặc giảm thứ hạng tín nhiệm của VietinBank. Việc tăng vốn điều lệ sẽ góp phần nâng cao mức độ tín nhiệm của VietinBank theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, từ đó tác động tích cực đến đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế về triển vọng chung đối với ngành tài chính ngân hàng Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
VietinBank đang tích cực, khẩn trương triển khai các thủ tục với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện Phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, VietinBank sẽ hoàn thành việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức trong Quý III-Quý IV/2021, tỷ lệ chi trả cổ tức của VietinBank là 29,0695%. Sau khi hoàn thành, vốn Điều lệ của VietinBank dự kiến tăng thêm 10.824 tỷ đồng, nâng mức vốn Điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành thêm sẽ được VietinBank đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và niêm yết bổ sung tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh theo quy định pháp luật hiện hành.