Về kết nối chính sách, lãnh đạo cấp cao hai nước đã và đang duy trì tiếp xúc, thiết lập rồi thực hiện các cơ chế điều phối ở cấp trung ương, bộ, ngành, địa phương, như Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh “sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã đạt mức cao nhất trong lịch sử”, Đại sứ Hùng Ba nói. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Trung Quốc đang được củng cố và phát triển trên nền tảng là tin cậy chính trị lẫn nhau ở mức rất cao.
Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Vietnam+ |
Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được nhận thức chung về nhiều vấn đề quan trọng, như coi trọng độc lập, tự chủ, tôn trọng quyền lợi của nhân dân, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, ủng hộ toàn cầu hóa, tự do thương mại…
“Như trong Tuyên bố chung về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc được đưa ra trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc năm 2022, hai bên nhất trí cho rằng, “Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại”. Hai bên cũng nhấn mạnh, “an ninh là tiền đề của phát triển”, nhất trí kiểm soát thỏa đáng bất đồng, xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển…”, Đại sứ Hùng Ba nói.
Theo Đại sứ Hùng Ba, Trung Quốc đang tích cực xây dựng, phát triển cộng đồng chung vận mệnh ở ba cấp bậc song phương, khu vực và toàn cầu, cộng đồng nhỏ làm nền tảng cho cộng đồng lớn hơn. “Trung Quốc đã đạt được nhận thức chung với hàng chục nước về cộng đồng chung vận mệnh song phương, trong đó có 6 nước ASEAN, bao gồm Lào và Campuchia”, ông nói.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam trả lời phỏng vấn ngày 13/10 tại Hà Nội. Ảnh: Thái An |
“Trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định có đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tôi cho rằng, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn. Trung Quốc coi kết nối đường bộ, đường sắt, trong đó có kết nối với “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam là một ưu tiên hợp tác”, Đại sứ Hùng Ba nói. Năm 2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai - Con đường”. Hai bên đang tiếp tục thảo luận các nội dung để cụ thể hóa bản ghi nhớ này.
Về kết nối hạ tầng, Đại sứ Hùng Ba nhận định, Việt Nam và Trung Quốc đang làm tốt công tác kết nối đường bộ, đường biển, đường hàng không và không gian mạng, trong đó có nâng cấp cửa khẩu, thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh (Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan ở Lạng Sơn và Quảng Tây) để phục vụ tốt hơn nhu cầu xuất nhập khẩu, đi lại ngày càng tăng giữa hai nước và với khu vực như ASEAN, châu Âu.
Ngày 2/8, tại ga Yên Viên (Hà Nội), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đón chuyến tàu đầu tiên chuyên tuyến Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) - Yên Viên. Ngày 27/9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức “Lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc”. Ngoài kết nối với các nước ASEAN như Lào, Indonesia…, “đường sắt Trung Quốc đã kết nối 108 thành phố của Trung Quốc với 208 thành phố ở 25 nước châu Âu” mà hàng Việt Nam cũng đi theo tuyến đường này, Đại sứ Hùng Ba nói. Trung Quốc đã xây dựng hơn 200.000 km đường bộ cao tốc, hơn 42.000 km đường sắt cao tốc, chiếm hơn 70% chiều dài đường sắt cao tốc toàn cầu, nên sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm nhanh chóng phát triển mạng lưới giao thông chất lượng cao, ông cho biết.
Về kết nối lòng dân, Đại sứ Hùng Ba nhận định: “Điểm nhấn trong quan hệ hai nước không chỉ là tin cậy chính trị ở mức cao, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư liên tục phát triển mà còn là tình cảm nhân dân hai nước không ngừng thắt chặt, gắn kết”.
Sau đại dịch COVID-19, giao lưu, đi lại giữa người dân hai nước khôi phục nhanh, lượng du khách Trung Quốc tới Việt Nam tăng trở lại. “Tiềm năng du lịch, đi lại, giao lưu giữa người dân hai nước chúng ta còn rất lớn vì sẽ có thêm nhiều chuyến bay được khôi phục. Trong 9 tháng đầu năm nay, hơn 1,1 triệu du khách Trung Quốc đã tới Việt Nam”, ông nói.
Trung Quốc coi trọng việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn “Vành đai-Con đường”
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai - Con đường” lần thứ ba tại Bắc Kinh từ ngày 17- 20/10. “Trung Quốc rất hoan nghênh, coi trọng việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự diễn đàn lần này diễn ra trong 2 ngày 17-18/10. Đây là cơ hội để lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi về phương hướng, biện pháp củng cố, phát triển quan hệ song phương trong mọi lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, thể thao…”, Đại sứ Hùng Ba nói.